Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Nóng, nguy cơ ngộ độc thực phẩm và cách phòng ngừa

Tạp Chí Giáo Dục

Đặc trưng của mùa nắng nóng là nhiệt độ và độ ẩm cao nên rất thuận lợi cho vi sinh vật sinh sôi phát triển, dễ làm cho thức ăn ôi thiu nếu không được bảo quản cẩn thận.

Theo thống kê của Bộ Y tế, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2016, cả nước đã xảy ra gần 30 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm trên 1.386 người bị ngộ độc, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Riêng trong tháng 4.2016 đã xảy ra 9 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 375 người bị ngộ độc. Hầu hết các bệnh nhân bị ngộ độc do ăn phải thức ăn bị nhiễm vi sinh vật bởi thời tiết nóng bức gây ra, cùng với đó là một số trường hợp bị ngộ độc do hấp thụ phải hóa chất tồn dư trong thực phẩm.
Điểm mặt nguyên nhân
TS-BS Lâm Vĩnh Niên – Trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết ngộ độc thực phẩm hay còn được gọi với tên thông dụng là ngộ độc thức ăn hay trúng thực là các biểu hiện bệnh lý xuất hiện sau khi ăn, uống phải những loại thực phẩm nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc có chứa chất gây ngộ độc hay thức ăn bị biến chất, ôi thiu, có chất bảo quản, phụ gia… Nhiệt độ nắng nóng là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triển mạnh với cấp số nhân, nhanh gấp 3 lần so với thời tiết bình thường.
Nóng, nguy cơ ngộ độc thực phẩm và cách phòng ngừa

Hơn nữa, chưa bao giờ thực phẩm bẩn trở nên hoành hành như thời gian gần đây nên càng gây ra tâm lý hoang mang, bất an cho người dân. Cụ thể là việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thịt lợn, thịt gà, thủy sản nuôi… Bên cạnh đó, chưa kể khi thực phẩm đến các chợ, nhiều tiểu thương còn tiếp tục ướp hóa chất vào lượng thực phẩm tồn lại của buổi sáng để bán lúc chợ chiều nhằm hạn chế tối đa quá trình phân hủy của thực phẩm trong mùa nóng càng khiến nguy cơ ngộ độc thực phẩm tăng cao. Và dĩ nhiên, nguồn thực phẩm nhiễm hóa chất càng tăng, nguy cơ ngộ độc thực phẩm càng nhiều.
Không chỉ vậy, thói quen để thức ăn ngoài không khí nóng quá lâu, ăn uống ngoài đường, vỉa hè, nhất là ở những hàng quán mất vệ sinh, thường xuyên ôm ấp, âu yếm các con vật nuôi, thức ăn không được nấu chín kỹ để tiêu diệt các vi khuẩn, thay vào đó, vi khuẩn có cơ hội nhân lên và phá hủy thức ăn, trái cây và rau quả chưa được rửa sạch đúng cách, nấu đồ ăn với nước bị ô nhiễm, ăn thực phẩm đã hết hạn sử dụng… cũng là những nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm.
Nhận biết ngộ độc thực phẩm
Sau khi ăn hay uống một thực phẩm bị nhiễm độc (sau vài phút, vài giờ, thậm chí có thể sau một ngày), người bệnh đột ngột có những triệu chứng: buồn nôn và nôn ngay, có khi nôn cả ra máu, đau bụng, đi ngoài nhiều lần (phân nước, có thể lẫn máu), có thể không sốt hoặc sốt cao trên 38oC. Phần lớn ngộ độc thực phẩm liên quan đến đường tiêu hóa: đau bụng, ói mửa, tiêu chảy… Một số trường hợp có biểu hiện đặc thù (co giật, tiêu phân máu…).
Ngộ độc thực phẩm có thể dẫn đến tình trạng mất nước nặng, nhiễm trùng huyết… cần được điều trị tích cực. Một số độc chất tự nhiên của thực phẩm, hoặc hóa chất được sử dụng kèm (thuốc trừ sâu, hóa chất bảo quản) cũng có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Khi nghi ngờ ngộ độc thức ăn, nếu người bệnh còn tỉnh táo thì nên tìm cách loại bỏ thức ăn ra khỏi cơ thể càng sớm càng tốt (gây nôn). Loại bỏ nhanh chóng hết các chất độc trong cơ thể bằng cách cho bệnh nhân uống nước, tiếp theo là kích thích cơ học vào cổ họng bằng ngón tay chặn xuống lưỡi cho đến khi nôn được. Lưu ý chỉ gây nôn khi bệnh nhân còn tỉnh, khi nôn vị trí đầu nằm nghiêng, trường hợp cần thiết lưu giữ lại ít thứ đã nôn ra để xét nghiệm. Trong trường hợp không nôn được, cho người bệnh uống than hoạt tính. Tác dụng của than hoạt tính là hút các chất độc ngăn không cho chất độc thấm vào máu.
Sau khi nôn hoặc đi ngoài, nên cho bệnh nhân uống hết 1 lít nước pha với một gói orezol hoặc nếu không có sẵn gói orezol thì có thể pha 1/2 thìa cà phê muối cộng với 4 thìa cà phê đường trong 1 lít nước. Trường hợp bị tiêu chảy không nên uống thuốc hãm lại, nên để bệnh nhân càng đi hết càng tốt.
Đối với bệnh nhân ngộ độc nhẹ sau khi nôn và đi ngoài thải hết chất độc sẽ bình phục, không nên ăn thức ăn cứng sau đó, mà nên cho ăn cháo nhẹ. Đối với trường hợp sau khi sơ cứu chưa bình phục ngay và có hiện tượng tím tái, khó thở… cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để rửa ruột và có những điều trị cần thiết.
Tránh ngộ độc
Để tránh nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm trong những ngày nắng nóng, theo bác sĩ Vĩnh Niên, chỉ sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, ăn chín uống sôi, bảo đảm các điều kiện vệ sinh trong chế biến, bảo quản thực phẩm đúng cách, sử dụng nước sạch, các dụng cụ, thiết bị, vị trí chế biến phải sạch sẽ. Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm quá hạn, có mùi lạ bất thường, hoặc bị ôi thiu, nổi nấm mốc…
Lựa chọn và mua thực phẩm còn tươi, còn hạn sử dụng, có nhãn mác rõ ràng ở những cửa hàng có uy tín. Nếu sử dụng củ sắn (khoai mì), cần chú ý phòng ngừa ngộ độc xyanua cả trong phần thịt lẫn phần vỏ. Cách tốt nhất để loại bỏ xyanua trong khoai mì là phải lột vỏ, ngâm trong nước lạnh nhiều giờ trước khi luộc, trong lúc luộc nên mở nắp nồi để xyanua bay đi.
Đối với khoai tây, đậu phộng, không nên dự trữ lâu. Để tránh ngộ độc solanin có trong khoai tây, không nên ăn khoai tây đã mọc mầm hay những củ có vỏ đã chuyển sang màu xanh. Luôn rửa sạch tay sạch trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi vuốt ve, chạm vào thú vật. Bảo quản thịt, cá chưa chế biến trong bao kín và giữ trong tủ lạnh. Đổ bỏ thức ăn thừa qua đêm, nhất là khi chúng không được bảo quản cẩn thận. Để tránh lãng phí, hãy mua và nấu thực phẩm vừa đủ ăn.

Cẩm Nhung (TNO)

Bình luận (0)