Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Ngành khoa học xã hội mất sức hút

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh ngày càng ít quan tâm đến nhóm ngành khoa học xã hội – nhân văn (KHXH-NV) đến mức các chuyên gia đầu ngành cho rằng đang ở mức báo động đỏ.


Một giờ học của sinh viên khoa Địa lý trường ĐH Khoa học xã hội – nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) – Ảnh: Đ.N.T
Chưa khơi dậy niềm đam mê
Tại hội thảo “Làm gì để người học tìm đến với nhóm ngành KHXH-NV?” do trường ĐH Văn Hiến tổ chức vào cuối tháng 3 vừa qua, ông Nguyễn Đức Hiệp, giáo viên Vật lý từng dạy tại trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) khẳng định, bản thân các môn KHXH-NV không thiếu sức hút, chỉ là không có người chuyển tải sức hút đó đến học trò. “Trong thời gian dạy học, tôi thấy các em học ban khoa học tự nhiên cũng không hề ghét học Văn. Các em vẫn rất thích thú nếu được khơi dậy sự lãng mạn trong tâm hồn bằng phương pháp giảng dạy cuốn hút. Các trường nên tìm cách tiếp cận học sinh (HS) phổ thông bằng cách tổ chức những buổi nói chuyện chuyên đề để kích thích các em đến với các ngành KHXH-NV”, ông Hiệp tâm tư.
Chính vì không cảm thấy yêu thích nên nhiều HS không tiếp tục theo đuổi những môn KHXH-NV khi lên các bậc học cao hơn. N.Y.Nhi, sinh viên trường ĐH Tài chính – Marketing, tâm sự: “Hồi học THCS, giáo viên Văn của em dạy rất hay, em đã từng nghĩ sẽ học những ngành liên quan đến KHXH-NV. Nhưng khi học lên THPT, hứng thú ấy của em bị giảm dần bởi thầy, cô dạy Văn, Sử, Địa không kích thích được niềm yêu thích của em nữa. Và rồi em quyết định học ngành Ngân hàng”.
TS Hồ Quốc Hùng – Trưởng ngành Việt Nam học khoa Ngữ văn trường ĐH Văn Hiến nhận định: “Cần phải thay đổi cách dạy của người thầy. Lâu nay, cách dạy kiểu hàn lâm đã triệt tiêu sự hứng thú của HS. Cách kiểm tra đầu giờ, cách chấm điểm theo khả năng thuộc bài văn mẫu… đã khiến HS sợ hãi, học gạo, thiếu sự sáng tạo và giảm khả năng tưởng tượng”. TS Đoàn Lê Giang – Trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng đồng tình, khi cho rằng việc dạy các môn KHXH-NV ở trường phổ thông lẫn đại học chưa thu hút được HS-SV. HS thấy không có ích lợi gì từ các môn học mà chỉ cần thuộc bài nên không còn yêu thích.
 

Mức độ quan tâm của HS về văn học

Thống kê thăm dò do Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ thực hiện trong năm học 2008-2009 với 828 HS tại 4 địa phương: Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, TP Cần Thơ về sự quan tâm đối với các tác phẩm văn học có kết quả như sau: 22,4% HS THCS và 29,2% HS THPT thích thú đọc thêm các tác phẩm văn học, 36,2% (THCS) và 47,2% (THPT) có đọc thêm nhưng rất ít. Đặc biệt, có 6,9% HS THCS không hề quan tâm đến tác phẩm văn học ngoài chương trình.

