Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Điểm cao ở mức tuyệt đối sẽ không nhiều

Tạp Chí Giáo Dục

* Khuyến khích công bố điểm thi sớm
Sau gần một tuần đi kiểm tra công tác chấm thi tại các địa phương, chiều 29.6, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã trao đổi những thông tin quan trọng xung quanh việc chấm thi. 

Thứ trưởng Bùi Văn Ga kiểm tra quy trình chấm thi trắc nghiệm tại hội đồng chấm thi Hưng Yên /// Ảnh: Tuệ Nguyễn

Thứ trưởng Bùi Văn Ga kiểm tra quy trình chấm thi trắc nghiệm tại hội đồng chấm thi Hưng Yên. Ảnh TUỆ NGUYỄN

Tỉnh nào xong trước sẽ công bố trước
Trong trường hợp nào Bộ sẽ chấm thẩm định sau khi có kết quả thi, thưa ông?
Khi phát hiện ra những vấn đề bất thường, ví dụ khi có một môn thật cao nhưng môn khác lại quá thấp hoặc có nghi ngờ có tiêu cực trong khâu chấm thi thì Bộ sẽ thành lập hội đồng chấm thẩm định.
Ông có thể nhận định bước đầu như thế nào về kết quả thi năm nay? Việc công bố điểm thi có buộc phải đồng loạt vào một thời điểm không?
Do đề thi đảm bảo khoảng 60% lượng câu hỏi ở mức cơ bản nên kết quả thi năm nay sẽ không chênh lệch nhiều so với năm ngoái. Tuy nhiên, mức điểm cao ở mức tuyệt đối sẽ không nhiều vì mỗi đề thi có những câu hỏi chỉ dành cho học sinh thực sự giỏi mới có thể làm được.
Năm nay, việc công bố điểm thi được giao về các địa phương với tinh thần tỉnh/thành nào chấm xong sớm, sau khi dữ liệu để gửi về ban chỉ đạo thi quốc gia để thực hiện công tác đối sánh, khi dữ liệu được xác định hoàn toàn chính xác thì địa phương có thể công bố ngay kết quả tới học sinh để các em yên tâm, Bộ không yêu cầu tất cả các địa phương phải công bố kết quả cùng lúc.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng thi trắc nghiệm làm cho lượng điểm liệt cũng sẽ giảm so với năm ngoái?
Năm nay, việc phân bổ phương án trả lời đúng không chia đều cho 4 phương án nên nhận định trên không còn đúng nữa. Có thể thí sinh trước đây chọn toàn bộ đáp án A sẽ được 2,5 điểm nhưng năm nay có thể sẽ chỉ được 0 điểm. Như vậy kết quả thi sẽ giảm tối đa sự may rủi.
Bao giờ Bộ sẽ công bố điểm sàn, liệu mức điểm sàn năm nay có tăng, thưa ông?
Dự kiến khoảng 12 – 13.7, Bộ sẽ công bố điểm sàn. Hơn chục năm nay mức điểm sàn không thay đổi nhiều nên thí sinh cũng không cần quá bận tâm điều này. Năm nay cũng là năm cuối cùng Bộ công bố điểm sàn, từ năm sau Bộ sẽ không làm công việc này nữa mà giao cho từng trường ĐH, CĐ.
Sau khi Bộ công bố đề thi và đáp án của kỳ thi năm nay, một số ý kiến vẫn tranh cãi về đáp án của một số câu hỏi trong đề thi môn lịch sử. Vậy Bộ có tiếp nhận thông tin này từ các hội đồng chấm không và xử lý như thế nào trước thông tin này?
Tất cả các ý kiến bàn luận, phản hồi của dư luận xã hội về đề thi, đáp án thi… chúng tôi đều chuyển cho tổ đề để xem xét, trả lời. Cho đến thời điểm này thì giải trình từ tổ đề thi đều khẳng định đề thi và đáp án của Bộ là chính xác. Vì vậy, thí sinh có thể yên tâm về kết quả bài làm của mình.
