Những vụ việc bạo lực học đường như thầy cô đánh học sinh, phụ huynh đánh giáo viên, học sinh đánh nhau ầm ĩ trên mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng gần đây khiến dư luận lo ngại về sự sa sút của văn hóa trong trường học.
Thiếu vắng tình yêu thương, lòng bao dung
Nhiều vấn đề ảnh hưởng đến văn hóa học đường không chỉ là những ồn ào của các vụ đánh chửi, cãi lộn nhau mà ai cũng nhìn thấy và lên án. Có những tác nhân thầm lặng tấn công vào môi trường văn hóa học đường. Đó là sự thiếu vắng tình yêu thương, tính nhân văn và bao dung trong cách giáo dục của không ít giáo viên (GV), nhà trường với chính học sinh (HS) của mình.
Tại Hà Nội, những câu chuyện như vậy đã liên tục xảy ra. Nhiều HS có học lực trung bình trở xuống bị một số trường danh tiếng “gợi ý” chuyển trường vì lo ảnh hưởng tới thành tích. Gần đây nhất là việc một GV của Trường tiểu học Nam Thành Công “dọa” đuổi học một HS lớp 2 làm cho cả hai mẹ con buồn phiền, lo lắng. Đây là những báo động về ứng xử giữa thầy cô và học trò. Chị N.T.T, mẹ của HS này, cho rằng khi đưa ra bất kỳ hình thức kỷ luật nào cũng phải hiểu tâm lý từng lứa tuổi và có phương pháp giáo dục phù hợp để các cháu cảm nhận được sự yêu thương, ngay cả khi bị cô trách phạt.
Trường tiểu học Nam Thành Công là một trường nổi tiếng ở Hà Nội, là “từ khóa” được rất nhiều phụ huynh tìm kiếm mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp, nên những việc như vậy khiến dư luận buộc phải đặt câu hỏi: Phải chăng càng là trường “điểm” thì lại càng coi nhẹ cảm xúc và suy nghĩ của HS và phụ huynh? Bản thân vị hiệu trưởng trường này, bà Phan Kim Anh, cũng chia sẻ với PV Thanh Niên: “Sự việc xảy ra ồn ào dù ảnh hưởng đến nhà trường nhưng cũng là cơ hội để mỗi chúng tôi nhìn nhận lại cách ứng xử của mình với HS, với phụ huynh để có những điều chỉnh cần thiết”.
“Văn hóa phong bì”
Xã hội càng phát triển thì môi trường học đường càng bị bủa vây bởi những mặt trái của nó. GV ép học HS đi học thêm, GV giục giã HS nộp tiền hay thản nhiên cầm phong bì của phụ huynh, HS… là những chuyện gần như được mặc nhiên thừa nhận trong môi trường học đường hiện nay. Vào những ngày lễ tết, thay vì mua tặng GV một món quà nhỏ mang tính biểu trưng như trước đây thì nay hầu hết đều được quy ra… phong bì.
Nguyên trưởng đại diện ban phụ huynh của một trường tiểu học danh tiếng tại Hà Nội cho hay làm ở vị trí này mới thấy “văn hóa phong bì” trong nhà trường phổ biến hơn bất kỳ nơi nào khác. Trước đây GV hầu như chỉ được chúc mừng, tặng quà nhân ngày lễ 20.11 thì nay ngày lễ nào cũng phải có quà cho GV. Điều đáng nói là món quà phổ biến nhất lại là phong bì, đến nỗi cứ mỗi lần đề xuất việc mua tặng GV hoặc nhà trường một món quà ý nghĩa thì đa số phụ huynh khác phản đối vì thiếu thực tế.
Việc phụ huynh HS ở Hải Phòng, Nghệ An xông vào tận lớp học hành hung GV thời gian gần đây khiến dư luận lên án vì đi ngược hoàn toàn với truyền thống tôn sư trọng đạo. Thế nhưng, những hành động như “đưa phong bì” tưởng như là “tôn sư”, là trân trọng GV thực ra lại đang khiến chính các nhà giáo cảm thấy bị tổn thương. Nhiều ý kiến cho rằng nhiều phụ huynh đã góp phần làm cho môi trường học đường và nghề dạy học bớt thiêng liêng và cao quý bằng hành động “hối lộ” GV một cách thản nhiên, công khai.
