Một tiết học môn ngữ văn tại Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP.HCM). Ảnh: Anh Khôi
|
Ca dao là tiếng nói của tình cảm, tình yêu, là nơi bộc lộ cảm xúc của con người. Ca dao không phải là thứ ngôn ngữ của khoa học, của tư duy logic mà là thứ ngôn ngữ của người bình dân để thể hiện tình cảm của mình trước cuộc sống; nó là tiếng nói của tâm hồn, của tư duy nhận thức cảm tính.
Người bình dân sáng tác ca dao là để bộc lộ nỗi niềm suy tư của mình trước cuộc đời. Nhưng nỗi niềm đó, nhiều khi được bộc lộ ra thông qua những hình ảnh mà người đọc bắt gặp lần đầu tưởng như có gì đấy không logic, không hợp lý. Tuy nhiên, ẩn sau đó lại là cái có lý trong cuộc đời. Cái phi lý trong ca dao được sử dụng rất phổ biến như: Ông trăng mà lấy bà trời/ Tháng năm ăn cưới tháng mười ăn cheo; Con chim mày ở trên cây/ Tao đứng dưới gốc mày bay đường nào; Con cá mày ở dưới ao/ Tao tát nước vào mày sống được chăng…
1. Hiện tượng nói ngược trong ca dao tương đối phổ biến, không chỉ trong quan hệ xã hội mà còn thể hiện tình cảm của người bình dân. Đặc biệt tình yêu là một đề tài muôn thuở của con người, còn con người là còn tình yêu. Tình yêu cũng thể hiện ở nhiều cung bậc khác nhau: Lo âu, sầu, nhớ, lúc giận hờn, lúc đắm chìm trong hạnh phúc. Tình yêu luôn gắn liền với nỗi nhớ, với sự ước mong cận kề bên nhau. Nhưng đâu phải lúc nào con người có nhu cầu gần gũi là có thể đáp ứng được. Và khi nhu cầu không được đáp ứng, họ gửi hồn mình vào niềm mơ ước, họ biến cả không gian và thời gian hẹp lại, họ biến tất cả cái phi lý, phi logic của cuộc đời trở thành cái có lý, có logic trong tình yêu. Một đôi trai gái yêu nhau, họ xa nhau là họ chìm trong nỗi nhớ, khi câu hát cất lên nó bộc lộ tình cảm sâu nghĩa nặng tình. Giọng hát ngọt ngào tình tứ thấm đượm nét văn hóa dân gian: Gần nhà mà chẳng sang chơi/ Để em bắc ngọn mùng tơi làm cầu.
Câu ca cất lên ngầm trong nó có sự trách móc nhẹ nhàng và tình tứ, câu trách mới đáng yêu làm sao! Cái phi lý trong cuộc sống “ngọn mùng tơi” bước vào câu ca dao trở thành cái có lý – nó rất hợp với logic của tình yêu. Chả cần phân tích kỹ ai cũng biết cây cầu làm bằng “ngọn mùng tơi” là một điều hoàn toàn phi lý.
2. Có biết bao câu ca dao nói về tình yêu dùng cái phi lý để biểu thị cái có lý như vậy, như một người thôn nữ đã từng ao ước: Ước gì sông rộng một gang/ Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi.
Người Việt Nam sinh ra và lớn lên trong một không gian chằng chịt những kênh, rạch, ao, đầm nên trước mắt họ hiện lên hàng loạt những cây cầu đủ loại và cây cầu đã đi vào tâm thức, tiềm thức và trong ý thức của người dân. Đó là cầu tre, cầu ván, cầu lá, cầu xây – những cây cầu rất thực. Nhưng ở đây ca dao đã sáng tạo ra một cây cầu mới “cầu dải yếm” nên thơ và gợi cảm. Nó đã trở thành cây cầu mang giá trị thẩm mỹ. Người kiến trúc sư vô danh và thiên tài đã thiết kế nên chiếc cầu dải yếm độc đáo đó là người thôn nữ Việt Nam. Chắc chắn rằng trên đất nước Việt Nam không đâu có con sông như người thiếu nữ kia từng ước. Giả như có con sông hẹp một gang thì người nàng yêu phải thu mình nhỏ tới đâu để bước trên cây cầu “dải yếm”? Quả thực đây chỉ là những phút thăng hoa, những phút tâm hồn tràn đầy cái lãng mạn của tình yêu và trong lúc cái men tình nồng đượm ấy cây cầu đã ra đời. Chiếc cầu tình yêu được thiết kế vào đúng lúc tình yêu vừa chớm nở, sức tưởng tượng phong phú. Người thôn nữ kia thiết kế cây cầu “dải yếm” để bắc riêng cho một người, đó là người yêu của nàng “sang chơi”. Cây cầu đó là ước mơ, khát vọng thực sự của cuộc sống, là sự gắn liền giữa hai bến cuộc đời xích lại gần nhau. Nó là phi lý trong thực tế nhưng nó lại có lý trong tình yêu. Nó bắt nguồn từ yêu thương, khát vọng cháy bỏng, chân thành của con người trong độ tuổi đang yêu. Khi yêu cũng như khi say con người thường thoát ly những điều kiện thực tế và suy nghĩ một cách tự do, hồn nhiên theo khát vọng cháy bỏng của trái tim.
