Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Thấp thỏm hoa Tết

Tạp Chí Giáo Dục

Do thời tiết khắc nghiệt, hoa cúc năm nay phát triển chậm

Chỉ còn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán nhưng thời điểm hiện tại, người trồng hoa ở Đà Nẵng đang đối mặt với nguy cơ hoa không đủ độ cao, liên tục các loại sâu bệnh tấn công do thời tiết diễn biến thất thường…
Thời tiết “dìm” độ cao của cây
Trong khi các làng hoa trên khắp mọi miền đất nước đang bước vào giai đoạn nước rút trong việc chăm cây cho bung nụ hoa để đưa ra thị trường bán thì những người trồng hoa ở Đà Nẵng đan xen thêm nỗi âu lo, thấp thỏm do thời tiết diễn biến thất thường khiến chiều cao của các chậu hoa không đạt như mấy năm trước. Ông Nguyễn Trung, Chủ nhiệm HTX Trồng hoa, cây cảnh Vân Dương (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) trải lòng: “Thời tiết năm nay không có bão lụt lớn nhưng diễn biến quá thất thường. Ngày nắng gắt xen lẫn ngày trở rét làm cây không kịp thích nghi nên sự phát triển chiều cao của cây bị dìm xuống. So với mọi năm, thời điểm ni các chậu cúc đã cao tầm 60 đến 80cm rồi nhưng năm ni nhiều vườn cúc chỉ lẹt đẹt cỡ 50cm. Việc chiều cao của cây hoa hạn chế làm giảm thẩm mỹ của chậu hoa và có lẽ giá cả vì thế cũng ảnh hưởng…”. Cùng tâm trạng, ông Nguyễn Hạnh, ở phường Hòa Cường (Hải Châu) cho biết: “Gia đình tui trồng 400 chậu cúc. Bình thường các năm trước thời điểm này cây đã đủ độ cao và lác đác ra hoa nhưng năm nay thời tiết khắc nghiệt quá, chăm sóc miết mà cây vẫn cứ đì đẹt”.
Thời tiết không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của loại hoa cúc mà còn gây ảnh hưởng không nhỏ tới các loại hoa khác như hoa ly, hoa thược dược… Ông Nguyễn Quang, ở xã Hòa Liên cho biết: “Để tránh những thiệt hại kinh tế khi hoa rớt giá, tui trồng cả cúc lẫn hoa ly. Thế nhưng hoa cúc bị đẹt cây đã đành, hoa ly của gia đình tui cũng bị hư hại hàng trăm cây giống do thời tiết nóng lạnh thất thường. Thiệt hại cả chục triệu. Có gia đình thiệt hại nhiều đến 40 triệu như gia đình anh Trung với 2.000 cây hoa bị thối.
Sâu bệnh tấn công hoa Tết
Thời tiết thất thường không chỉ làm hạn chế sinh trưởng phát triển của các loại hoa mà còn nảy sinh nhiều sâu bệnh hại hoa khiến người dân điêu đứng. Theo ông Nguyễn Trung, Chủ nhiệm HTX Vân Dương thì các năm trước, sự xuất hiện của sâu bệnh trên hoa rất ít. Người trồng hoa chỉ cần chăm sóc bắt sâu vào mỗi sáng, bơm tầm 2, 3 đợt thuốc là có thể hạn chế được tình trạng sâu lây lan. Nhưng năm nay sâu bệnh trên hoa xuất hiện nhiều, nhất là loại rầy lửa làm quăn cháy lá, ngọn của cây hoa.
Không chỉ bị rầy lửa tấn công, các loại hoa còn bị bệnh nấm cóc ở lá. Theo kinh nghiệm trồng hoa lâu năm của ông Trung: “Việc bơm thuốc trừ nấm chẳng qua chỉ hạn chế sự lây lan chứ không thể triệt hẳn được mầm bệnh. Lo nhất là vi khuẩn nấm kháng thuốc thì sự phát triển của nó còn đáng sợ hơn”. Đứng cạnh ông Trung, ông Nguyễn Quang buông tiếng thở dài: “Với 1.000 chậu cúc, mỗi lần phun hết khoảng hơn 1 triệu đồng tiền thuốc rồi. Tình hình sâu rầy thì cứ độ dăm ba ngày lại tái phát. Nhà nông trồng hoa tụi tui khổ nhiều thứ. Khổ vì giá cả bấp bênh. Lại khổ vì sâu bệnh hại hoa. Có năm mất trắng, ôm nợ. Mà không làm thì lấy chi trang trải chi tiêu cho gia đình”.
Dù có nhiều kinh nghiệm nhưng năm nay những hộ trồng hoa ở Đà Nẵng đang đối mặt với nhiều rủi ro về sâu bệnh, thời tiết. Bất kể ngày đêm, người trồng hoa giai đoạn cận Tết gần như ăn, ngủ, làm việc đều quanh những khóm hoa với hi vọng sẽ thu về thành quả sau gần nửa năm trời quần quật từ khâu đúc chậu, mua đất, ươm mầm, trồng hoa cho đến om nụ cho hoa nở đúng dịp Tết. “Người trồng hoa như đánh canh bạc phập phồng may rủi. Chỉ mong, làm sao có những chậu hoa ưng ý nhất để hài lòng người chơi hoa. Đó cũng là cách giữ uy tín của người trồng hoa vậy”, ông Trần Văn Trọng –  một hộ dân trồng hoa Tết ở phường Hòa Cường (Hải Châu) nói!
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Bình luận (0)