Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Độc quyền sổ học bạ: Lãng phí kéo dài

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Theo xu hướng “tự chủ, tự chịu trách nhiệm” mà ngành giáo dục đang theo đuổi từ mấy năm qua, bước đầu Bộ GD-ĐT cũng đã “cởi trói” cho hàng loạt cơ sở trực thuộc bằng cách trao quyền chủ động trong hàng loạt lĩnh vực từ chương trình đào tạo, tài chính, đến cả khâu tổ chức. Tuy nhiên, tiến trình thực hiện vẫn diễn ra quá chậm chạp, bộ vẫn cứ thích “ôm” cái không đáng “ôm”, vẫn chỉ sợ “dưới” không hiểu ý “trên” để tiếp tục sự độc quyền từ những cái nhỏ nhất…

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Mẫu học bạ THCS, năm học 2005 – 2006, không có dòng ghi điểm trung bình các môn họcCuốn sổ học bạ – sổ theo dõi kết quả học tập và hạnh kiểm của mỗi học sinh (HS) – là một minh chứng cụ thể. Nhiều người khá bất ngờ khi biết từ nhiều năm qua, Bộ GD-ĐT đã phải “căng mình” chịu trách nhiệm tất tật từ nội dung, hình thức, in ấn và phát hành.

Có lẽ vì “sự quá tải” khi phải “kiêm nhiệm” quá nhiều công đoạn nên chất lượng của cuốn sổ này – phải nói thật – là không tương xứng với quá trình phấn đấu học làm người suốt 12 năm đèn sách.

 Một HS tâm sự: Em cảm thấy “cảm xúc bị dội ngược” khi đang bồi hồi lần giở từng trang lưu lại từng học kỳ, từng lời nhận xét của thầy cô… Học bạ sao mà xấu thế! Giấy mỏng tang nên thầy cô ghi điểm, ký tên, đóng dấu ở mặt giấy trước bị lem ở mặt giấy sau.

Mỗi năm, Bộ lại thay đổi biểu mẫu xoành xạch, gây nhiều thắc mắc. Hiệu trưởng của nhiều trường than: “Năm nào trường cũng phải mua dư mấy chục cuốn sổ học bạ phòng hờ để rồi qua năm sau lại bỏ cuốn cũ. Năm sau nữa, lại bỏ tiếp”. Vì sao phải mua dư? Lãnh đạo các trường lý giải: “Nguyên tắc dự phòng mà. Biết là lãng phí nhưng không mua không được”.

Sau câu chuyện lãng phí kéo dài còn là sự sáng tạo của người thầy thích ứng với cải tiến bất hợp lý của mẫu mới. Lấy ví dụ mẫu học bạ THCS, năm học 2005 – 2006, không có dòng ghi điểm trung bình các môn học, các giáo viên phải kẻ thêm dòng sát mí dưới của cột điểm Mỹ thuật hoặc tận dụng khoảng trống ở chỗ trống để tự chế làm dấu vuông ghi điểm.

Năm học 2006 – 2007, bộ có khắc phục nhược điểm trên nhưng ngày nghỉ học chỉ ghi chung chung mà không chia thành cột nghỉ có phép, nghỉ không phép, trong khi quy chế đánh giá thi đua, xếp loại HS có phân chia rành rẽ hai loại nghỉ học, do vậy, GV phải sáng tạo bằng cách kẻ thêm cột.

Năm học 2007 – 2008, ở cột “quá trình học tập các năm học, lớp, tên trường” bỏ cụm từ “vào sổ đăng bộ số” và thay bằng yêu cầu có “xác nhận của văn phòng nhà trường (ký tên – đóng dấu) – nhưng ai ký tên, đóng dấu? Trong tổ chức nhà trường, chỉ có ban giám hiệu mới có quyền ký tên, đóng dấu.

Năm học 2008 – 2009, giáo viên ghi nhận có sự tiếp thu từ Bộ GD-ĐT khi quá trình học tập thay bằng cột “xác nhận của hiệu trưởng nhà trường”. Thế nhưng, cột này không cần thiết vì cách mấy cm phía trên cũng đã đòi hỏi hiệu trưởng ký xác nhận. Đó là chưa kể mỗi năm học đều có chữ ký, con dấu của người đứng đầu trường ở những trang kế tiếp.

Đóng dấu như thế nào trong 1 dòng hạn hẹp? Ta cứ tưởng tượng 4 vòng tròn đóng chồng chéo nhau trong suốt 4 năm học giống như… dấu giác hơi! Bộ nên sử dụng mẫu cũ của năm học 2005 – 2006 là “vào sổ đăng bộ số” thay cho Xác nhận của hiệu trưởng nhà trường. Nhiều trường đã âm thầm điều chỉnh cho hợp lý hơn, dẫn đến sự thiếu nhất quán “chữ một đằng, nghĩa một nẻo” và làm mất giá trị sổ học bạ.

Chỉ thống kê qua 4 năm học gần đây, biểu mẫu tuy có cải tiến, nhưng vừa khắc phục những bất cập của năm cũ lại phát sinh những bất hợp lý khác. Sự thay đổi “màu mè”, không khoa học của biểu mẫu học bạ khiến nhiều GV chán nản thốt lên “có cái học bạ làm cũng không xong!”. Và cũng chẳng thể nào hiểu nổi dụng ý cải cách của người biên soạn, khi họ đưa ra lời giải thích là nhằm đối phó với… in lậu (!?).

Cả nước có hơn 30.000 trường phổ thông và thử làm 1 phép toán nhỏ cũng thấy kết quả: chỉ riêng ở bậc THCS mỗi trường dư vài chục sổ học bạ với giá bìa 2.200 đồng/cuốn thì mỗi năm sẽ có hàng tỷ đồng “đội nón” ra đi cùng “sự cải tiến”.

Rõ ràng, cách làm của Bộ GD-ĐT đang đi ngược với chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ. Nếu sự thống nhất mẫu học bạ là cần thiết thì tính nhất quán, khoa học của biểu mẫu học bạ còn cần thiết hơn. Chưa kể, sự đổi mới nửa vời này còn dẫn đến hậu quả “trăm hoa đua nở”… sáng tạo ở địa phương.

Không phủ nhận tâm huyết của Bộ GD-ĐT muốn chăm chút cuốn sổ gắn với kết quả học tập, rèn luyện của HS. Nhưng sổ học bạ chỉ là “chuyện nhỏ” mà “chuyện nhỏ” thì nên giao cho các địa phương in ấn theo mẫu thống nhất của bộ. Bộ cần tập trung sức lực cho những chuyện ở tầm vĩ mô trước đòi hỏi của xã hội về nâng cao chất lượng giáo dục, về những mục tiêu hiện đại hóa học đường, đào tạo theo nhu cầu…


DOANH DOANH (SGGP)

 

Bình luận (0)