Hội nhậpGiáo dục phát triển

Sở GD&ĐT Quảng Ngãi Trường THPT Ba Gia: 30 năm Xây dựng và Phát triển

Tạp Chí Giáo Dục

Quảng Ngãi là địa phương tiêu biểu của khu vực miền Trung có tỷ lệ số HS giỏi, HS đỗ vào các trường ĐH, CĐ cao trong cả nước. Để có được thành quả này, vai trò của các trường THPT đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh là không nhỏ. Đáng chú ý, trong số này là Trường THPT Ba Gia – Ngôi trường duy nhất đóng tại vùng nông thôn nghèo nhưng là đơn vị lá cờ đầu trong phong trào giáo dục, là một trong những trường tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh năm học 2007-2008…
Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, Trường THPT Ba Gia đã gắn liền với những thăng trầm của lịch sử quê hương và dân tộc. Mỗi chặng đường là một trang sử vẻ vang của nhà trường. Nhớ lại những ngày đầu thành lập, những thầy cô đã cống hiến cả đời cho sự phát triển của một mái trường chuẩn quốc gia Ba Gia ngày nay, đã không khỏi xúc động: “Trường THPT Ba Gia lúc mới thành lập đứng trước hàng loạt khó khăn. Ở một vùng nông thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao, Trường lại trải qua nhiều lần di chuyển, tách nhập và đổi tên, cơ sở trường lớp quá thiếu thốn… Đã có giai đoạn đầu thập niên 80, trường chỉ có 3 lớp 10 với đội ngũ CBGV chỉ vỏn vẹn 10 người, Nhà trường tưởng không đứng vững…”
Mái trường của lòng nghị lực và quyết tâm
Là vùng đất hiếu học, thầy giỏi trò giỏi ở đây không thiếu, nhân dân có truyền thống tôn sư trọng đạo, lãnh đạo địa phương quan tâm giáo dục. Tuy nhiên, để xây dựng trường chuẩn quốc gia như ngày nay, bấy nhiêu điều kiện đó chưa đủ. Phải bắt đầu từ đâu, từ cái gì? Giải đáp thắc mắc này của chúng tôi, nhà giáo Đỗ Tấn Khoa – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trước hết, lãnh đạo các đoàn thể, tổ chức trong trường mời Hội cha mẹ học sinh cùng họp bàn thảo luận và thống nhất quyết tâm xây dựng trường chuẩn. Xác định mục đích xây dựng trường chuẩn quốc gia là để nâng cao chất lượng giáo dục, gắn liền với quyền lợi thiết thực của học sinh và làm cho cha mẹ học sinh hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của công việc này để chung sức đồng lòng”.
Khó khăn lớn nhất là điều kiện cơ sở vật chất – thiết bị phục vụ dạy và học. Trong điều kiện kinh phí có hạn, với tinh thần xã hội hóa giáo dục; Nhà trường đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp 13.290m2 đất để xây trường; xây dựng phòng học, phòng thí nghiệm, thư viện… góp phần tạo dựng cơ sở vật chất khang trang, bề thế, cảnh quan sư phạm đẹp, hấp dẫn, bảo đảm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Nhờ đó, Trường đã có CSVC khang trang với 36 phòng học (trong đó có 26 phòng học 2 tầng, 10 phòng học cấp 4); 03 phòng thí nghiệm Vật lí, Hóa học, Sinh học; 01 phòng máy vi tính với tổng số gần 90 máy; 01 phòng máy đa chức năng dùng chung; khu hiệu bộ có 7 phòng; 01 thư viện; 05 khu vệ sinh, 01 khu nhà để xe cho giáo viên và 03 khu nhà để xe cho học sinh. Sắp tới, UBND tỉnh sẽ cấp thêm cho trường 8.487m2 đất để nhà trường xây dựng khu giáo dục thể chất.