Người bình dân sáng tác ca dao là để bộc lộ nỗi niềm suy tư của mình trước cuộc đời.
|
3. Nhu cầu được sống, được yêu là nhu cầu tha thiết của con người, nên chúng ta không ngạc nhiên khi ca dao có câu “Yêu mình chẳng lấy được mình/ Tựa mai mai ngã, tựa đình đình xiêu”. Cuộc sống của chúng ta có thể thiếu đi nhiều thứ, nhưng có một thứ không bao giờ có thể thiếu được đó là nhu cầu tình cảm, tình yêu lứa đôi. Nhân vật trữ tình trong ca dao bị hẫng hụt trong tình yêu đã trở thành con người thất vọng tràn đầy, ngay cả trong dáng đi và đứng cũng dường như không vững vàng.
Người phụ nữ đã 84 tuổi trong bài ca dao còn viết thư kén ý trung nhân là một sự phi lý nằm trong sự có lý của cuộc sống con người. Họ muốn có đôi, có lứa. Họ muốn sẻ chia nỗi niềm tâm sự. Nên chúng ta không ngạc nhiên ở lứa tuổi cận kề miệng lỗ mà người phụ nữ kia vẫn còn đi tìm một nửa cuộc đời mình. Đúng là trẻ có tình trẻ, già có tình già. Nên trong ca dao có câu hát: Xuềnh xoàng đánh bạn xuềnh xoàng/Trẻ vui bạn trẻ, già toan bạn già.
Nhu cầu được sống bên nhau, hòa vào nhau chia ngọt sẻ bùi luôn là một nhu cầu cần thiết, không ở độ tuổi nào lại không có nhu cầu như vậy. Mọi lứa tuổi đều có mọi cung bậc tình yêu. Đó là lẽ thường theo quy luật của tạo hóa.
4. Yêu nhau, xa nhau, nhớ nhau để rồi mơ ước, để rồi hằng mong những phút thăng hoa kiến tạo nên những cái phi thường trong cuộc đời. Những phút thăng hoa đó con người ta chìm trong hạnh phúc để vơi bớt nỗi khổ đau, nhọc nhằn.
“Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”.
Có hai điều phi lý hợp với nhau lại thành có lý: Râu tôm, ruột bầu là hai thứ bỏ đi không ai ăn vậy mà đôi vợ chồng này khi ăn cảm thấy ngon lành. Câu ca dao vừa nói lên cái nghèo thiếu cùng cực đáng thương vừa thể hiện được niềm vui hạnh phúc gia đình. Phải chăng cái ngon ở đây không phải thức ăn mang lại mà cái ngon chính là cái hạnh phúc chân thực của cuộc đời.
ThS. Nguyễn Thanh Du
(GV Trường THPT Ngô Gia Tự, huyện Eakar, tỉnh Đắk Lắk)
Ca dao phi lý vừa quen lại vừa lạ
Quen vì chúng ta gặp nó thường ngày, đọc lên câu nào chúng ta cũng biết nhưng để hiểu nó cặn kẽ đến đầu đến đũa thì không phải chuyện thường tình. Đó chính là chỗ lạ trong ca dao. Cái bề ngoài phi logic lại biểu thị cái bên trong hợp logic.
|
Bình luận (0)