Kỳ 3: Những đứa trẻ ở “làng ma”
Em Cẩm Tú cố gắng học hành để thoát nghèo |
Trời xế chiều, dường như bóng tối không chỉ bao trùm lên khung cảnh nhỏ hẹp của xóm nghèo này mà nó còn trùm lên cả cuộc đời, cả số phận của những người dân nghèo sống quẩn quanh trong xóm. Vậy mà, ở đâu đó quanh đây vẫn có những tia sáng lóe lên giữa bóng tối thắp lên cho họ niềm tin vào ngày mai tốt đẹp hơn…
Giấc mơ giữa đời thường
Dọc theo đường Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, chúng tôi đi vào một con hẻm nhỏ ở khu phố 8. Cả xóm mấy hôm nay bàn tán ra vào chuyện gia đình bà Nguyệt phải thụ án vì buôn “hàng trắng” mà người mẹ sắp bị xử tử hình. Hai vợ chồng li dị nhau, nhà chỉ có 4 mẹ con nhưng họ đã không vượt qua được rào cản của đồng tiền để rồi rơi vào cái bẫy của ma túy. Giờ đây khi phải sống những ngày còn lại trong trại giam, bà mới nhận ra được giá trị của cuộc sống thì cũng đã quá muộn. Đứa con trai út bị chết trong trại giam do mắc phải căn bệnh thế kỷ, hai người con trai còn lại bị lãnh mức án chung thân. Và trong ngôi nhà nhỏ ở đầu hẻm chỉ còn một mình người con dâu sống trong nỗi buồn.
Trong cái xóm nghèo này, còn có rất nhiều gia đình phải chịu cảnh ly tán do thứ hàng trắng chết người đó. Ngôi nhà nhỏ chưa đầy 20m2 của gia đình cô An là nơi cư ngụ của 13 thành viên, trong đó có 5 người lớn và 8 đứa trẻ đang ở độ tuổi ăn học vừa là con, vừa là cháu của cô. Nhìn đám trẻ nhà cô, ai cũng chạnh lòng nghĩ đến số phận của chúng khi chỉ có mình cô và đứa em gái út làm thuê làm mướn hàng ngày để nuôi cả gia đình. Cô em gái út mặc dù cũng đã đến tuổi về nhà chồng nhưng cô đành hi sinh hạnh phúc của riêng mình vì mấy đứa nhỏ chứ “bây giờ nó mà lấy chồng, chắc lũ trẻ sẽ có ngày chết đói mất”, cô An tâm sự. Đứa em thứ hai của cô thì đang phải lãnh án 15 năm, để lại cho cô 3 đứa cháu khi mà đứa nhỏ nhất chưa đầy 1 tuổi. Nhà nghèo, đông con lại nuôi thêm người em trai bị tàn phế nhưng cô không thể bỏ rơi bọn trẻ được. Bây giờ đứa út cũng đã học lớp 2, cô chị lớn học lớp 6 năm nào cũng được nhận giấy khen của nhà trường. Mấy đứa trẻ đều rất ngoan và nghe lời. Mỗi lần đưa bọn trẻ đến thăm mẹ ở trại giam, nhìn 4 mẹ con ôm nhau khóc, cô không cầm được nước mắt. “Nhiều lúc, cô cũng đã dự tính để cho người quen nuôi mấy đứa nhỏ nhưng thấy chúng thương yêu nhau, lại chăm chỉ học hành nên cô không nỡ bỏ máu mủ ruột rà của mình”, cô An nói.
Cuộc sống bất hạnh để lại cho lũ trẻ những vết thương lòng, có những trẻ vì hoàn cảnh gia đình cũng lỡ bước sa chân theo. Nhưng trong mỗi em, em nào cũng đặt cho mình những giấc mơ, dù đó chỉ là những giấc mơ quá đỗi bình thường. Giấc mơ được bố mẹ dẫn đến Thảo Cầm Viên chơi, được đến trường cùng với lũ bạn hàng xóm… giấc mơ đó cũng còn phải chờ đợi thêm 10 năm nữa mẹ của các em mới trở về. Thương người bác phải còm cõi nuôi cả mấy chị em học hành, N. L. tuy chỉ mới 13 tuổi nhưng em cũng ý thức được nỗi bất hạnh của mình nên cố gắng học thật giỏi. Năm nào L. cũng đạt học sinh khá, giỏi và đạt danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ. L. nói với chúng tôi rằng: “Sau này con sẽ thi vào đại học, sẽ có ngành nghề ổn định để không còn nghèo khổ nữa ạ!”.
