Tuổi 22. Họ là những chàng trai, cô gái trẻ trung, xinh đẹp với tấm bằng tốt nghiệp đại học loại ưu trên tay. Cánh cửa cuộc sống tưởng đang thênh thang trước mắt bỗng khép lại bởi những cú sốc đầu tiên của tuổi trưởng thành…
(Ảnh minh họa) |
Tháng 6/2006, Ngọc Lam – cử nhân khoa Báo chí – Học viện Báo chí và Tuyên truyền ra trường với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi.
Gặp lại Lam sau ba tháng, không ai trong số bạn bè cũ ngờ rằng cô lớp trưởng tài năng, xinh xắn ngày xưa lại gầy héo, đen đúa và tàn tạ đến vậy. Lam tâm sự, cô đang trải qua những khủng hoảng đầu tiên của tuổi trưởng thành: “Ngay sau lễ bảo vệ luận văn, bố mẹ tôi xoá bỏ hoàn toàn trợ cấp. Khi là sinh viên, bạn có thể thoải mái vung tay mua một bộ quần áo đẹp, ăn một bữa ngon…
Giờ đây, bạn phải lo chạy ăn từng bữa, mua từng thứ nhỏ nhất như cái kim, cuộn chỉ cũng phải tính toán phù hợp với số tiền lương ít ỏi. Nỗi lo toan mưu sinh khiến tôi luôn trong tình trạng mệt mỏi, gắt gỏng”.
Cùng thời điểm ra trường với Lam là 400 cử nhân báo chí, trong khi các cơ quan báo chí gần như không có nhu cầu tuyển dụng. Sau một thời gian lăn lộn với “sự nghiệp” gia sư, tiếp thị, Lam thi đỗ vào một toà soạn báo theo đúng nguyện vọng.
"Tháng đầu thử việc, tôi thực hiện 16 tin kèm ảnh, 10 bài viết sâu theo yêu cầu của ban biên tập. Chân ướt chân ráo vừa ra trường, không một mối quen biết, không chút kinh nghiệm, áp lực công việc nặng nề khiến tôi rơi vào trạng thái hoang mang, lo sợ cực độ.
Chứng kiến đồng nghiệp có sản phẩm tốt, được khen ngợi trong khi mình cả tuần không viết nổi một tin bài, tôi càng trở nên tự ti, chán nản. Đêm về nhà trọ lại thui thủi khóc thầm vì nhớ nhà, vì nỗi xấu hổ mang tiếng cử nhân báo chí loại giỏi mà bất tài, vô dụng, vì nỗi hoang mang không biết cuộc sống sẽ trôi về đâu?” – Lam ngậm ngùi tâm sự.
Hợp đồng thử việc không được gia hạn là kết cục Lam đoán trước, nhưng cô vẫn không khỏi suy sụp”. Tôi không thể trở về quê vì gia đình kiếm đâu ra vài chục triệu lo "chạy" việc. Hơn nữa, tôi không muốn đánh mất niềm kỳ vọng tự hào của cha mẹ đang đặt nặng lên vai” – Lam nghẹn ngào.
Một ngày của cô cử nhân lại trôi theo vòng quay: chui khỏi nhà trọ 8m2, cơm bình dân 10.000 đồng và rong ruổi "rải" hồ sơ khắp nơi với hy vọng mong manh vào một tương lai xán lạn.
Sốc tình yêu
Khác với Lam, cú sốc đầu đời mà M.Đ., sinh viên ĐH Kinh tế – ĐH Quốc gia Hà Nội đã trải qua là cuộc chia tay với người yêu gắn bó sâu sắc suốt bốn năm đại học. "Sinh viên ra trường tay trắng: không nhà, không việc làm, không mối quan hệ, khác quê quán lại cùng tuổi… đã quá đủ để bố mẹ cô ấy buộc chúng tôi phải chấm dứt quan hệ. Những tác động bên ngoài cộng với những lo toan mỏi mệt vì mưu sinh khiến những giây phút bên nhau trở thành địa ngục”.
