Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Về một làng chài vươn khơi ngày… Tết

Tạp Chí Giáo Dục

Tết là để trở về, Tết là để đoàn tụ, sum vầy, Tết là để những người con xa xứ trở về quê hương, về bên những người thân của gia đình. Sau những tháng ngày vất vả mưu sinh nơi đất khách quê người, mọi người tạm gác lại mọi việc để trở về với mẹ cha, với quê hương yêu dấu… Nhưng không phải đối với bất cứ ai cũng vậy, với những người dân bên làng chài quê tôi, Tết là để vươn khơi, là mưu sinh, là hái lộc đầu năm trên biển cả trùng khơi…

1.Quê tôi là miền biển thuộc phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, nơi người dân sống chủ yếu dựa vào biển, vì thế mà đa số đàn ông ở đây đều làm nghề biển. Có lẽ do vậy mà đối với người dân miền biển, việc cha, chồng vươn khơi vắng mặt trong những ngày Tết là chuyện quá đỗi bình thường. Hiếm lắm mới có năm gia đình sum họp đông đủ vào dịp Tết.

Bắt đầu từ mười bảy, hai mươi tháng chạp không khí Tết đã bắt đầu chộn rộn khắp mọi nẻo đường, làng chài quê tôi cũng vậy, Tết cũng bắt đầu ghé sang. Nhà nào cũng lo chuẩn bị đón Tết, chợ bắt đầu đông hơn, hàng hóa bắt đầu phong phú hơn hẳn ngày thường. Chạy một vòng đường lộ thấy nhà ai cũng bắt đầu dọn dẹp, sửa sang đón Tết. Với những nhà làm biển như làng chài quê tôi mọi người cũng bắt đầu trang hoàng nhà cửa, mua sắm đồ đạc nhiều hơn nhưng là để cho chồng, con chuẩn bị cho chuyến biển xuyên Tết… Nhà mẹ chồng tôi bán tạp hóa, những ngày “bỏ tổn” là những ngày bận rộn nhất. “Bỏ tổn” được hiểu là chuẩn bị những nguyên liệu, đồ dùng thiết yếu để người đi biển dùng trong suốt một tháng ra khơi. Sau khi ghi hết đầy đủ vật dụng cần thiết những chủ ghe sẽ đưa cho mẹ chồng tôi, rồi mẹ chồng tôi sẽ theo danh sách ấy mà chuẩn bị. Những ngày chuẩn bị đồ “bỏ tổn” cũng không khác gì việc chuẩn bị cho những ngày Tết đến. Thường đối với nhà làm nghề đi biển những chuyến biển vươn khơi vào cuối năm âm lịch, đánh bắt trong 3 ngày Tết và cập bờ vào giữa tháng giêng năm mới mang một ý nghĩa rất quan trọng. Với họ chuyến biển này cập bờ, tôm cá đầy khoang, ấy sẽ là điềm báo cả năm thuận buồm xuôi gió, tàu cá của mình sẽ ăn nên làm ra.

2.Sanh là chồng của Ngọc Phàn con dì Út của chồng tôi, Sanh bắt đầu đi biển từ năm 18 tuổi. Nhà Sanh làm nghề biển nên khi lớn lên là Sanh cũng theo cha nối nghiệp nghề đi biển. Không hỏi cũng biết những ngày Tết chồng vươn khơi Phàn buồn như thế nào. Phàn nói 12 năm quen nhau là 12 năm em đón Tết một mình. Những năm đầu đêm nào em cũng khóc, khóc vì buồn, khóc vì thương và lo lắng cho chồng. Nhưng rồi năm nào cũng vậy nên riết rồi em quen. Nhìn người ta sum vầy, đoàn tụ nỗi cô đơn của em càng lớn. Nhưng nỗi buồn của em có là gì đâu so với chồng em khi anh ấy phải lênh đênh trên biển không được bên vợ con trong những ngày người ta quây quần đón Tết. Cuộc sống mưu sinh là như thế, chỉ có yêu nghề, gắn bó với nghề mới gạt qua nỗi buồn, nỗi nhớ vợ con mà vươn khơi, bám biển. Tết mà xa nhà xa vợ con thì ai đâu muốn nhưng vì mưu sinh, vì mong muốn gia đình có một cuộc sống đủ đầy hơn mà những người chồng, người cha ấy vẫn quyết tâm vươn khơi ngày Tết. Họ ra khơi đầu năm với ước mong tàu thuyền đầy cá tôm và đón “lộc” biển cho một năm đánh bắt bội thu.

