Ảnh mang tính minh họa. Ảnh: I.T |
Bác sĩ Trần Duy Tâm – Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho biết: “Số người bị đồng tính ái (ĐTA) chiếm khoảng 1-4% dân số. Từ xưa đến nay, con số này không hề thay đổi. Theo đó, Tổ chức Y tế thế giới không coi đây là bệnh nên không có cách điều trị và phòng ngừa”. Mặc dù vậy, dư luận xã hội, đặc biệt là các ông bố, bà mẹ vẫn không thể nào chấp nhận sự thật rằng con mình là người ĐTA.
Khi teen bị ĐTA
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến – giảng viên Khoa Tâm lý Trường ĐHDL Văn Hiến kể lại: “S. (16 tuổi) tìm gặp tôi và cho biết cậu làm công nhân cho một xưởng giày da tư nhân. Một hôm, trong giờ nghỉ trưa, một nam công nhân 20 tuổi đến chỗ S. và rỉ tai những lời ngon ngọt khiến cậu đồng ý cho anh ta thám sát thân thể mình. Những lần như thế cứ lặp đi lặp lại và chính S. cũng cảm thấy thích thú với cảm giác được gần gũi anh thanh niên kia. Vài tháng sau, S. nghỉ làm việc ở xưởng giày và giúp mẹ bán cơm tại nhà. Mỗi đêm, sau 9 giờ S. lại ăn mặc chải chuốt và tìm đến những nơi có đông người ĐTA lai vãng. Tại đây, S. cũng đã hẹn hò được với vài anh bạn lịch lãm thường dẫn cậu đi uống nước, đi chơi và cho tiền xài. Khác với S., từ lúc còn học lớp 8 (14 tuổi), N. tự phát hiện mình có cảm giác thích thú khi nghĩ đến hoặc tiếp xúc với những bạn trai trong lớp. Và khuynh hướng này càng lúc càng trở nên lộ dần khi N. vào học cấp 3. N. cho tôi biết là cậu chấp nhận tình trạng của mình và chấp nhận tất cả các mối quan hệ với những ai mà cậu có cảm tình…”.
Cũng theo bác sĩ Tiến thì cả S. và N. đều cảm thấy mình mang một bí mật. Và bí mật này chỉ có thể tiết lộ, bộc bạch thoải mái cho những “người đồng cảnh” hơn là cho những người thân quen, nhất là ba, mẹ. S. và N. cảm thấy mình “có lỗi” nếu phải sống như con người mà mình thực có…
“Sao lại là con tôi?”
“Thực tế có thấy sự phát hiện và sau đó phải đối mặt với việc có một đứa con mang khuynh hướng ĐTA là một điều cực kỳ khó khăn đối với các bậc cha mẹ. Nhiều phụ huynh đã phải thốt lên đau đớn rằng “sao lại là con tôi?”…”, bác sĩ Tiến khẳng định.
L. là một cô gái xinh đẹp, học giỏi và là một đứa con ngoan. Mãi cho đến khi L. học lớp 12, người mẹ mới phát hiện con mình dành nhiều thời gian cho việc lui tới với những cô bạn gái khác. Việc khiến bà mẹ khủng hoảng là bà phát hiện con gái mình “đi lại” với một phụ nữ hơn L. nhiều tuổi và đã có gia đình. Người chồng của chị này cũng phát hiện vợ mình có điều đáng nghi vấn nên sau khi tìm hiểu cặn kẽ sự việc anh ta đã tìm đến mẹ của L. để nói chuyện. Lúc đó cả mẹ và ba của L. đều sốc nặng. Sau đó, “bồ” của L. đã ngoan ngoãn nghe lời chồng chia tay với cô để quay về với gia đình. Còn L. thì suy sụp tinh thần, không thiết tha gì với cuộc sống hiện tại nữa.
C. (21 tuổi) tìm đến bác sĩ Tiến và cho biết cậu có vài “bạn trai”. Các mối quan hệ này đều được công khai cho ba mẹ biết. Tuy nhiên, khi nghe C. khẳng định là không muốn thay đổi khuynh hướng vốn có của mình thì mẹ của cậu đã bị tăng huyết áp và nằm suy sụp một chỗ trong nhiều ngày.
Gia đình của C. và L. đều cho rằng, thà con mình sống độc thân, thậm chí làm một điều gì đó “lẫm lỗi” trong quan hệ nam nữ thì vẫn tốt hơn nhiều so với tình trạng ĐTA.
Tuy nhiên, các ông bố, bà mẹ cũng cần phải nghe nỗi niềm của những đứa con chẳng may bị ĐTA. H. (học sinh lớp 12) có “bồ” là T. (18 tuổi). Theo H. gia đình mình là một nơi chốn tầm thường, nhàm chán, bố mẹ chỉ biết làm việc. Còn gia đình T. không hạnh phúc, bố mẹ thường hay xung khắc gây gổ, đôi khi đánh nhau trước mặt con. Vì buồn chán chuyện gia đình nên H. và T. đã đến với nhau để tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau. Dần dần tình cảm nảy sinh và họ không thể “rời nhau” được…
Cái mà người ĐTA cần không phải là được “trị hết bệnh” mà muốn sự thật này được chấp nhận. Muốn sự thật này không tạo ra sự ngăn cách giữa họ với cuộc sống và để cuộc sống thừa nhận những bản sắc thực sự của họ”, bác sĩ Tiến nói. |
Minh Thùy
Bình luận (0)