Thầy Phạm Hùng hướng dẫn các em học sinh TLN tại một tiết học |
Đổi mới phương pháp dạy học là nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Một trong những phương pháp đổi mới hiện được các trường THPT đánh giá mang lại hiệu quả cao là phương pháp thảo luận nhóm (TLN).
Ích lợi của việc học TLN
Thầy Phạm Văn Phiệt, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn cho biết, đổi mới phương pháp dạy học phải có sự kế thừa những tinh hoa của phương pháp dạy cổ truyền, đồng thời thêm những biện pháp mới nhằm giúp học sinh (HS) trao đổi với giáo viên (GV) nhiều hơn để từ đó các em tự giác học tập. Theo thầy Phiệt, một trong những cách thức giúp HS tự giác học tập đó là phương pháp dạy học TLN.
Hiện nay, TLN đã được áp dụng rộng rãi trong dạy và học ở các trường THPT. Nếu trước đây, mỗi HS làm việc cá nhân, riêng lẻ thì ở phương pháp này dạy học tính tập thể được nâng cao rõ rệt. HS được trình bày, thảo luận, tranh luận về những vấn đề do GV đặt ra nhằm mục đích tự tìm hiểu vấn đề và tự giải đáp trước khi vấn đề đó được giải quyết dưới sự giám sát, điều chỉnh của nhóm và GV.
Trong quá trình tham gia TLN, HS sẽ học được tính hòa nhập, chia sẻ để giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng, chủ động. HS biết chia sẻ công việc một cách bình đẳng, biết cách giao việc cho nhau và có trách nhiệm đối với công việc của mình cũng như cả nhóm. Đồng thời, thông qua hoạt động TLN sẽ tập cho các em kĩ năng làm việc theo nhóm, giúp các em tự tin hơn, có kinh nghiệm trong quản lý tổ chức làm việc nhóm, đặc biệt là tính năng động. Theo thầy Phạm Hùng, GV Trường THPT Marie Curie, để khắc phục tính thụ động của một vài HS trong lớp, cần có sự giúp đỡ từ GV và các bạn cùng nhóm. Nếu GV có phương pháp thảo luận tích cực, hấp dẫn thì sẽ lôi cuốn được các em tham gia một cách tự giác. Đồng thời, đối với bản thân mỗi HS, khi đến lớp điểm số là rất quan trọng đối với các em, do đó để khích lệ các em tích cực tham gia nên có các cột điểm thực hành dành cho các buổi TLN.
TLN là một phương pháp học tập tốt nhưng nhiều khi thầy cô đã quan tâm “quá mức” có thể đem lại kết quả trái ngược với mong muốn của bài giảng. Vì vậy, GV nên tránh tình trạng quá tải khi giao bài tập TLN về nhà để HS có thời gian vừa học, vừa có những phút thư giãn để đầu óc luôn được thoải mái khi tiếp nhận bài học.
Để một buổi TLN thành công, vai trò chủ đạo vẫn nằm ở GV. Theo thầy Phạm Văn Phiệt, GV cần phải đầu tư một cách cao độ vì ở phương pháp này GV không chỉ là người truyền đạt mà còn là người tự thiết kế, xây dựng chương trình để dẫn dắt HS tìm kiếm tri thức. Thầy Phạm Văn Phiệt cho biết thêm: “Điều kiện để thành công trong một tiết học TLN là HS phải vừa ý với các vấn đề đặt ra, được đọc trước một số tài liệu… Tất cả HS trong nhóm đều phải có ý kiến tham gia. HS đưa ra những ý kiến tích cực xây dựng bài ngay nhưng cũng có thể đi ngược lại hoặc rơi khỏi chủ đề. Nếu phương pháp dạy học cũ, GV chủ yếu thuyết trình buộc HS tự ghi nhận thì ở cách thức mới này, cái khó của GV là căn cứ vào tất cả các ý kiến của HS, tổng hợp và phân tích để điều chỉnh phù hợp với kiến thức của bài giảng mà GV cung cấp cho HS”.
Cần có mối liên hệ giữa HS, GV và phụ huynh
TLN có nhiều hình thức khác nhau, thầy Phạm Hùng cho biết: “Hiện nay, TLN bao gồm hai hình thức: nhóm hình thành từ bên ngoài và nhóm nảy sinh trong quá trình học tập. Ở nhóm thứ nhất, HS tự giác chơi thân với nhau và cùng nhau lập thành một nhóm để trao đổi bài tập về nhà. Nhóm này có thể là học cùng lớp, cùng trường hoặc thậm chí là khác trường. Nhóm hình thành có thể gọi là tự giác nhưng nếu GV, phụ huynh cũng như ý thức của các em tốt sẽ phát huy hiệu quả giáo dục cao. Còn loại nhóm thứ hai, nảy sinh trong quá trình học tập ở lớp dưới sự hướng dẫn của GV. Mỗi nhóm có thể khoảng 4 đến 5 HS do GV tự sắp xếp theo sơ đồ lớp, theo kết quả xếp loại học tập của HS… Nhóm thảo luận này do không có sự chuẩn bị trước ở nhà nên phát huy hiệu quả không cao so với hình thức nhóm thứ nhất”.
Tuy nhiên, một phụ huynh đã tâm sự: “Con tôi hễ về đến nhà là nói đi học nhóm, thấy đi suốt ngày nên vợ chồng tôi cũng có hỏi nhưng cháu bảo là thầy giao bài tập về nhà, bắt phải làm theo nhóm mới làm hết để thảo luận cho tiết học sau. Nhưng kết quả thi học kì cuối năm vừa rồi tôi suýt xỉu khi biết kết quả học tập của nó. Từ vị trí dẫn đầu trong lớp, nó rớt xuống gần cuối danh sách. Về nhà, hỏi ra mới vỡ lẽ, những buổi học nhóm của nó là những buổi tụ tập bạn bè chơi game ở quán net”.
Theo thầy Hùng, để phát huy tính tích cực của hình thức nhóm thứ nhất, nên phòng tránh các tình trạng tiêu cực có thể xảy ra, đó là phải có sự liên hệ giữa các phụ huynh lẫn nhau và với GV để theo dõi, bám sát kiểm tra khi con em mình học nhóm.
Bài, ảnh: Dương Bình
Hầu hết các môn học ở trường đều được áp dụng theo phương pháp TLN. “Mặc dù thời gian dành cho mỗi môn không nhiều nhưng chỉ cần khoảng 10 phút TLN là tụi em đã có thể nắm bắt được nội dung toàn bài khá rõ” – Ngọc Anh, HS Trường THPT Lê Quý Đôn nói. |
Bình luận (0)