Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Kế hoạch vô tình tạo nên những đứa con hư

Tạp Chí Giáo Dục

“Kế hoạch vô tình tạo nên những đứa con hư” là chủ đề buổi sinh hoạt câu lạc bộ phụ huynh học sinh lần thứ 15 được tổ chức mới đây tại Trường THCS Minh Đức (quận 1, TP.HCM).
Những kế hoạch vô tình
Những việc làm “không – có, có – không” của cha mẹ, chẳng hạn như hôm nay đồng ý cho con đi bơi nhưng ngày mai lại đổi ý, sự việc lặp đi lặp lại nhiều lần con trẻ sẽ tỏ ra không tin tưởng vào người lớn. Cũng như thất hứa, hứa dẫn con đi chơi đâu đó nhưng không thực hiện. Như vậy cha mẹ đã đánh mất niềm tin nơi trẻ, chúng không còn xem cha mẹ là hình ảnh tuyệt vời, thậm chí gieo vào lòng trẻ những cảm xúc tiêu cực.
Các bậc phụ huynh trong buổi sinh hoạt câu lạc bộ phụ huynh học sinh lần thứ 15
Nguy hiểm hơn là kế hoạch đe dọa vô nghĩa. Có những bậc cha mẹ quá nóng nảy, không kiểm soát được cảm xúc của mình khi con mình phạm sai lầm. Từ đó đưa ra mức hình phạt để răn đe như khi con đi học về trễ sẽ nhận hình phạt 2 roi. Nếu tái phạm sẽ tăng hình phạt lên gấp đôi nhưng không tìm hiểu nguyên nhân vì sao con về trễ. Ví dụ trên là một hình thức của đe dọa vô nghĩa mà các bậc cha mẹ thường áp dụng để phạt con. Hành vi của cha mẹ thường diễn ra trong đe dọa vô nghĩa trong tình huống này là liên tục chửi con khi con về đến cổng, không mở cửa cho con vào, vô tình đẩy con mình ra đường và kết bạn với bạn bè xấu. “Kiểu trừng phạt con quá tay như thế, con trẻ sẽ không bao giờ thành người”. TS. tâm lý Huỳnh Văn Sơn khẳng định.
Những món quà thưởng cho con quá “hậu hĩnh” khi con đạt điểm cao cũng là kế hoạch vô tình tạo điều kiện cho con cái hư hỏng. Cha mẹ làm như vậy tức là đã dạy con những giá trị tiêu cực trong cuộc sống. Đối xử thiên vị của người lớn trong việc mua sắm quần áo, dụng cụ học tập với các con trong gia đình sẽ hình thành trong đầu trẻ những suy nghĩ lệch lạc, nguy hiểm hơn là trẻ dễ dẫn đến tự ti, trầm cảm, sống khép mình.
Cưng con quá đáng là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến trẻ hư. TS. Sơn cho biết, có đến 80% trẻ hư là con em gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, cha mẹ cưng con quá.
Cha mẹ phải là tấm gương sáng
“Tấm gương đen” của người lớn sẽ dần dần in sâu vào tâm trí của con cái. Nếu như trẻ thấy những gì cha mẹ chúng làm, việc làm ấy sẽ phản chiếu vào trong tâm hồn con trẻ (như cha mẹ nhặt của rơi không trả lại người mất, cha mẹ chở con vượt đèn đỏ…). Cha mẹ phải là tấm gương soi sáng cho con mình để dạy trẻ có ý thức tránh xa cái xấu.
Không ít các bậc cha mẹ sân si, muốn con mình học tốt nên bắt ép họ thêm quá nhiều môn đến nỗi các em không còn hứng thú đến trường. TS. Sơn khuyên: “Để khắc phục những sai lầm ấy, các bậc cha mẹ phải thay đổi suy nghĩ của mình. Con trẻ là một chủ thể độc lập, chính vì thế để trang bị cho con khả năng tự ý thức, người lớn phải thật sự đúng đắn trong mọi tình huống. Hãy cho con thấy quyền lực của mình nhưng cũng phải trao quyền cho con. Chúng ta cũng cần phải thay đổi về thái độ, chỉ la mắng trẻ khi nào cảm thấy cần thiết, nên dành nhiều thời gian để tâm sự với con, trao đổi thẳng thắn, nếu có thể. Trang bị cho con mình những kỹ năng cần thiết, tránh “xây những lâu đài cát””.
Đây là những “kế hoạch” được xem như “chìa khóa vàng” cho các bậc phụ huynh trong việc giáo dục con cái.
Nguyên Thảo

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)