Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Vú nuôi” thời @: Bài 2: Thay công nhân làm mẹ

Tạp Chí Giáo Dục

Hầu hết trẻ trong nhóm 6-12 tháng và 13-18 tháng của Trường Mầm non Đồng Xanh (H.Nhà Bè, TP.HCM) là con công nhân KCN Hiệp Phước. Đặc thù của công nhân là giờ giấc cực kỳ nghiêm ngặt, chuyện đi trễ về sớm là không được phép xảy ra. Muốn xin nghỉ một buổi khó như lên trời hái sao. Vì thế, “Chúng tôi phải thay họ làm tròn vai trò của một người mẹ từ sáng sớm tới chiều tối”, cô Trương Hồng Châu – giáo viên nhóm 6-12 tháng tuổi cho biết.

“Trò… VIP”

Các cô giáo ở Trường Mầm non Đồng Xanh vẫn thường gọi các bé nhóm 6-12 tháng và 13-18 tháng là “trò… VIP”. “VIP” ở đây là vì các bé quá nhỏ nên phải nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Chỉ có cô phục tùng trò, đáp ứng các yêu cầu của trẻ một cách vô điều kiện chứ hoàn toàn không có chuyện trò nghe lời cô.

Bé Mai Hoa (10 tháng tuổi) là một điển hình. Bé bắt đầu đi học từ ngày 2-10. Rời tay mẹ sang tay cô giáo là bé bắt đầu khóc. Đến nay, đi học đã được mấy bữa rồi mà bé vẫn chưa hết khóc. “Lớp có 7 cháu, 3 cô (2 giáo viên và 1 bảo mẫu), chúng tôi phải cử riêng một cô để chăm mình bé. Trừ lúc ngủ, thời gian còn lại bé được cô ẵm đi khắp trường. Ngay cả lúc ăn, trong khi ở lứa tuổi này, các bạn đã biết ngồi vào ghế để cô đút ăn thì giáo viên phải một tay ẵm, một tay đút cháo cho Mai Hoa. Ở nhóm nhỏ này, chỉ một bé khóc thôi là lan ra cả lớp, thậm chí là lan sang các lớp bên cạnh. Mà nhiều trẻ cứ khóc là ói. Vì vậy giáo viên phải làm hết trò này đến trò khác để trẻ nín. Thậm chí, bé đòi cái gì cũng phải chiều…”, cô Châu chia sẻ.

Hay như bé Chí Lộc (8 tháng tuổi), mặc dù đã đi học được một tháng nhưng cũng còn… “VIP” lắm. “Tôi là người đầu tiên đón Chí Lộc từ tay phụ huynh nên bé đeo giữ lắm. Giờ ăn, nếu cô cho nằm nôi ăn là khóc ngay, cô phải một tay ẵm một tay đút mới chịu. Bé ngủ thì thôi, chứ thức là cứ dính lấy cô như keo dính sắt vậy đó. Cô đi đâu là khóc đòi theo. Thậm chí nhiều lúc cô đi vệ sinh cũng phải ẵm đi theo, rồi kêu một giáo viên khác ẵm bé đứng bên ngoài. Vào nhà vệ sinh cô phải “giải quyết” cho lẹ để ra với bé”, cô Châu cho biết thêm về công việc của một “vú nuôi” thời @.

Với những trẻ còn đang bú mẹ, theo quy định thì mỗi buổi trưa phụ huynh đều phải vào trường cho con bú. Song, vì phụ huynh là công nhân nên mỗi khi ra khỏi công ty đều rất phiền hà, không hề dễ dàng chút nào. Bởi vậy đến cữ mà chưa được bú mẹ là các bé lại nhoi đầu vào ngực cô để tìm.

Về phía phụ huynh, mặc dù đã được giáo viên nhắc như nhắc tuồng là trong thời gian đầu thì không nên bỏ con từ sáng tới tối nhưng… “Có mẹ ngày đầu gửi con, cô dặn khoảng 9-10 giờ vào trường đón bé về. Trưa, mẹ vào trường rồi nói: “Cô ơi, chắc em phải ẵm con vào công ty chứ xin nghỉ khó lắm”. Không đành lòng để trẻ nửa tuổi phải theo mẹ vào nhà… máy, các cô lại thay nhau ôm, ẵm bé để các con không khóc nữa”, cô Châu kể lại.