Cậu nhớ lại: "Khi tôi lên 3, mẹ mất. Vừa bước sang lớp 12, bố ung thư qua đời. Có những lúc khốn khó phải ngậm muối uống nước đi học cho đỡ đói, quần áo xin lại bạn bè… tất cả đều vượt qua.
Vậy mà khi chia tay mối tình đầu, cả thế giới quanh tôi như sụp đổ. Chưa bao giờ tôi sống trong nỗi bế tắc và tuyệt vọng đến vậy. Như con thiêu thân, tôi lao vào cá cược bóng đá, lô đề, đàn đúm rượu chè thâu đêm suốt sáng cùng lũ bạn thất nghiệp. Để làm gì? Để quên đi nỗi đau khổ tột cùng khi tình yêu bị chà đạp, lòng tin bị phản bội bởi một người mà mình yêu hơn cả bản thân. Để người con gái mình yêu phải ân hận, phải dằn vặt vì cô ấy chính là nguyên nhân khiến cuộc sống của tôi bị huỷ hoại”.
Minh – bạn thân của M.Đ. – kể lại: "Hồi đó, hắn "thân tàn ma dại" mê mê tỉnh tỉnh rất kinh sợ. Có lần, đi xem kết quả sổ xố trên Hàng Bài, thấy hắn lăn đùng ra giữa đường, gào khóc thảm thiết trong máy điện thoại: "Chính cô đã đẩy tôi đến bước đường này". Nửa đêm, hắn lại xách xe phóng bạt mạng trên đường trong tình trạng nồng nặc bia rượu”.
Không đủ khả năng trả nợ, M.Đ. bị đuổi ra khỏi nhà trọ, lang thang, chui lủi khắp đầu đường xó chợ… “Cho đến một ngày, khi phải nhặt nhạnh những mảnh báo rách trong những thùng rác chỏng chơ đặt tại công viên Nghĩa Tân hay Bách Thảo để che lên người cho đỡ lạnh, tôi hiểu cuộc đời mình đã hoàn toàn chấm dứt”. Không ai nghĩ rằng chàng cử nhân kinh tế mới ra trường với tấm bằng đại học sáng láng lại “tuyên án” cho tương lai mình như vậy.
Sốc công sở
Thùy Dung – tốt nghiệp xuất sắc ngành Lịch sử, ĐH KHXH&NV Hà Nội – những tưởng may mắn khi thi đỗ vào một viện nghiên cứu danh tiếng ở Hà Nội.
Dù đã chuẩn bị trước nhưng cô không khỏi bị sốc trước bầu không khí làm việc trong một cơ quan Nhà nước: "Hơn một năm nay, công việc của tôi là dọn dẹp, lau chùi chén đĩa, chạy việc vặt, soạn thảo công văn giấy tờ và… đọc báo”.
Mỗi sáng đi làm, bước chân cô lại ngập ngừng trước khi bước qua cánh cửa văn phòng bởi trong đó là những khuôn mặt lạnh như băng, một bầu không khí lạnh lẽo, việc ai người đấy làm.
Đến sớm, về muộn, lúc nào cũng co ro, khúm núm vì sợ bị chê trách, nhòm ngó. Một lần, Dung có ý định xin bác trưởng phòng cho tham gia nghiên cứu thì bị mấy cô chú gạt phắt: "Mày trẻ tuổi, ít kinh nghiệm, "đụng đâu hỏng đấy" thì ai chịu trách nhiệm?".
Thi thoảng, trong những lần viện họp phê bình, Dung cũng muốn đứng lên đóng góp ý kiến để thay đổi cách làm việc trì trệ, nhưng nhớ đến lời mẹ dặn "đừng làm mất lòng sếp" nên cô lại thôi.
“Đứa bạn vào cùng đợt, mồm mép nhanh nhảu, khéo léo lấy lòng mọi người nên ai cũng quý mến. Còn mình chậm chạp, ít nói nên liên tục bị phê bình từ những chuyện nhỏ nhất…” – Tâm lý căng thẳng, mệt mỏi, cơ thể suy nhược khiến Dung phải tìm đến bác sĩ tâm lý để xin lời khuyên.
Theo Sơn Khê – Cẩm Tú
Vietnamnet
Bình luận (0)