Không ít GV cũng tâm sự việc phụ huynh đưa phong bì ngay trên bục giảng, trước mặt HS vào giờ học khiến cho họ cảm thấy mình thiếu được tôn trọng, nên nếu không kiên quyết từ chối thì hình ảnh thầy cô trong mắt học trò sẽ xấu đi và rất khó để giáo dục HS.
Một GV dạy THPT ở Q.Thanh Xuân (Hà Nội) kể: “Có trường hợp HS liên tục trốn tiết, học hành sa sút, tôi mời gia đình em đến gặp để phối hợp giáo dục thì vừa đến nơi mẹ của em không nói không rằng dúi ngay vào tay tôi chiếc phong bì dày cộm, rồi nói “thôi thì con dại cái mang, trăm sự nhờ cô giúp đỡ”. “Vẫn biết là “văn hóa phong bì” phổ biến trong xã hội nhưng nhiều khi vẫn bất ngờ và có cảm giác bị xúc phạm bởi cách ứng xử của phụ huynh với thầy cô của con mình”, GV này chia sẻ.
Một GV tiểu học kể đã từng khóc vì ngày lễ 20.11 có phụ huynh cho con mang phong bì đưa cho cô, bảo bố mẹ con bận không đến được nên gửi quà tặng cô. Vì còn trẻ con nên HS này còn “chú thích” thêm với cô: “Trong này có tiền đấy cô ạ! Mẹ con dặn con phải cầm cẩn thận và đưa ngay cho cô”.
Ý kiến:
Thương mại hóa quan hệ thầy trò
Văn hóa học đường chỉ có thể tốt đẹp và lành mạnh khi mỗi đối tượng liên quan có ý thức xây dựng và gìn giữ nó. Những hiện tượng như phụ huynh biếu phong bì cho thầy cô đã góp phần làm biến tướng và thương mại hóa quan hệ thầy trò. Làm cho thầy không còn là thầy, không được học trò coi là tấm gương để noi theo. Trò cũng chẳng phải trò, chẳng lễ phép, kính trọng thầy và chăm chỉ học hành tu dưỡng.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý – Giáo dục TP.Hà Nội)
Là nhà giáo dục chứ không chỉ người dạy chữ
Các trường sư phạm phải chú ý đến việc nâng cao năng lực giáo dục cho đội ngũ GV tương lai để giúp họ sau khi ra trường sẽ trở thành những nhà giáo dục hơn là những người thầy dạy chữ. GV phải biết vui cùng những thành tích nhỏ bé của học trò và hãy chia sẻ những thất bại của các em. Hãy vừa là bạn, vừa là thầy và cố gắng để các em luôn gần gũi, cởi mở với mình; hãy cố gắng khơi dậy lòng tự trọng, sự tự tin và những ưu điểm trong mỗi HS. Đừng bao giờ cho rằng những HS hư là đồ bỏ đi và không thể dạy dỗ được…
Phạm Thị Kim Anh (Viện Nghiên cứu sư phạm – Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)
Vai trò của gia đình và nhà trường
Nhà trường, các thầy cô đóng vai trò quan trọng trong quá trình giáo dục hình thành nhân cách HS, nhưng chỉ là một yếu tố trong mối quan hệ nhà trường – gia đình – xã hội. Để làm tốt công tác này cần có sự phối hợp chặt chẽ của gia đình và xã hội, đặc biệt là vai trò nêu gương, sự quan tâm sâu sát của cha mẹ HS đối với mọi hành vi, lời ăn, tiếng nói, sự tiến bộ trong học tập, rèn luyện của con em mình…
Bùi Văn Linh (Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Công tác chính trị – HS, SV Bộ GD-ĐT)
|
Sẽ có khung quy tắc ứng xử trong nhà trường
Bộ GD-ĐT dự kiến ban hành Khung quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, nhà giáo và HS, SV. Nội dung quy tắc ứng xử sẽ bao hàm toàn bộ các quy tắc trong mọi giao tiếp diễn ra trong nhà trường. Việc xây dựng quy tắc ứng xử phải đảm bảo định hướng giáo dục đạo đức, lối sống và hoàn thiện nhân cách cho người học, khả thi, dễ thực hiện, dễ kiểm tra…
|
Tuệ Nguyễn/TNO
Bình luận (0)