Không chỉ riêng tôi mà nhiều thầy cô dạy bộ môn cũng đưa ra ý kiến là chương trình ngữ văn cấp THCS vẫn còn quá nặng, nhất là khối 9 cuối cấp.
Theo đánh giá, hiện chương trình ngữ văn khối 9 còn nặng ở phần Văn học hiện đại (ảnh minh họa). Ảnh: A.K |
Cụ thể, các khối 6, 7, 8 mỗi tuần chỉ học 4 tiết văn là đủ thì lên khối 9, các em phải học đến 5 tiết. Trong khi ngoài bộ môn văn các em còn phải học những môn khác nữa nên dễ bị quá tải. Vì vậy, tôi muốn kiến nghị nếu thay đổi thì phân phối chương trình có thể giảm bớt 1 tiết ở khối 9.
Theo ghi nhận của tôi, hầu hết 4 tác phẩm trong phần Văn học Trung đại đều xa lạ và không gây nhiều hứng thú cho người học. Ngoài tác phẩm Truyện Kiều là kiệt tác của Nguyễn Du (bắt buộc phải có) thì các tác phẩm khác như Hoàng Lê nhất thống chí nặng tính lịch sử và sự kiện, Người con gái Nam Xương tuy mang yếu tố hoang đường nhưng vẫn chưa thật sự hấp dẫn học sinh khi được học. Hay tác phẩm Lục Vân Tiên tuy có nội dung hấp dẫn đại diện cho nền văn học trước khi thực dân Pháp sang xâm lược nhưng phần nghệ thuật vẫn không bằng các tác phẩm cùng thời đại như Truyện Kiều, Cung oán ngâm khúc, truyện thơ nôm khuyết danh.
Cũng vì phân bổ thời lượng quá nhiều nên phần Văn học hiện đại khối 9 cũng rất nặng, do có 9 bài thơ và 4 tác phẩm văn xuôi. Mặc dù có một số tác phẩm đã đem ra ngoài chương trình như Khúc hát ru của những em bé lớn trên lưng mẹ (Nguyễn Khoa Điềm), Con cò (Chế Lan Viên). Trong khi đó bài thơ Nói với con (Y Phương) hay nhưng hơi dài lại mang phong cách của người dân miền núi nên khó gần với học sinh miền xuôi. Còn bài thơ Đoàn thuyền đánh cá (Huy Cận) ca ngợi tinh thần lao động với những hình ảnh giàu ẩn dụ, đa tầng nhiều nghĩa nên chưa lôi cuốn được các em. Phần văn xuôi có 3 tác phẩm đại diện cho 3 thời kỳ: chống Pháp (Làng – Kim Lân), chống Mỹ (Chiếc lược ngà – Nguyễn Quang Sáng) và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (Lặng lẽ Sa Pa – Nguyễn Thành Long); trong đó chỉ có truyện ngắn Chiếc lược ngà phù hợp với lứa tuổi học sinh nhất vì có hình ảnh trẻ thơ (nhân vật bé Thu). Sau này khi đã học lên các lớp trên, nhắc lại chương trình THCS các em vẫn nhớ rất lâu truyện ngắn đặc sắc này với nhiều chi tiết ấn tượng hấp dẫn. Bài Lặng lẽ Sa Pa lại xa lạ với người học và người dạy cũng khó liên tưởng nếu chưa một lần được đặt chân đến Sa Pa để cảm nhận đầy đủ hơn. Mà thực tế thì không phải giáo viên nào cũng đã từng có may mắn đến mảnh đất Sa Pa.
Về phân môn tiếng Việt, nếu ở học kỳ 2 vừa sức thì ở học kỳ 1 lại quá nặng do nhiều kiến thức mới được đưa vào. Bên cạnh đó chương trình còn đưa thêm những bài học từ các lớp dưới lên (Tổng kết từ vựng) làm cho học sinh ngán học, thiếu hứng thú. Phần văn học nước ngoài chủ yếu nằm ở chương trình học kỳ 2 nhưng lúc học các em không để ý vì thường không nằm trong chương trình thi và kiểm tra cuối cấp. Do đó một số giáo viên dạy cho có với chương trình chứ chưa mặn mà lắm.
Như tôi đã nói, do chương trình khối 9 nặng nên cần giảm bớt thời lượng trong tuần và một số tác phẩm không hay, xa lạ với người học và cả người dạy. Qua thực tế tôi thấy những tác phẩm mang chủ đề tình cảm gia đình, tình yêu thiên nhiên, ca ngợi phẩm chất con người (Qua đèo Ngang, Bánh trôi nước, Chiếc lược ngà, Bếp lửa, Sang thu) được các em học sinh yêu thích hơn những tác phẩm về đề tài chiến tranh, chống giặc ngoại xâm (Đồng chí, Tiểu đội xe không kính, Những ngôi sao xa xôi). Nếu bổ sung thì đưa vào những tác phẩm có tính nhân văn, gần gũi với đời sống và đặc biệt phù hợp với tâm lý suy nghĩ theo độ tuổi của học sinh cấp THCS.
Nguyễn Đăng Khoa
(Trưởng bộ môn ngữ văn
Trường THCS An Nhơn,
Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Bình luận (0)