Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đổi mới phương pháp giảng dạy môn ngữ văn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Giờ học ngữ văn tại Trường THPT Trưng Vương. Ảnh: P.N.Q

Theo định hướng đổi mới phương pháp dạy học (PPDH) trong môn ngữ văn không có sự hạ thấp vai trò của giáo viên (GV) mà ngược lại GV chính là người tổ chức, thiết kế, điều hành giờ học.
Đây là phương pháp hạn chế tối đa lối dạy lý thuyết một chiều, chuyển quá trình thuyết giảng của GV thành những cuộc trao đổi, đàm thoại giữa thầy và trò, giữa học sinh (HS) và HS giúp các em tự tìm hiểu và đánh giá được mức độ tìm hiểu bài học của mình.
Dạy tích cực – Học tích cực
Trước hết GV phải biết thiết kế tổ chức HS thực hiện các hoạt động học tập ngữ văn nhằm phát triển tư duy ngôn ngữ, rèn luyện kỹ năng nghe – nói – đọc – viết, năng lực cảm thụ tác phẩm văn chương. Thường xuyên điều chỉnh các hoạt động học tập của HS, động viên và luôn tạo điều kiện cho các em tham gia tích cực, chủ động, sáng tạo trong quá trình tiếp nhận, giải mã và sản sinh văn bản. Song song đó, GV phải biết sử dụng và hướng dẫn HS sử dụng các thiết bị đồ dùng và ứng dụng CNTT để khai thác và vận dụng kiến thức ngữ văn có hiệu quả. Bằng mọi cách GV phải tạo điều kiện cho HS rèn luyện kỹ năng học tập tích cực, chủ động, hình thành thói quen vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Trong giảng dạy cần chú ý khai thác vốn kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng nghe – nói – đọc – viết mà HS đã có.
Về phía HS đòi hỏi các em luôn tích cực suy nghĩ, chủ động tham gia các hoạt động học tập để tự khám phá và lĩnh hội kiến thức, rèn luyện thái độ và tình cảm đúng đắn. Có thể mạnh dạn trình bày và bảo vệ ý kiến, quan điểm cá nhân trước các vấn đề của bộ môn ngữ văn, tiếng Việt, tập làm văn. Đánh giá và tự đánh giá các quan điểm của bản thân, của nhóm. Tích cực sáng tạo trong vận dụng kiến thức, kỹ năng để giải quyết các tình huống và các vấn đề đặt ra từ thực tiễn học tập bộ môn. HS biết chủ động trong xây dựng và thực hiện kế hoạch học tập bộ môn ngữ văn phù hợp với năng lực và điều kiện học tập của cá nhân. Biết sưu tầm và tìm hiểu các tài liệu văn, tiếng Việt, tập làm văn bằng các hình thức khác nhau. Có ý thức sử dụng đồ dùng học tập và các ứng dụng của CNTT để học tập bộ môn ngữ văn có hiệu quả.
Để đảm bảo tính khoa học cho các giờ học ngữ văn thì sự vận dụng các PPDH phải thực sự linh hoạt sáng tạo. Đổi mới cách dạy không có nghĩa là GV phải từ bỏ phương pháp giáo dục truyền thống để độc tôn cải tiến hoặc áp dụng một cách máy móc những PPDH từ các nước khác. Cũng không thể hiểu một cách chung chung về đổi mới PPDH là thầy giảng một nửa còn một nửa HS tự làm lấy. Sự vận dụng các PPDH phải đi từ cái HS đã có đến cái HS cần có, từ thực tiễn cuộc sống của HS tới kiến thức trong sách vở và quay trở về phục vụ cuộc sống. So với cách dạy truyền thống, sự vận dụng PPDH trong giờ ngữ văn đã có sự thay đổi cơ bản về chất: từ thông báo, tái hiện sang tổ chức cho HS tiếp nhận, cảm thụ; từ dạy học tính chất tĩnh sang tính chất động…
Phương pháp dạy học đặc thù
Các văn bản trong chương trình ngữ văn THCS đều được chọn lọc rất kỹ và là những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu, đặc sắc. Nó giúp HS nhận thức cuộc sống, đưa đến những bài học, những cảm xúc thẩm mỹ cao đẹp, sâu lắng trong tâm hồn và tình cảm con người. Những điều này lại phụ thuộc vào bề dày vốn sống, tri thức kinh nghiệm sống của mỗi cá nhân. Do vậy tiếp nhận văn bản là một hệ thống mở và kết quả tiếp nhận ở mỗi HS có thể khác nhau, thậm chí có nhiều mới lạ chưa hẳn trùng khớp với dự kiến của GV. Dạy văn thực chất là giúp cho HS biến tác phẩm của nhà văn thành tác phẩm của mình. Chính vì thế đổi mới PPDH còn có nghĩa là tôn trọng và đề cao những tìm tòi, khám phá, cảm thụ phân tích văn bản tích cực của HS. Đây cũng là một biểu hiện của tính cá thể hóa và sáng tạo trong tiếp nhận văn bản.
– Phương pháp đọc sáng tạo: Đây là phương pháp rất quan trọng đối với hoạt động tiếp nhận văn bản bao gồm cả đọc, hiểu và cảm thụ. Hoạt động đọc sáng tạo không chỉ là đọc thuần túy mà bao gồm cả sự tổ chức hướng dẫn HS đọc có vận động kết hợp tư duy logic với tư duy hình tượng, giọng đọc và điệu bộ.
– Phương pháp dùng lời có nghệ thuật (còn gọi là phương pháp diễn giảng, bình giảng, truyền thụ): Là cách dạy học truyền thống theo mô hình truyền thông tin một chiều, được sử dụng trong các giờ dạy học tác phẩm văn chương hay cung cấp kiến thức mới.
– Phương pháp vấn đáp gợi tìm: Là phương pháp được hình thành trên cơ sở của quá trình tương tác giữa GV và HS thông qua việc GV và HS đặt ra những câu hỏi và tìm ra câu trả lời tương ứng về một chủ đề nhất định.
Đoàn Thế Trị
(GV Trường THCS Cầu Kiệu, Q. Phú Nhuận, TP.HCM)

Không thể hiểu một cách chung chung về đổi mới PPDH là thầy giảng một nửa còn một nửa HS tự làm lấy. Sự vận dụng các PPDH phải đi từ cái HS đã có đến cái HS cần có; từ thực tiễn cuộc sống của HS tới kiến thức trong sách vở và quay trở về phục vụ cuộc sống.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)