Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cổ phần hóa sẽ “cởi trói” cho giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

"Giáo dục là khoản đầu tư chứ không ai cho không tri thức cả. Cổ phần hoá sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho giáo dục", TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội) phân tích chủ trương thí điểm cổ phần hoá trường học.
TS Nguyễn Đức Thành
TS Thành chia sẻ: Ngành giáo dục có một cuộc tranh luận rất xưa là giáo dục có phải hàng hóa hay không.
Trong đầu tôi chưa bao giờ có tranh luận đó. Con người muốn có giáo dục thì phải mua dịch vụ bởi hấp thụ giáo dục làm tăng vốn con người.
Giáo dục là khoản đầu tư chứ không ai cho không tri thức cả. Chính vì quan điểm tri thức là cho không dẫn tới nhiều quan niệm méo mó.
Nhưng giáo dục có đặc điểm là nó không chỉ mang lại nguồn lợi cho bản thân người tiếp nhận mà còn mang lợi cho cả xã hội. Vai trò của Nhà nước là làm tăng cái lợi mà mỗi cá nhân có giáo dục mang lại cho xã hội.
Vì thế, giáo dục là một loại hàng hóa cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chỉ có Nhà nước cung cấp. Khi hiểu nguyên lý đó thì việc cổ phần hóa là một bước đi khớp với sự phát triển.
Thúc đẩy cạnh tranh
– Theo ông, cổ phần hoá các cơ sở đào tạo công lập có thu sẽ có tác động như thế nào  tới nền giáo dục Việt Nam?
– Cổ phần hóa giúp sản lượng tăng, số dịch vụ tăng và chất lượng tăng vì có sự cạnh tranh trong các tổ chức khoa học đào tạo.
Có cạnh tranh thì lợi nhuận gắn liền với chất lượng. Chất lượng chỉ bị kiểm soát bởi người cạnh tranh với anh ta thôi.
Cổ phần hóa xác định sở hữu rõ ràng. Các cổ đông biết họ được cái gì từ đó và có thể từ bỏ cổ phần khi thấy bất lợi. Cổ phần hoá cũng tận dụng được nguồn lực con người vì “đồng tiền liền khúc ruột”, vì họ biết tài sản này thuộc về mình một cách lâu dài 
Nhưng cũng không có nghĩa là cơ sở giáo dục nào cũng phải cổ phần hóa. Có những tổ chức theo ý chí của Nhà nước thì vẫn là trường công, trường của cộng đồng. 
Như vậy các trường tư nhân, các trường cổ phần hóa và các trường công tồn tại song song, cạnh tranh với nhau. Bản chất của nó là cạnh tranh giữa các hình thức sở hữu. 
Ở bậc phổ thông, nên cổ phần hoá ở các thành phố lớn trước. Còn ở bậc ĐH, phải cẩn trọng với những trường có vị thế độc quyền tự nhiên cao. Ảnh: Bảo Anh
 Mỗi hình thức sở hữu lại phù hợp với các nhóm nhất định. Chẳng hạn, với những nhóm ngành đào tạo mang tính chất nâng cao thì tư nhân hóa rất tốt. Còn những khóa học về các chuyên ngành cơ bản thì hình thức sở hữu nhà nước lại phù hợp hơn.
– Vậy lộ trình của quá trình cổ phần hóa trường học nên diễn ra như thế nào?
– Ở bậc ĐH, không phải đơn vị nào cũng cổ phần hóa mà sẽ tiến hành từ những đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học có tính chất ứng dụng cao nhất.
Những cơ sở này có động lực để cổ phần hóa rất nhanh và sẽ phát triển rất mạnh và tạo ra sự “cởi trói” mạnh mẽ cho nền khoa học, giáo dục nước nhà.
Còn ở bậc phổ thông, lý tưởng nhất là Nhà nước bao cấp. Nhưng nếu điều kiện không cho phép thì ít nhất cũng phải bao cấp bậc tiểu học.