Trong những chuyến biển vươn Tết người dân thường đem theo không chỉ nhu yếu phẩm như gạo, mắm đường, nước ngọt… mà có bánh chưng, hoa tươi, hương đèn… để cúng tạ ơn biển đêm giao thừa, cầu mong một năm đánh bắt thuận lợi, bình an.

Những đứa con trai ở miền biển nếu không học đại học thì đa phần sẽ theo gia đình đi biển, hoặc có những người nối nghiệp gia đình đi biển. Nghề biển cực lại lắm hiểm nguy nên cha mẹ nào cũng mong con cái học lấy cái chữ để có cuộc đời khác hơn, sung sướng hơn. Nhưng nếu ai cũng bỏ biển thì lấy ai giữ lấy nghề biển, lấy ai giữ lấy biển đảo quê hương. Thế nên dẫu biết cực khổ hiểm nguy nhưng những ngư dân nơi miền biển quê tôi vẫn không quản ngại ngần mà vươn khơi ngày Tết.

3.Thiếu vắng trụ cột gia đình đặc biệt là những ngày Tết một mình Phàn phải lo toan mọi việc trong nhà từ con cái, dọn nhà, mua sắm đến cúng giỗ ông bà tổ tiên trong dịp Tết. Ngoài hy vọng mỗi chuyến biển chồng về đầy thuyền cá tôm là mong muốn đón chồng bình an trở về. Có lẽ ai lấy chồng làm nghề biển như em mới hiểu hết những cảm xúc ấy. Nhiều người nói lấy chồng biển chỉ việc ở nhà chăm con, nhưng họ đâu biết những gì mà người vợ lấy chồng đi biển phải trải qua.

Năm ngoái tôi về Phàn vẫn còn đang mang thai, một mình khệ nệ ôm đống chăn mền ra phơi nơi đầu ngõ có nắng giòn nhất để hong khô sau những ngày mưa lạnh ẩm ướt. Nếu có chồng ở nhà có lẽ chồng em ấy đã giành làm hết cho vợ. Năm nay khi tôi về con trai Phàn đã sắp gần 1 tuổi. Phàn nói Tết này chồng em lại đi biển, em cũng buồn nhưng em quen rồi.

Khoảng mùng mười đến mười bảy tháng giêng những chiếc thuyền chở những ngư dân đi chuyến Tết trở về. Tùy vào lượng cá đánh bắt mà có ghe vô sớm hoặc vô trễ. Ghe nào vô sớm thì “trúng mánh” ghe nào vô trễ thì chuyến đó chưa được như kỳ vọng, cũng có ghe bị lỗ vì không đánh bắt được nhiều. Khi ấy, những người con tha hương về quê ăn Tết bắt đầu vào lại thành phố, xóm nhỏ ven biển bớt ồn ào bàn tán con ông này bà nọ thành công hay thất bại, mới sắm xe hơi nhà lầu, hay con cái đạt top mấy ở trường thì làng chài bắt đầu câu chuyện ghe nào “trúng mánh”, ghe nào lỗ. Ấy chính là lúc những ngư dân bắt đầu cập bờ sau một tháng vươn khơi bám biển. Đối với họ mà nói có lẽ bây giờ mới bắt đầu được ăn Tết…

Rồi nỗi buồn, nỗi lo của những người vợ nơi làng chài sẽ được bù đắp khi thấy bóng dáng chồng, cha trở về. Vậy mới nói chỉ có lấy chồng làm nghề biển mới thấu hết nỗi chờ đợi, mong ngóng ngày đêm khi nhìn cha, nhìn chồng ra khơi. Tết đối với những người vợ nơi làng chài cũng như những nhà khác, họ cũng chuẩn bị không thiếu thứ gì chỉ thiếu bóng dáng người trụ cột gia đình. Tết đối với mỗi người đều rất riêng, Tết đối với những người vợ có chồng đi biển trong Tết luôn là những cái Tết thật đặc biệt. Cái Tết của sự trông ngóng, cái Tết của sự chờ đợi, hy vọng bình an sau chuyến vươn khơi ra biển của chồng.

Thúy Nga
Ảnh: Huỳnh mỹ thuận

 

 

Bình luận (0)