Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nội dung chương trình bộ môn GDCD: Chưa theo kịp với thực tiễn

Tạp Chí Giáo Dục

Một tiết dạy GDCD của cô Phạm Thị Tiên – GV Trường THPT Gia Định
Giáo dục công dân (GDCD) là một bộ môn quan trọng trong việc giáo dục và hình thành nhân cách cho học sinh (HS). Tuy nhiên, theo phản ánh của một số giáo viên (GV) và HS thì nội dung môn GDCD hiện nay còn khó và khô khan, đặc biệt là trong chương trình lớp 10 và 11.
Khó và khô
Một nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Giáo dục (ĐH Sư phạm TP.HCM) đã thực hiện cuộc khảo sát 934 HS THPT trên địa bàn TP.HCM, kết quả cho thấy chỉ có 18,1% HS cho rằng môn GDCD có tác động mạnh đến đạo đức, còn hầu hết thì cho rằng môn học này chưa có tác động nhiều đến nhận thức và hành vi đạo đức do môn học này ở bậc THPT chủ yếu cung cấp kiến thức của triết học, các kỹ năng sống và nội dung giáo dục đạo đức ít mang tính thực tế.
Cô Phạm Thị Tiên, GV bộ môn GDCD Trường THPT Gia Định, cho biết trong các buổi họp chuyên môn đầu năm học, hầu hết GV đều cho rằng bộ môn này khá khô khan nên rất khó chuyển tải nội dung cho HS hiểu. Cô Tiên phân tích thêm: “Trong chương trình SGK THPT, tôi thấy rằng nội dung chương trình lớp 12 chỉ có phần pháp luật là phù hợp với HS vì nó nhẹ nhàng, vả lại các em cần có những hiểu biết về pháp luật vì sắp bước sang tuổi 18. Riêng chương trình lớp 10 và 11, nội dung còn khô khan; lớp 10 – phần 1 cung cấp chủ yếu các kiến thức về triết học với những nội dung được HS đánh giá là khá mơ hồ, trừu tượng như phủ định biện chứng, phủ định siêu hình… Còn lớp 11 lại chủ yếu nói về phần kinh tế chính trị, trong khi đó HS đang ở độ tuổi 17 nên những quan hệ với các quy luật kinh tế, cạnh tranh, cung cầu… không nhiều khiến các em cảm thấy vừa khô và vừa khó”.
Còn chương trình GDCD bậc THCS, theo nhiều GV đánh giá có nội dung nhẹ nhàng, chỉ có một số phần liên quan đến kiến thức pháp luật của lớp 8 và lớp 9 là hơi khô khan – nếu GV không có phương pháp dạy phù hợp thì HS sẽ rất khó tiếp thu.
Thầy Nguyễn Thành Long, GV bộ môn GDCD Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, quận Tân Bình, cho biết: “Một số bài trong SGK hiện có nội dung còn quá ngắn, GV phải mở rộng thêm nhiều kiến thức. Chẳng hạn như ở bài “Quyền và nghĩa vụ của công dân trong hôn nhân” chỉ định nghĩa, hôn nhân là gì nên lượng kiến thức không nhiều. Hay ở SGK lớp 9 có một số bài gần nhau nhưng mang nội dung tương tự thì cần phải gộp lại như bài 4 “Bảo vệ hòa bình”, bài 5 “Tình hữu nghị giữa các dân tộc” và bài 6 “Hợp tác cùng phát triển”…”. Và một trong những vấn đề mà thầy Long cho là cần phải quan tâm nữa là số tiết còn ít (1 tuần/1 tiết), trong khi ngoài việc dạy nội dung trong SGK, GV còn phải lồng ghép thêm những vấn đề nan giải ngoài xã hội.
Nhóm lên ngọn lửa nhiệt huyết
CôPhạm Thị Tiên nói: “Tuy bộ môn GDCD có nhiều phần “khó và khô” nhưng với lòng yêu nghề đây chính là một trong những phương châm mà nhiều GV dạy bộ môn GDCD đã làm trong thời gian qua. “Chương trình GDCD do Bộ GD-ĐT biên soạn phù hợp với nội dung xây dựng một môi trường thân thiện, giáo dục lý tưởng sống cho HS. Tuy có một số nội dung khô khan về luật nhưng nếu GV có phương pháp giảng dạy uyển chuyển, chuyển tải kiến thức một cách nhẹ nhàng thì HS sẽ tiếp thu tốt. Chẳng hạn nên đưa các hình ảnh hay đóng kịch… để đưa HS đi vào những câu chuyện mang tính thực tế, do mình tự tái hiện thì các em dễ dàng hiểu bài hơn”, cô Hoàng Thị Lê An, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) khẳng định.
Đồng tình với ý kiến này, cô Phạm Thị Tiên chia sẻ thêm: “Để giảng dạy tốt bộ môn GDCD, ngoài những buổi tập huấn do Sở GD-ĐT tổ chức thì mỗi GV phải tự học hỏi và cập nhật thêm kiến thức mỗi ngày trên các phương tiện truyền thông để giáo dục đạo đức cho HS phù hợp với quy chuẩn của xã hội. Đừng nghĩ những gì liên quan đến triết học, chính trị là quá khô khan, nếu GV biết “mềm hóa” bằng cách đưa các câu chuyện, hình ảnh… vào bài học thì bài học sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn.
Bài, ảnh: Hà Xuyên

“SGK bộ môn GDCD hiện đã quá cũ, hình ảnh không nhiều, màu sắc lại hạn chế nên chưa kích thích được thị giác HS, làm cho các em cảm thấy nhàm. Vì vậy, theo tôi, cần phải có hình ảnh nhiều và đẹp hơn”, thầy Nguyễn Thành Long đề xuất.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)