Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Trung Quốc: Dạy học sinh biến rác thành nghệ thuật

Tạp Chí Giáo Dục

Giảng dạy mỹ thuật sẽ nâng cao khả năng sáng tạo cho học sinh

Không có gì là phế thải! Một họa sĩ biếm họa đã nói như thế khi ông dạy cho học sinh ở một trường quốc tế tại Bắc Kinh biết cách tái chế rác thành những vật phẩm mỹ nghệ.
Thay đổi tư duy để phát triển sáng tạo
Trong suốt một tháng qua, nơi hấp dẫn nhất trong nhà đối với Annie Chen, nữ sinh lớp 11 Trường Quốc tế Bắc Kinh (BISS) chính là thùng rác của gia đình. Mối quan tâm của Chen là thu thập những thứ vứt bỏ đi và biến chúng thành những món quà xinh xắn.
Dùng giấy, gỗ vụn, len rối và các vật liệu khác không còn sử dụng, Chen đã kết hợp thành hình gương mặt người dẫn chương trình TV nổi tiếng của Mỹ – Oprah Winfrey. “Vui lắm! Em không hề nghĩ là mình có thể dùng rác làm thành hình mặt người. Em cố gắng thay đổi cách tư duy và tăng óc sáng tạo để hoàn thành tác phẩm”, Chen nói.
“Kiệt tác” của Chen là thành quả từ khóa huấn luyện “Phát triển sáng tạo qua mỹ thuật và rác” của họa sĩ Hanoch Piven. Người Israel nhưng sinh tại Uruguay, Piven là họa sĩ nổi tiếng qua những bức chân dung biếm họa các nhân vật nổi tiếng. Ông đã tổ chức khóa huấn luyện này cho các học sinh cấp 2 và 3 ở Trường Quốc tế BISS. Ông hướng dẫn cho các học sinh làm sao để biến “những nguyên liệu nhặt được” – thường gọi chung là “rác” thành những vật phẩm nghệ thuật đẹp và có ý nghĩa.
Ông Piven cho biết, khi các em nhìn các vật thể theo một cách khác, quên đi những tên gọi và ứng dụng của chúng và chỉ tập trung vào các hình dạng thì các em có thể phát triển khả năng sáng tạo của mình. Ông nói: “Mỹ thuật dạy cho chúng ta nhìn thế giới bằng con mắt mới lạ. Nó dạy cho ta làm đi làm lại một thứ nhưng không lần nào giống lần nào”.
Nhưng nghệ thuật không có tương lai!
Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng việc học mỹ thuật sẽ giúp phát triển khả năng tưởng tượng và sáng tạo cho học sinh – một khả năng cần thiết để lĩnh hội mọi môn học khác. Tuy nhiên, dù rất thích thú khi được một họa sĩ chuyên nghiệp hướng dẫn làm những tác phẩm mỹ thuật như thế nhưng hầu hết các học sinh ở Trung Quốc đều đang ở trong cao điểm áp lực của việc học, nhất là những môn học chính. Như Wang Siyi, một nữ sinh cấp 3, thậm chí còn không có thời gian để thực hành các môn nghệ thuật sau khi bước vào năm cuối cấp.
Trong chương trình học bắt buộc của hệ thống giáo dục Trung Quốc, các trường cấp 2 và 3 có từ 857 đến 1.470 tiết học cho tất cả các môn. Trong số này, các môn liên quan đến nghệ thuật chỉ chiếm khoảng 10% số tiết. Wang Siyi kể rằng mỗi tuần em phải học 35 tiết, trong đó chỉ có 1 tiết dành cho môn vẽ. Nhưng ngay cả tiết học vẽ cũng thường xuyên bị thay thế bằng môn toán hay tiếng Anh. Trong ba năm qua, giờ học vẽ vốn được Wang Siyi gọi là “giờ hạnh phúc” đã bị khống chế bởi áp lực của vô số bài tập về nhà và bài thi của môn học khác. Áp lực càng tăng thêm khi kỳ thi tuyển sinh đại học ngày càng tới gần.
Wang chia sẻ: “Khi em nói với cha mẹ là em muốn trong tương lai sẽ theo đuổi hội họa, họ cau mày bảo em là cơ hội thành công của một họa sĩ đầy may rủi như mua một tờ vé số”. Còn một học sinh khác ở Trường Trung học số 57 Bắc Kinh cho biết: “Cha mẹ bảo em rằng con đường tốt nhất là phải có bằng đại học và kiếm được một việc làm trong bộ máy chính quyền”.
Đối với nhiều phụ huynh lẫn các nhà giáo dục ở Bắc Kinh, một học sinh tốt phải là một học sinh thi đậu tốt nghiệp và trúng tuyển đại học. Mỹ thuật và âm nhạc là những môn không có trong hệ thống thi tuyển vào đại học nên phải nhường chỗ cho những môn như toán và tiếng Anh. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều trường học địa phương dần dần loại bỏ các giờ học nghệ thuật ra khỏi chương trình đào tạo, trong khi, mỹ thuật vẫn là môn học quan trọng ở trường quốc tế nhằm giúp học sinh phát triển khả năng sáng tạo của mình.
(Theo China Daily)
Yên Nhạn

Bình luận (0)