Hi vọng mong manh
Tại một con hẻm nhỏ ở phường 12, quận Bình Thạnh là một ngôi làng, người ta thường gọi đó là khu “làng ma”. Sở dĩ nó được gọi là khu “làng ma” bởi nó được xây nên từ nền nghĩa địa cũ, những người đi xây dựng vùng kinh tế mới sau khi trở về đã dựng lên những chiếc lều để sinh sống, dần dần hình thành nên “làng ma”. Cách siêu thị Citimax khoảng chừng vài chục mét là “làng ma”. Trước cổng vào “làng ma” được treo một tấm băng rôn “Khu vực chuyển hóa địa bàn phức tạp về tệ nạn ma túy” thay cho bảng đề khu phố văn hóa. Theo Công an phường 12 (quận Bình Thạnh) những thành viên trong hàng trăm căn nhà thuộc các tổ dân phố từ 45-49 đang sống trong cảnh không có hộ khẩu, chứng minh nhân dân… gần 20 năm nay vì vướng điều kiện về tình trạng nhà. Cuộc sống nghèo khó đã khiến cho không ít con em trong các gia đình này nghỉ học từ rất sớm để phụ giúp gia đình bằng việc ban đêm đi bán hàng dạo. Tuy nhiên cũng rất nhiều em bị bạn bè lôi kéo khiến phải rơi vào vòng nghiện ngập khi đang ở độ tuổi vị thành niên. Theo anh Quang, một nhân viên của Trung tâm Mạng lưới Tình thân cho biết đây là khu vực có rất nhiều thanh niên dính vào tệ nạn xã hội, đến sinh hoạt tại trung tâm đã có hơn 2/3 em mắc phải ma túy. Trung tâm thường xuyên đến “làng ma” động viên các em đến sinh hoạt và giúp các em vào học ở các trường dạy nghề.
Chúng tôi đến “làng ma” lúc trời xế chiều nhưng lối vào chật hẹp, tối om chỉ có thể đi bộ vào. Khi chúng tôi tới hỏi chuyện một em, được biết em tên Tuấn, em nói với chúng tôi: “Cả xóm em hàng trăm thanh niên thì số người chưa nghiện chỉ đếm trên đầu ngón tay”. Gia đình Tuấn có 4 anh em, anh hai đã qua đời vì cái chết trắng. Bố bỏ mẹ con Tuấn để sống với dì hai ở quê. Mẹ Tuấn kể, “nếu không được các anh chị em trong Trung tâm Mạng lưới Tình thân hàng ngày đến động viên và giúp đỡ thì chắc bây giờ Tuấn cũng đã bị dính vào ma túy như lũ trẻ hàng xóm rồi. Ở đây bọn trẻ thường tụ tập lôi kéo nhau nhậu nhẹt lắm, ngày nào tui cũng phải canh chừng mấy đứa con trai”. Hiện giờ Tuấn đang sinh hoạt ở Trung tâm Mạng lưới Tình thân và được trung tâm gửi đến học nghề ở trường Nghiệp vụ Nhà hàng dành cho trẻ em đường phố. Tuấn tâm sự: “Ngoài việc học chế biến các món ăn, chương trình dạy của trường còn có thêm môn ngoại ngữ. Việc học ngoại ngữ với em khó quá, nghỉ học mấy năm nên em khó tiếp thu được bài. Tuy nhiên, em sẽ cố gắng chăm chỉ chế biến thật nhiều món ăn ngon để sau này trở thành một đầu bếp giỏi, để mẹ được nghỉ ngơi thoải mái không còn phải lo thức khuya dậy sớm đi làm thuê cho người ta nữa”.
Sang căn nhà bên cạnh là tiếng đọc bài lanh lảnh của trẻ con. Thấy bé chăm chú đọc bài, tôi liền hỏi “Bé học bài chăm chỉ vậy?”. Bé hồn nhiên trả lời: “Phải chăm chỉ học chứ cô, sau này bé làm bác sĩ mà. Bé sẽ thay cho giấc mơ của chị hai là chữa lành bệnh cho bố…”. Và cứ vậy, bé huyên thuyên kể với chúng tôi những giấc mơ của mình. Nhìn căn nhà chưa đầy 10m2 được dựng lên từ ba cái vách của những nhà xung quanh, chúng tôi không khỏi e ngại cho cuộc sống của những thành viên trong gia đình chú Hiệp. Sau cơn tai biến mạch máu não, chú nằm liệt giường chỉ còn mình cô Phượng đi giúp việc nhà cho người khác. Đứa con gái lớn năm nay mới học lớp 8 buộc phải từ bỏ giấc mơ trở thành bác sĩ của mình đi bán vé số phụ giúp mẹ chuyện nhà cửa.
Cái nghèo vẫn cứ quẩn quanh trong những xóm tối và ở đó cũng có bao đứa trẻ phải sống cảnh thiếu bàn tay chăm sóc của cha mẹ. Tuy cuộc sống có nhiều nỗi bất hạnh nhưng ở mỗi đứa trẻ vẫn nuôi dưỡng cho mình những giấc mơ để cảm thấy mạnh mẽ hơn, yêu cuộc sống hơn và cố gắng phấn đấu từng ngày cho một ngày mai không còn bóng đen.
Dương Bình
Bình luận (0)