Các hoạt động vui chơi như thế này chẳng những giúp HS tránh xa các tệ nạn xã hội mà còn kích thích các em học tập tốt hơn. Ảnh: N.Anh
|
Học sinh (HS) chưa ngoan có khi là những HS “cá biệt” nhưng cũng có khi chỉ là những em không nghe lời thầy cô. Có em HS một đôi lần vi phạm kỷ luật nhà trường ngoài ý muốn. Nhưng cũng có em thường xuyên quậy phá, luôn có tên trong sổ đầu bài thầy cô giáo dục bằng nhiều biện pháp mà vẫn không sửa đổi và không có chiều hướng tiến bộ.
Gia đình phải là mái ấm
Từng làm GV chủ nhiệm nhiều năm tại trường THPT, tôi thấy có một nguyên nhân không kém phần quan trọng là từ phía gia đình. Đã đành “cha mẹ sinh con trời sinh tính” nhưng gia đình luôn là nền tảng và xuất phát điểm cho sự trưởng thành của một con người. “Gốc có vững thì cây mới bền”, gia đình êm ấm, cha mẹ hòa thuận thì nền nếp gia phong tốt, con cái chăm ngoan và hiếu thảo. Những HS chăm ngoan, học giỏi ở trường thì chắc chắn được cha mẹ quan tâm và giáo dục bài bản đến nơi đến chốn. Ngược lại, nhiều em vi phạm, học hành chểnh mảng nếu tìm hiểu kỹ thì thường thấy hoàn cảnh “có vấn đề” thiếu sự quan tâm của cha mẹ và cả người lớn. Vì thế ông cha ta thường nói: “Nhà dột từ nóc xuống” là vậy. Cô Nguyễn Thị Hồng Lan – GV Trường THPT Thanh Đa khẳng định: “Hoàn cảnh gia đình có tác động rất lớn đến tâm lý các em. Nếu cha mẹ có sự xáo trộn lớn về mặt tình cảm và cả kinh tế thì cũng ảnh hưởng đến con cái”. Dẫn chứng mà cô Lan đưa ra nhiều nhất là những em có cha mẹ chia tay nhau. Những cuộc cãi vã thường xuyên trong nhà như vết dầu loang từng ngày “ăn lan” vào suy nghĩ non nớt của đứa trẻ. Không dám chống đối cha mẹ nhưng các em dễ thành đứa trẻ “bất cần đời” có tâm lý nổi loạn, phá phách và muốn tự khẳng định mình bằng những việc làm ngang trái. Mức độ nhẹ hơn là học hành sa sút, những trường hợp này rơi vào các em có bản chất tốt, chăm ngoan từ bé. Rất ít em chống chọi được “cú sốc” trong tình cảm gia đình. Tôi có biết trường hợp một HS học giỏi ngay từ khi vào THPT đã được chọn vào lớp chuyên, thế nhưng sau khi bố mẹ chia tay nhau thì em bị hụt hẫng, tuy năm học lớp 11 chưa ảnh hưởng gì nhiều đến học tập. Thế nhưng, sau đó mẹ em đi nước ngoài thiếu người chăm sóc nên em không còn là một HS giỏi giang như trước nữa. Vì kết quả học sa sút nên nhà trường phải chuyển sang học lớp 12 thường. Cũng may là em chưa phải là một HS hư, cá biệt. Thấy thầy cô quan tâm và không bỏ rơi mình, nên em đã trải lòng với GV chủ nhiệm: “Được ông bà ngoại chăm sóc em phải cố gắng để không phụ lòng, phải tự lo cho bản thân khỏi làm phiền cha mẹ”. Hay như em M.T.Q, HS lớp 5 của một trường tiểu học ở quận Tân Bình, dù cha mẹ ly hôn từ lâu nhưng em vẫn học giỏi, chăm ngoan. Tiếp xúc với phụ huynh, tôi mới được biết là do cha mẹ tìm cách giấu biệt không cho con mình biết chuyện đổ vỡ của hai vợ chồng nên không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống riêng của đứa con. Họ chỉ mong con biết chuyện đó càng trễ càng tốt vì không muốn con mình sớm thành đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi, dễ hư hỏng. Một GV phạt HS ăn quà vặt trong lớp nhưng khi nghe em trình bày hoàn cảnh do cãi nhau với mợ nên bị gia đình cậu bỏ đói thì cô giáo đã không còn mạnh tay như trước nữa. Vì vậy, chúng ta nên có sự đồng cảm với HS đó vì em đang có cảm giác bị gia đình bỏ rơi. Hơn ai hết nhà trường phải là nơi che chắn và bảo vệ em.
Giáo dục cũng như chữa bệnh
Nhiều người quan niệm rằng HS càng lớn càng dễ dạy, nhất là các em học bổ túc văn hóa tại các trung tâm GDTX. Điều đó chỉ đúng một phần chứ không phải đúng hoàn toàn. Lỗi vi phạm của học viên chủ yếu là đi học thiếu chuyên cần, đôi khi thiếu tôn trọng và dám “bắt nạt” cả GV trẻ. Không ít cô giáo mới ra trường đã đứng khóc trước lớp vì nói học trò không nghe còn bị học viên lớn tuổi chọc phá lại. Lại có vài em vào lớp chỉ để nói chuyện riêng vì thói quen “tám” ở cơ quan không bỏ được. Một cô giáo tại Trung tâm GDTX quận Tân Bình đã khổ sở với một học viên lớn hơn mình 5 tuổi thường xuyên tự ý nghỉ học không xin phép. Giáo dục răn đe vẫn chứng nào tật nấy có khi còn muốn thách thức với GV chủ nhiệm. Có người nghĩ do hoàn cảnh gia đình có vấn đề nhưng khi tìm hiểu kỹ thì thực ra không phải như vậy mà lý do chính là bận… đi uống rượu. Vì đặc thù công việc nên anh ta thường phải đi chung với sếp để giải quyết công việc trên… bàn nhậu nên đã bỏ bê chuyện học hành.
Rõ ràng người thầy muốn giáo dục được HS thì phải tìm hiểu thật kỹ mọi ngọn ngành, tìm thấy được nguyên nhân cốt lõi của vấn đề cũng như thầy thuốc muốn chữa được bệnh tật để đem sức khỏe cho con người thì phải bắt đúng mạch, đúng bệnh.
Nguyễn Anh (Thủ Đức)
Người thầy muốn giáo dục được HS thì phải tìm hiểu thật kỹ mọi ngọn ngành, tìm thấy được nguyên nhân cốt lõi của vấn đề cũng như thầy thuốc muốn chữa được bệnh tật.
|
Bình luận (0)