Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Chia tay… hoàng hôn”

Tạp Chí Giáo Dục

Tuổi già cần được sống hạnh phúc bên nhau. Ảnh: M.H

Hiện nay, ly hôn không còn là vấn đề xảy ra ở những cặp vợ chồng trẻ. Nhiều cặp vợ chồng sống với nhau đã hơn nửa đời người nhưng vẫn quyết định “đường ai nấy đi”.

“Anh đi đường anh, tôi đường tôi”

Đưa tay vén mái tóc đã điểm bạc, bà Trần Thị Mai (tên nhân vật đã được thay đổi) vẫn giữ thái độ kiên quyết của mình trong phiên tòa ly hôn ở TAND quận Tân Bình. “Tôi không cần thời gian hòa giải gì nữa. Mấy chục năm qua, tôi đã sống vì chồng, vì con. Bây giờ, tôi muốn sống những năm tháng cuối đời cho chính mình. Mọi việc của ông ấy đã có con trai lo. Tôi sẽ về miền Trung sống gần con gái”, nói rồi bà Mai nước mắt lưng tròng. Đã qua cái dốc bên kia của đời người, việc đưa nhau ra tòa của vợ chồng bà Mai bị con cháu hết sức ngăn cản nhưng bà Mai vẫn nhất quyết làm theo ý mình. Mới đây, TAND quận 3 cũng đưa vụ án ly hôn giữa nguyên đơn là ông Duy, bị đơn là bà Ly ra xét xử. Đã song hành cùng nhau hơn 40 năm, trải qua những năm tháng khó khăn nhất để nuôi dạy ba người con trưởng thành nhưng khi đã bước qua tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông Duy lại đưa ra lý do rằng ông bà không hòa hợp nên ông muốn ly hôn. Mặc cho bà Ly dùng đủ lý lẽ để mong chồng suy nghĩ lại nhưng ông vẫn kiên quyết như khi cầm lá đơn đến nộp tại TAND quận 3. Bà Ly không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến những tháng ngày lẻ loi phía trước của mình.

Xã hội ngày càng phát triển, những quan niệm cũ cũng dần được thay đổi, việc ly hôn ở người già đã không còn là chuyện đáng xấu hổ. Sau khi cháu ngoại vừa thôi nôi, ông Nguyễn Văn Hoàng (65 tuổi) bất ngờ đưa đơn ly hôn cho vợ là bà Trần Ngọc Dung khiến bà không khỏi bàng hoàng. Ngày ra tòa, ông Hoàng kiên quyết: “Lúc trẻ bà ấy không ghen mà sao giờ về già, đổi tính đổi nết nên ghen “long trời lở đất”. Tôi đi tập thể dục, sinh hoạt ở câu lạc bộ dưỡng sinh nên có nhiều bạn bè. Đi đâu, gặp ai cũng bị bà ấy tra hỏi, làm khó dễ. Tôi muốn những năm tháng cuối đời của mình không phải ngột ngạt, khó thở như thế này”. Ba lần hòa giải, bà Dung đều không đồng ý ly hôn. Bà nói: “Tôi không hiểu sao ông ấy lại có suy nghĩ như vậy. Hạnh phúc vợ chồng mấy chục năm gìn giữ, đâu phải một sớm một chiều mà dễ dàng mất đi như vậy. Tôi hay hỏi han mỗi khi ông ấy đi ra ngoài là cũng chỉ vì quan tâm chứ nào có ý ghen tuông. Chẳng qua là ông ấy muốn ly hôn để được tự do, được gặp gỡ người này, người kia”. Khi được tòa hỏi, “ly hôn rồi ông sẽ sống với ai?”, ông Hoàng lặng đi một lúc rồi trả lời: “Tôi sẽ thu xếp được. Tôi không đòi hỏi bất cứ tài sản nào. Tôi muốn tuổi già của mình được yên tĩnh”.

Vì đâu nên nỗi…

Giai đoạn thử thách lớn nhất của hôn nhân thường ở giai đoạn đầu chung sống (1 đến 3 năm). Nhiều cặp vợ chồng đã vượt qua thời kỳ này để cùng nhau xây dựng một gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con cái trưởng thành. Tuy nhiên, không ít gia đình khi đã tạo dựng được một nền tảng vững chắc thì lại đổ vỡ. Theo NGƯT, chuyên viên tư vấn tâm lý Lê Minh Nga, “Vấn đề ly hôn ở những cặp vợ chồng lớn tuổi thường có nhiều lý do. Có nhiều cặp vợ chồng sống với nhau không hạnh phúc, mâu thuẫn thường xuyên xảy ra nhưng phải chịu đựng để nuôi dạy con cái trưởng thành. Mâu thuẫn tích tụ, dồn nén nhiều năm dài đến khi về già, con cái ra riêng, niềm vui công việc không còn thì họ rơi vào nỗi cô đơn, khủng hoảng nên nghĩ đến việc ly hôn là điều rất dễ nhận thấy. Có những cặp vợ chồng già ly hôn vì chồng hoặc vợ không quan tâm đến gia đình, bạn bè, hay lôi những “điểm yếu” của người kia ra để đay nghiến. Có những trường hợp người chồng nhiều tuổi hơn vợ, không đáp ứng được nhu cầu tâm, sinh lý hay vấn đề tranh chấp tài sản nên việc đưa nhau ra tòa cũng không phải là hiếm”.

Những cuộc ly hôn khi mái tóc người trong cuộc đã điểm bạc thường khó hòa giải hơn người trẻ nhiều. “Thông thường, những người lớn tuổi đều đã có sự suy nghĩ chắc chắn mới đi đến quyết định chứ không phải vì những giận hờn vu vơ, nhất thời như người trẻ tuổi. Cho dù tòa hay các nhà tư vấn tâm lý có phân tích thế nào thì họ vẫn thường giữ nguyên ý định. Thậm chí có nhiều người còn chọn cách sống ly thân, tự nấu ăn riêng để nêu rõ sự quyết tâm muốn ly hôn của mình”, NGƯT, chuyên viên tư vấn tâm lý Lê Minh Nga cho biết.

Nhiều cặp vợ chồng già khi đã ly hôn mới ngậm ngùi nhận ra sự cô đơn và muốn quay lại với nhau. Mong muốn về sự giải thoát, sự yên tĩnh mà họ cứ ngỡ mình sẽ có được sau khi ly hôn không hề dễ dàng đạt được như họ từng nghĩ.

Yên Hà

“Thay vì nghĩ đến việc ly hôn, những người trong cuộc hãy nghĩ đến một thời hạnh phúc, những kỷ niệm đẹp từng có để cố gắng vì nhau. Quỹ thời gian của những người lớn tuổi không còn nhiều nên hãy dành thời gian cho nhau nhiều hơn”, NGƯT Lê Minh Nga nhấn mạnh.

 

Bình luận (0)