Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Phương pháp dạy đọc hiểu văn bản

Tạp Chí Giáo Dục

GV cần hướng dẫn HS đọc chứ không phải là người đọc hộ. Trong ảnh là một tiết học văn tại Trường THPT Nguyễn Huệ (TP.HCM). Ảnh: N.Quang
Dạy đọc hiểu văn bản hoàn toàn khác với giảng văn, nhất là khi đối tượng của giảng văn lại chỉ là các văn bản (VB) văn học.
Về khái niệm, dạy đọc hiểu là việc giáo viên (GV) hướng dẫn học sinh (HS) sử dụng những kỹ năng để đọc hiểu VB thông qua các hoạt động, thao tác và theo một quy trình nhất định nào đó. Đọc hiểu VB đề cao vai trò của chủ thể tích cực, sáng tạo của HS trong hoạt động đọc. Song điều quan trọng là chúng ta cần thay đổi quan điểm về việc sử dụng phương pháp dạy học (PPDH) ngữ văn nói chung và PPDH đọc hiểu nói riêng, nghĩa là không có một PPDH đọc hiểu duy nhất nào cả. Tùy thuộc vào loại VB, mục đích đọc và đối tượng HS, người thầy được tự do lựa chọn bất kỳ phương tiện giảng dạy và cách hướng dẫn nào mà họ muốn.
1. Trong dạy đọc hiểu VB, GV chỉ là người hướng dẫn, dìu dắt, nêu vấn đề để HS trao đổi, thảo luận; là người dạy về phương pháp đọc chứ không phải đọc thay, đọc giùm, biến HS thành thính giả thụ động của mình. Giáo án của GV chủ yếu phải là giáo án về phương pháp đọc cho HS. Cái nhầm chủ yếu của người thầy hiện nay là giáo án nội dung dùng cho người dạy chứ không phải là giáo án để dạy phương pháp đọc cho người học.
Tuy nhiên, dù sử dụng phương pháp và phương tiện nào thì GV cũng cần thiết kế các hoạt động sao cho có thể giúp HS tự đọc VB và biết vận dụng các kỹ năng phân tích, suy luận để đưa ra được các dẫn chứng trong VB làm cơ sở cho các nhận định, phân tích của mình. Đồng thời có lúc phải để cho mỗi HS có quyền đọc hiểu theo kinh nghiệm cảm xúc của mình. Từ đó hình thành cho các em khả năng phân tích và tổng hợp VB. Ngoài ra, GV cũng nên tạo thật nhiều cơ hội cho HS nghiên cứu, thử sức mình qua các bài tập lớn về VB được đọc. Tuy nhiên, không phải HS nào cũng có khả năng làm được như vậy. Cụ thể, với những HS yếu hơn, GV có thể gợi ý hoặc đưa ra các yêu cầu đơn giản hơn. Và dù sử dụng phương pháp gì, dạy đọc hiểu VB nào trong môn ngữ văn cũng cần tổ chức các hoạt động hướng dẫn HS sử dụng các kỹ năng thao tác để đọc chính xác và đọc có tính đánh giá về các yếu tố hình thức, nội dung và ý nghĩa của VB. Từ đó ứng dụng kiến thức và kỹ năng đã đọc vào thực tiễn đời sống.
2. GV có nhiều cách hướng dẫn HS đọc hiểu những VB khác nhau. Đầu tiên GV lựa chọn VB thích hợp để hướng dẫn HS đọc. VB đó phải đáp ứng được yêu cầu về đề tài, chủ đề, dung lượng và phù hợp với đối tượng HS. Sau đó sẽ giới thiệu qua về VB như xuất xứ, tác giả, đề tài… để làm rõ các khái niệm hoặc các từ mới có thể khó đối với HS; gợi ý các em đọc theo một chiến lược nhất định hoặc theo một mục đích khái quát, chuẩn bị cho HS tự đọc VB. Tiếp theo, HS sẽ đọc thầm hoặc đọc thành tiếng VB. Trong khi nghe đọc, GV sẽ quan sát và hỗ trợ các em những kiến thức cần thiết. Sau khi HS kết thúc việc đọc, GV sẽ yêu cầu các em thảo luận về những điều đã đọc bằng cách nhắc lại những chi tiết trong VB hoặc đưa ra những suy nghĩ của cá nhân về những điều đã đọc. Đây cũng là lúc để thảo luận bất kỳ một câu hỏi nào mà HS gặp hoặc phải làm trong quá trình đọc, nhất là những vấn đề liên quan đến đặc trưng thể loại, đề tài, chủ đề, nội dung tư tưởng… của VB. Trao đổi xong, GV cũng có thể gợi ý HS xem lại VB để khẳng định lại những điều đã phân tích và tổng hợp về VB hoặc có thể sử dụng VB để dạy một kỹ năng hoặc một khái niệm mới nào đó. Các hoạt động mở rộng ra ngoài VB từ nội dung hoặc ứng dụng những điều đã đọc vào thực tiễn cũng có thể được thực hiện trong thời điểm này. Một điều đáng chú ý là trong và sau khi HS đọc VB, GV quan sát và ghi chép lại những kết quả liên quan đến thái độ và sự tiến bộ của các em ở các khía cạnh như sử dụng chiến lược đọc, sự chủ động trong các hoạt động, sự chính xác trong các câu trả lời để làm tư liệu đánh giá HS sau này.
3. Đối với các môn học khác, người tiến hành đọc hiểu VB chính là GV của các môn học đó. Nhưng cần lưu ý, nhiệm vụ chính của GV là hướng dẫn HS lĩnh hội tri thức, kỹ năng, kỹ xảo trong lĩnh vực môn học mà họ phụ trách chứ không phải hướng dẫn HS đọc hiểu như trong môn ngữ văn. Tuy nhiên, GV sẽ là người có vai trò quan trọng trong sự phát triển năng lực đọc của HS, giúp các em vận dụng những kỹ năng đã học vào thực tiễn.
Để hướng dẫn HS đọc hiểu VB trong các môn học khác, trước hết GV ở các bộ môn này cần nắm vững PPDH bộ môn mà mình đảm nhiệm, nắm vững đặc điểm của các loại VB thường dùng trong chương trình, sách giáo khoa và các nguồn tài liệu khác liên quan đến môn học. Đồng thời cũng phải nắm vững kỹ năng đọc hiểu VB. Việc hướng dẫn HS đọc hiểu VB trong các môn học khác không diễn ra theo trình tự của giờ dạy học đọc hiểu trong môn ngữ văn mà tùy thuộc vào mục đích của VB kết hợp PPDH bộ môn, GV sẽ hướng dẫn HS tìm kiếm lựa chọn, giải thích và đánh giá thông tin từ VB.
ThS. Phạm Thị Thu Hiền
(Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT)
 
Tùy thuộc vào loại văn bản, mục đích đọc và đối tượng học sinh, người thầy được tự do lựa chọn bất kỳ phương tiện giảng dạy và cách hướng dẫn nào mà họ muốn. 
 

Bình luận (0)