 Bên cạnh đó, Nhà trường cũng tập trung tìm các giải pháp thiết thực nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Thành công của cả trường hay của từng tổ chuyên môn được xác định trước hết ở chất lượng đội ngũ giáo viên. Ban Giám hiệu tạo mọi điều kiện thuận lợi cho giáo viên học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, giúp các em lĩnh hội tri thức, hình thành và hoàn thiện nhân cách. Những sáng kiến kinh nghiệm tốt của giáo viên đều được lưu trữ trong thư viện, phổ biến nhân rộng trong toàn trường. Theo thống kê, tổng số GV trực tiếp đứng lớp là 82 người đạt tỷ lệ là: 1.9 GV/lớp; 100% GV đạt chuẩn theo quy định; GV dạy giỏi cấp trường là: 38 đạt tỷ lệ: 46%; GV dạy giỏi cấp tỉnh là: 16 đạt tỷ lệ: 19.5 %; CSTĐ cơ sở: 19 người, CSTĐ cấp tỉnh: 03 người; 100% giáo viên có phẩm chất đạo đức tốt, không có giáo viên yếu kém về phẩm chất. Năm học 2007 – 2008 có 56 giáo viên đạt danh hiệu LĐTT, chiếm tỷ lệ: 68%, 15 chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 02 chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 02 tổ đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến, 01 tổ đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc.
Đổi mới phương pháp dạy học, giữ vững danh hiệu đơn vị chuẩn quốc gia
Không ngừng đổi mới phương pháp dạy học của thầy, cách học của trò. Trường thường xuyên tổ chức cho cán bộ GV đi tham quan, học tập tại các đơn vị bạn để từ đó tìm ra những điểm tương đồng và những ưu thế riêng của mình để phát huy. Bên cạnh đó, Nhà trường thực hiện đầy đủ và nghiêm túc quy chế chuyên môn, tăng cường dự giờ, thăm lớp, thanh tra xếp loại giáo viên, kiểm tra đột xuất, thường xuyên hồ sơ, giáo án, sổ điểm, sổ đầu bài. Trong đổi mới phương pháp dạy học, chú trọng đổi mới cách kiểm tra đánh giá học sinh, chống bệnh thành tích. Ở một trường học nghèo, điều trăn trở nhất của đội ngũ giáo viên nơi đây là làm sao phát huy được tính sáng tạo, tích cực chủ động, độc lập suy nghĩ của học sinh, hình thành phong cách tự học, tự nghiên cứu, tự tìm tòi sáng tạo trong từng bài học, môn học, lôi cuốn các em yêu thích và say mê học hỏi; chấm dứt cách dạy thầy đọc, trò chép và bảo đảm các giờ dạy thực hành thí nghiệm có hiệu quả thiết thực. Nhờ đó, tỷ lệ HS giỏi không ngừng tăng lên, theo thống kê năm học 2007-2008, Trường có 105 HS giỏi cấp trường, 15 HS giỏi cấp tỉnh và 1 HS giỏi cấp quốc gia; tỷ lệ HS đậu TN THPT lần 1 đạt 89.64, tỷ lệ đậu ĐH, CĐ hàng năm khoảng 34%…
Trong không khí hào hứng sôi nổi thi đua lập thành tích xuất sắc kỷ niệm lần thứ 30 ngày thành lập trường, nhà giáo Đỗ Tấn Khoa tâm sự: “Xây dựng trường chuẩn quốc gia đã khó, duy trì chất lượng thực chất của nó còn khó hơn. Năm học này, trường có 47 lớp với gần 2.220 HS và 93 GV, CBQL. Nhà trường phấn đấu 80% số giáo viên có chuyên môn đạt khá giỏi, không có yếu kém, học sinh giỏi cấp tỉnh, học sinh thi đỗ đại học, cao đẳng thuộc tốp đầu 10 trường trung học phổ thông của tỉnh, bảo đảm chất lượng giáo dục toàn diện, tiếp tục được coi là mục tiêu sống còn của nhà trường, trên cơ sở đó góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho địa phương nói riêng và cả nước nói chung”.
ĐĂNG TRÌNH

Bình luận (0)