Muốn cổ phần hóa các trường phổ thông thì nên tiến hành ở các thành phố lớn trước. Ở nông thôn, cả xã chỉ có 1 trường cấp II mà cổ phần hóa, rơi vào tay tư nhân thì các ông chủ này có thể dồn ép tăng học phí khiến người nghèo không được đi học.
Cổ phần hóa "trường liu riu"
– Vận hành theo cơ chế thị trường, các cơ sở giáo dục khi cổ phần hoá có thể gặp những vấn đề gì?
– Có thể hiệu trưởng sẽ thao túng, đưa người nhà vào mua cổ phiếu. Vì vậy, Nhà nước phải có chế độ đặc biệt, nếu không, sẽ không đạt được mục đích xã hội.
Những người làm chính sách phải hiểu rất rõ về cấu trúc thị trường trong giáo dục. Thị trường đó có cấu trúc độc quyền hay cấu trúc cạnh tranh?
Ở một số phân đoạn trong thị trường giáo dục thì có thể có cấu trúc độc quyền tự nhiên. Nhà nước kiểm soát hay giám sát chặt chẽ thị trường này là hết sức cần thiết.
Ví dụ giáo dục ĐH ở cấp tỉnh có thể có cấu trúc độc quyền tự nhiên. 1 trường ĐH tốt nhất vươn lên cao và hút hết SV vào. Những trường nhỏ xung quanh sẽ ngày càng yếu đi, còn trường kia ngày càng bành trướng.
Đó là cấu trúc độc quyền tự nhiên, dù thuộc sở hữu nhà nước hay tư nhân, nó đều có tính chất đó. Nhà nước có thể phải can thiệp như với các ngành khác như ngành điện, ngân hàng.
Ở thời kỳ đầu, ở một số trường tính đặc quyền cao thì chất lượng có thể sẽ giảm. Vì có thể độc quyền nên cứ bành trướng ra. Bản thân cái tên đã tốt rồi, không cần chất lượng. Mục tiêu lúc này chỉ là lợi nhuận nên có thể mở ồ ạt và chất lượng kém đi. Nhưng sau một thời gian, sẽ có sự đào thải và chiếm lĩnh thị trường.
Triết lý sống của thị trường vẫn là chất lượng. Những trường “liu riu” thì nên cho cổ phần hóa vì chỉ có một con đường là tăng chất lượng. Nếu không làm được thì cuối cùng Nhà nước “thôn tính” lại với giá rẻ.
Niềm tin ở thị trường là do sự đa dạng các hình thức sở hữu: tư nhân, cộng đồng, Nhà nước. Sự đa dạng này đã tồn tại hàng trăm năm nay ở các nước. 
– Vậy Nhà nước có nên nắm giữ cổ phần không?
Nhà nước đã không chi phối thì không nên tham gia. Nhà nước không nên kinh doanh mà nên rút vốn đó ra cho người khác thế chỗ vào rồi thu thuế thì tốt hơn.
 – Xin cảm ơn ông! 
TS. Nguyễn Đức Thành:
1999: Tốt nghiệp ĐH Kinh tế Quốc dân chuyên ngành Tài chính, Ngân hàng.
2001: Hoàn thành chương trình Cao học Kinh tế Phát triển liên kết giữa Việt Nam và Hà Lan.
2008: Nhận bằng Tiến sỹ Kinh tế Phát triển tại Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản (GRIPS).
2007 – 2008: Nghiên cứu viên cao cấp của Nhóm Tư vấn Chính sách – Bộ Tài chính
TS. Thành hiện đang giảng dạy Lý thuyết Kinh tế và Kinh tế Vĩ mô.
Các lĩnh vực nghiên cứu: Lý thuyết Kinh tế Vĩ mô, Kinh tế Phát triển, Kinh tế học về chảy máu chất xám và dịch chuyển lao động, Mô hình cân bằng tổng thể.
Thành viên Hiệp hội Kinh tế Đông Á (EAEA).
·         Lan Hương (vietnamnet)

Bình luận (0)