Với đề thi môn lịch sử, một số chuyên gia cho rằng việc thi theo hình thức trắc nghiệm thì không nên đặt những câu hỏi dễ dẫn tới những tranh cãi về đáp án, khiến học sinh dễ hiểu nhầm hoặc bắt học sinh phải ghi nhớ quá chính xác, máy móc về không gian, thời gian… diễn ra sự kiện lịch sử nào đó. Ông nhìn nhận góp ý này như thế nào?
Năm nay là năm đầu tiên môn lịch sử thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, với 24 mã đề khác nhau nên không tránh khỏi khó khăn ban đầu trong khâu chuẩn bị ngân hàng đề thi. Dù sự chuẩn bị đã rất nỗ lực và công phu nhưng chúng tôi cũng hiểu rằng với bất cứ đề thi nào, nhất là thi trắc nghiệm với yêu cầu mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề khác nhau thì chắc chắn với kinh nghiệm và những ý kiến góp ý của năm nay, năm sau chúng tôi sẽ chuẩn bị tốt hơn.
Với tinh thần đó, tôi khẳng định tổ đề thi của từng môn thi đã và sẽ luôn sẵn sàng đối thoại, lắng nghe và tiếp nhận ý kiến góp ý của các chuyên gia, người dân để hoàn thiện công tác làm đề thi.
Các câu hỏi gây băn khoăn ở cấp độ vận dụng cao !
Chiều tối 29.6, Bộ GD-ĐT có thông tin trả lời về những tranh cãi xung quanh đề và đáp án môn sử. Văn bản này có đoạn: “Tổ ra đề thi môn lịch sử đã nhận được ý kiến phản hồi về đề thi môn lịch sử trên một số báo. Tổ đã rà soát cẩn thận, kỹ càng từng câu hỏi trong các mã đề thi theo phản ảnh và khẳng định đề thi, đáp án đã công bố là chính xác hoàn toàn”.
Văn bản này cũng ghi: Nội dung các câu hỏi đều bám sát kiến thức trong sách giáo khoa lịch sử lớp 12, NXB Giáo dục VN, 2016. Đây là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT đổi mới thi môn sử theo hình thức trắc nghiệm khách quan và dùng dạng thức câu hỏi ở dạng trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn, trong 4 phương án lựa chọn sẽ có một phương án đúng, các phương án còn lại được đưa vào có tác dụng “gây nhiễu” đối với người làm bài và được gọi là các phương án nhiễu. Đặc biệt, câu hỏi ở các cấp độ vận dụng và vận dụng cao, theo kỹ thuật viết câu hỏi thi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn thì các phương án nhiễu buộc phải có vẻ như “có lý” và “hấp dẫn” như phương án đúng nhưng không phải là phương án đúng. Trong một vài câu hỏi có sự băn khoăn về nội dung và đáp án trong các đề thi môn sử vừa qua, các câu hỏi này hầu hết ở cấp độ vận dụng và vận dụng cao. Do đó, đòi hỏi thí sinh phải phân tích, đánh giá, suy luận và đặc biệt phải kết nối được các sự kiện một cách logic để tìm ra phương án trả lời đúng trong tất cả các phương án đã cho.

Hưng Yên:
Mức điểm môn văn nhiều nhất từ 4 – 6
PV Thanh Niên ghi nhận tại 2/4 tổ chấm thi tự luận của Sở GD-ĐT Hưng Yên, mỗi tổ chấm khoảng 30 bài thi. Đến hết 29.6, điểm cao nhất môn ngữ văn là 8,75 điểm, có một số điểm liệt do thí sinh hầu như không viết được gì; mức điểm nhiều nhất là 4 – 6 điểm. Bà Lê Thị Vân Hường, Tổ trưởng tổ chấm thi tự luận số 3, cho biết rất nhiều thí sinh được điểm tối đa khi trả lời câu hỏi có từ “thấu cảm”.

Tuệ Nguyễn/TNO

Bình luận (0)