Giảm sức hút

Hơn chục năm về trước, các ngành như Luật, Tâm lý học, Xã hội học, Ngữ văn… thu hút rất nhiều thí sinh đăng ký dự thi. Thế nhưng, đến thời điểm này, ngoài Báo chí và Luật, những ngành còn lại luôn trong tình trạng tuyển mãi không đủ.
TS Lê Hữu Phước, Phó hiệu trưởng trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết: Có nhiều ngành của trường phải xét tuyển nguyện vọng (NV) 2, trong đó có rất nhiều ngành truyền thống như Tâm lý học, Xã hội học… Năm 2009, có 9 ngành phải xét tuyển NV2 và năm 2010 đến 12 ngành không tuyển đủ NV1. Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng phải tuyển hơn 100 chỉ tiêu NV2 cho các ngành Việt Nam học, Ngôn ngữ học, Thông tin thư viện…
Tình trạng này ở bậc học phổ thông càng ảm đạm. HS chọn ban Cơ bản và ban Khoa học tự nhiên luôn chiếm số lượng đông gấp nhiều lần so với ban KHXH-NV. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, số HS theo học ban KHXH-NV trên toàn quốc giảm dần: nếu năm học 2006-2007 có 6,41% HS ban KHXH-NV, thì đến năm 2008-2009 chỉ còn 2%.
Nghiên cứu của thạc sĩ Đỗ Văn Bình – khoa Xã hội học trường ĐH Văn Hiến cũng cho thấy những năm gần đây nhiều trường THPT không có HS nào chọn vào ban KHXH-NV khiến trường phải nhập ban này vào ban cơ bản. Trong 24.000 hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ nộp vào cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM ở kỳ tuyển sinh năm 2010, số lượng thí sinh dự thi khối C chưa tới 1.200 bộ.
Số lượng đăng ký dự thi khối C thấp, điểm trúng tuyển thấp khiến đầu vào của các ngành KHXH-NV cũng thấp. TS Đoàn Lê Giang lo ngại: “Học sinh giỏi thì không lựa chọn những ngành này mà đổ xô vào y dược, ngoại thương, kinh tế. Một khi đầu vào thấp thì e rằng chất lượng đầu ra cũng khó có thể đạt chất lượng”.
Mất cân đối
Không chỉ trong công tác đào tạo mà trong nghiên cứu khoa học cũng xảy ra sự mất cân đối giữa các đề tài về khoa học tự nhiên, công nghệ với KHXH-NV. Tại ĐH Quốc gia TP.HCM, tổng kinh phí cấp cho các đề tài trọng điểm cấp Bộ năm 2004 là 3.443 triệu đồng, thì đề tài KHXH-NV chỉ chiếm 560 triệu (đạt 1/6).
Đề cương nghiên cứu KHXH-NV khu vực Nam Bộ trong giai đoạn 2005-2010 của ĐH Quốc gia TP.HCM cũng đã ghi nhận: Hiện nay trong một bộ, sở Khoa học và công nghệ, công việc KHXH-NV nhiều lắm cũng chỉ chiếm một vụ, một phòng; trong khi có vô số vụ, vô số phòng lo các vấn đề khoa học tự nhiên và công nghệ. Ở tất cả các cấp từ trung ương đến địa phương, chi phí nghiên cứu một đề tài khoa học tự nhiên và công nghệ lên tới hàng tỉ đồng là chuyện bình thường, trong khi chi phí cho các đề tài KHXH-NV thì cực kỳ ít ỏi.
Phải tự đổi mới
Về chương trình học, GS-TS Trần Tuấn Lộ – Trưởng khoa Tâm lý học trường ĐH Văn Hiến, cho rằng: “Cần phải bỏ bớt tính lý thuyết, triết lý, tư tưởng trong các môn học mà thay vào đó là tăng cường tính ứng dụng, tính nghề nghiệp. Có những cuốn giáo trình 40 năm trước không khác gì so với ngày nay. Trường nào dám đổi mới, sáng tạo chương trình học và phương pháp giảng dạy thì trường đó sẽ thu hút được người học”. Thạc sĩ Đỗ Văn Bình đề xuất: “Viện Khoa học xã hội Việt Nam cần phối hợp với Bộ Khoa học – Công nghệ xây dựng đề án phát triển các ngành KHXH-NV vòng 10-20 năm tới để trình Chính phủ phê duyệt. Trong đó, cần đề cập đến đổi mới phương pháp giảng dạy, cải tiến giáo trình, quy chế nghiên cứu, thực hành, việc làm sau khi tốt nghiệp…”.
TS Lê Hữu Phước cho rằng: “Bản thân trường ĐH KHXH-NV phải tự đổi mới để làm cho các ngành học này trở nên hấp dẫn bằng 3 điều kiện: Chương trình đào tạo phải hài hòa giữa hàn lâm với thực tế; Mở rộng đối tượng tuyển sinh: tuyển cả khối A cho các ngành như Triết học, Đô thị học, Xã hội học, khối B cho các ngành như Tâm lý học. Với những ngành thu hút thí sinh thì thi tuyển, những ngành còn lại có thể chỉ xét tuyển hoặc ghi danh”.

Theo Thanh Nien

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)