Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dự án giáo dục đầu tiên theo cơ chế mới: Bộ “lo”, địa phương kêu “khó”!

Tạp Chí Giáo Dục

Mặc dù triển khai từ tháng 8-2013 nhưng đến nay sau hơn 1 năm thực hiện, dự án “Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non” do Chính phủ Việt Nam ký kết với Ngân hàng Thế giới thực hiện với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD vẫn có những bước đi rất ì ạch.

Nhiều địa phương cho biết chưa thể triển khai thực hiện, tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn chất lượng còn thấp so với chỉ tiêu đề ra của dự án. Vì sao?

Kiểm định chất lượng giáo dục cần được xem là một trong những yêu cầu bắt buộc trong việc nâng cao chất lượng ở bậc mầm non.

Chậm nhưng… không chắc

Theo TS Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, “Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non” là dự án giáo dục đầu tiên thực hiện theo cơ chế giải ngân mới, theo đó toàn bộ vốn đầu tư của dự án sẽ được giải ngân hoàn toàn vào ngân sách nhà nước dựa trên kết quả thực hiện và tổng hợp từ các địa phương. Bà Nghĩa cho biết: “Phương thức thực hiện này có thuận lợi là không tốn kém chi phí tổ chức bộ máy quản lý. Ở cấp trung ương, những người tham gia tổ chức dự án chủ yếu đều là kiêm nhiệm. Ở cấp địa phương cũng không thành lập ban quản lý dự án mà kêu gọi sự vào cuộc của nhiều đơn vị, đặc biệt là sự phối hợp giữa Sở GD-ĐT và Sở Tài chính tỉnh, thành phố”. Tuy nhiên, cũng do đây là dự án đầu tiên thực hiện theo cơ chế giải ngân mới nên phản ảnh từ các tỉnh, thành phố cho thấy vẫn còn nhiều lúng túng trong triển khai thực hiện. Cụ thể, theo ông Nguyễn Anh Linh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận, tuy nói là toàn bộ kinh phí của dự án đã hòa vào ngân sách địa phương nhưng do không có quy định cụ thể về các nội dung chi cũng như định mức chi thế nào cho phù hợp nên địa phương còn lúng túng trong triển khai thực hiện. Do đó, ông Linh kiến nghị các cơ quan chức năng sớm ban hành văn bản hướng dẫn, đồng thời tổ chức tập huấn cho hai phòng kế hoạch – tài chính và phòng giáo dục mầm non của địa phương để nắm rõ các yêu cầu thực hiện.

Riêng đối với tỉnh Thanh Hóa, ông Trần Văn Hòa, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh, cho biết “tỉnh đang chờ các đơn vị khác làm trước rồi địa phương mới triển khai trên cơ sở rút kinh nghiệm của những nơi khác”. Thậm chí vị này còn mạnh dạn tuyên bố: “Nếu có tiền anh em sẽ hăng hái thực hiện, đằng này tiền chưa thấy nói đến nhưng việc thì rất nhiều”. Ở góc độ khác, theo bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP Hà Nội, Hà Nội hiện còn 210 trường mầm non chưa được kiểm định chất lượng giáo dục. Nếu căn cứ theo quy trình kiểm định chất lượng, một đơn vị phải mất 3 ngày, trong khi tổng số nhân lực phụ trách mầm non của sở hiện chỉ có 7 người. “Cho dù ngày nào cũng đi kiểm tra thì sau khi kết thúc năm học, 7 cán bộ này cũng chỉ hoàn thành kiểm định đối với 175 trường. Nếu muốn đạt chỉ tiêu tỷ lệ trường đã qua kiểm định theo mục tiêu đề ra của dự án, chúng tôi phải làm việc cả thứ bảy, chủ nhật, thành lập cùng lúc nhiều đoàn kiểm tra mới mong hoàn thành đủ chỉ tiêu”, bà Nga nói.

Tăng cường liên kết giữa các đơn vị

Hiện nay đang tồn tại nghịch lý là trong khi bà Lý Thị Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, đồng thời là Giám đốc dự án cho biết tính đến đầu năm 2015, dự án đã giải ngân được hơn 78 triệu USD, đạt 82% tổng số vốn đầu tư đã đề ra nhưng phản ánh từ các tỉnh, thành phố thì vẫn phải “giật gấu vá vai” tìm nguồn kinh phí thực hiện. Đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Mỗi năm địa phương có rất nhiều hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực giáo dục. Trong khi tổng chi phí tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên theo yêu cầu của dự án mất hơn 3 tỷ đồng, chi phí cho công tác kiểm định chất lượng các trường mầm non cũng chiếm hơn 10 tỷ đồng. Đây là số tiền quá lớn, nếu không có văn bản hướng dẫn địa phương ứng trước như thế nào, ngân sách sẽ hoàn trả ra sao, ngân sách trung ương đã về đến ngân sách địa phương hay chưa thì chúng tôi rất khó thực hiện”. Đồng cảnh ngộ, Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên phản ánh hiện đang phải sử dụng một phần nguồn kinh phí sự nghiệp để tổ chức 20 lớp bồi dưỡng giáo viên. Tuy nhiên đối với yêu cầu kiểm định chất lượng giáo dục các trường mầm non, kinh phí được giao hiện nay quá hạn hẹp dẫn đến việc tỷ lệ trường mầm non đã qua đánh giá ngoài mới dừng ở mức khiêm tốn 4,5%.

Đáp lại tất cả những băn khoăn đó, ông Lê Khánh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, cho biết, hiện nay quy định phân cấp ngân sách đang tồn tại bất cập là sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố không được tham gia vào quá trình lập dự toán, cân đối ngân sách của Sở Tài chính. Do đó, ông Tuấn đề nghị các địa phương tăng cường sự liên kết giữa các đơn vị, tổ chức phối hợp tốt giữa phòng kế hoạch – tài chính và phòng mầm non. Trước mắt, để tháo gỡ khó khăn tạm thời cho các đơn vị, ông Tuấn bày tỏ: “Nếu gặp khó khăn về mặt kinh phí, các địa phương có thể phản ảnh về Vụ Kế hoạch – Tài chính, để từ đó chúng tôi có cơ sở làm việc với Bộ Tài chính, tháo gỡ những khó khăn về mặt ngân sách cho địa phương”. Ngoài ra, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cũng nhắc nhở các tỉnh, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các cấp, ngành ở địa phương, có ý thức xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, rõ ràng để sớm hoàn thành chỉ tiêu đã được ký kết.

* Thứ trưởng Bộ GD-ĐT NGUYỄN THỊ NGHĨA:

“Các địa phương cần thay đổi nhận thức yêu cầu kiểm định chất lượng giáo dục trường mầm non là một hoạt động có tính chất bắt buộc. Các tỉnh, thành phố cần quyết liệt thực hiện vì mục đích nâng cao chất lượng giáo dục cho bậc học này chứ không phải làm vì thành tích triển khai dự án”.

THU TÂM
(SGGP)

Bình luận (0)