Một nách… 3-4 con

Các cụ ngày xưa có câu “Một nách hai con” để nói lên sự vất vả, khó khăn của người mẹ một lúc nuôi hai đứa con nhỏ. Với các cô giáo ở nhóm 6-12 tháng và 13-17 tháng tuổi tại Trường Mầm non Đồng Xanh nói riêng và tất cả các giáo viên dạy ở nhóm nhỏ này trên địa bàn TP.HCM nói chung thì không chỉ một nách hai con mà tới 3, 4 con. Tuy các cô không sinh ra bọn trẻ nhưng nếu không coi chúng là con thì chỉ 2-3 ngày là bỏ nghề ngay.

Theo quy định, giáo viên bắt đầu làm việc từ 6 giờ 30 đến 11 giờ 30 thì nghỉ trưa. Buổi chiều sẽ bắt đầu làm từ 13 giờ 30 đến 16 giờ 30. Theo đó khoảng thời gian từ 11 giờ 30 đến 13 giờ 30 sẽ là lúc các cô ăn và ngủ trưa. Nhưng trên thực tế không như vậy.

Cô Trương Hồng Châu vừa đút cho bé Chí Lộc ăn vừa đưa nôi cho một bé khác

“Cái tuổi này nó kỳ lắm, giờ mọi người ngủ trưa thì các bé lại thức. Và khi bé thức, giáo viên ngoài việc ôm ấp, vỗ về, chơi đùa với các bé thì không thể làm việc riêng được, cho dù đó là ăn trưa hay chợp mắt một chút”, cô Châu cho biết.

Bởi vậy, nhiều hôm trưa trờ trưa trật rồi mà các cô vẫn chưa rảnh tay để ăn cơm. “Thôi thì, một tay múc cơm, tay kia ẵm một bé, xung quanh có 2-3 bé. Đứa nhỏ thì nằm nôi, chân gác lên chân cô để “lấy hơi”, một bé khác lớn hơn thì đứng vịn vào người cô… Nhiều khi các đồng nghiệp lớp lớn thấy tội quá qua phụ nhưng các bé không chịu. Ở nhà thì không biết, chứ ở lớp ngoài cô ra không ai rớ vào được. Thậm chí nhìn thấy người lạ vào lớp là các bé khóc”, cô Châu nói tiếp.

Nhiều người nghĩ rằng với các nhũ nhi này, cả ngày hết ăn rồi ngủ, ị, hết khóc lại cười và chơi nên giáo viên chỉ cực thân thôi. Các cô không phải “đau đầu” vì phải dạy hát, dạy múa, dạy nhận biết con số, con chữ, dạy phát triển tình cảm, kỹ năng… như các lớp mẫu giáo. Không phải vậy, trẻ đã đi học thì giáo viên phải dạy, nhũ nhi thì dạy kiểu nhũ nhi.

Đó là dạy các bé những phản xạ giác quan. Cụ thể như lắc các đồ chơi có âm thanh để trẻ phản xạ tai, đưa đồ chơi có màu sắc sặc sỡ ra trước mặt bé để dạy phản xạ mắt. Với trẻ lớn tháng hơn một chút thì dạy đi, dạy phát âm… Tất nhiên, không như mẫu giáo, hay lớp 24-36 tháng, các bé học có giờ có giấc và tất cả cùng ngồi vào học, ở nhóm này khi nào trẻ thức mà không khóc, không quậy thì bắt đầu dạy. Và mỗi cô chỉ có thể dạy một bé trong thời gian 3-5 phút. Các nhũ nhi “chảnh” vậy đó, chỉ có thể tập trung được 3-5 phút thôi, cô mà dạy lố dù chỉ 1 phút cũng không chịu đâu…

Bài, ảnh: Hòa Triều

Các giáo viên còn phải đem trẻ ra phơi nắng vào buổi sáng sớm. Trong khoảng thời gian này các cô thực hiện massage cho bé, đồng thời dạy các bé vận động thân thể (như vận động các ngón tay, ngón chân, cẳng tay, cẳng chân…). “Và chúng tôi chỉ ra về khi không còn trẻ nào trong lớp, dù lúc đó có thể là 6-7 giờ tối”, cô Châu kết thúc câu chuyện…

 

Bình luận (0)