Bệnh bạch cầu, một nhóm các bệnh ung thư ảnh hưởng đến tủy xương và máu rất khó điều trị, thường hay tái phát và kháng thuốc, có thể chữa khỏi nhờ thay đổi lập trình sinh học của tế bào khiến chúng tiêu diệt lẫn nhau.
|
Thay đổi lập trình sinh học của tế bào bạch cầu để chữa ung thư máu.
Theo Iflsience, các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Scripps (TSRI), Mỹ đã tìm ra kỹ thuật thay đổi lập trình sinh học khiến tế bào bạch cầu biến đổi thành tế bào miễn dịch có tác dụng tiêu diệt bệnh bạch cầu. Chìa khóa là một kháng thể hiếm của người.
Kháng thể là những protein được sản xuất một cách tự nhiên bởi hệ thống miễn dịch của cơ thể con người. Chúng giống như "còng tay" của "cảnh sát" tế bào bạch cầu, gắn vào những kẻ xâm lược như vi khuẩn để trực tiếp vô hiệu hóa hoặc đánh dấu tiêu hủy chúng.
Trong quá trình tìm kiếm các loại kháng thể để điều trị cho những người bị rối loạn tế bào miễn dịch, các nhà khoa học vô tình phát hiện một nhóm kháng thể có thể biến tế bào tủy xương thành một dạng tế bào khác hẳn, giống với tế bào thần kinh bình thường.
Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm loại kháng thể này với một mẫu máu người có rất nhiều tế bào bạch cầu dòng tủy cấp tính (AML) nguy hiểm. AML là một loại bệnh bạch cầu tấn công đặc biệt mạnh vào các tế bào tủy trong cơ thể – lực lượng chống lại các bệnh nhiễm khuẩn, ký sinh trùng và ngăn ngừa sự lây lan của tổn thương mô. Người bị AML sẽ sản sinh quá nhiều tế bào bạch cầu trong tủy xương, làm ngăn trở việc sản sinh bình thường của các loại tế bào máu khác.
Kết quả thu được rất đáng chú ý: các kháng thể biến đổi các tế bào AML thành tế bào tua – tế bào hỗ trợ quan trọng trong hệ thống miễn dịch. Càng tiếp xúc lâu với các kháng thể, các tế bào AML càng trở nên giống như những tế bào chuyên săn lùng và tiêu diệt các mối đe dọa trong cơ thể như virus, vi khuẩn và các tế bào ung thư.
Những tế bào tua này được mệnh danh là "sát thủ tự nhiên", có khả năng túm lấy những người anh em ung thư của chúng, phá hủy tới 15% tế bào ung thư trong vòng một ngày. Các "sát thủ" này dường như chỉ nhằm đến mục tiêu duy nhất là tế bào AML, chứ không phải các loại tế bào ung thư khác.
Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng kỹ thuật mà họ gọi là "liệu pháp fratricidin" này có thể được sử dụng để chuyển đổi một loạt các tế bào ung thư thành các "sát thủ tự nhiên" giúp chữa trị hoàn toàn ung thư. Nghiên cứu được công bố trên PNAS hôm 20/10.
Trịnh Tùng (theo vnexpress)
Bình luận (0)