Nằm ngay vùng biên giới, Trường THCS Khánh An-An Giang có khá nhiều học sinh là con em người Việt sống bên Campuchia sang học. Cũng bởi đặc điểm này mà nhiều người còn quen gọi đó là “Trường Việt kiều”.
“Trường Việt kiều” có hơn 30% là học sinh từ xã Pet Chray, huyện Kohthum, tỉnh Kandal sang học. Do có việc làm ăn và sản xuất trên đất bạn nên nhiều gia đình đã sang Campuchia sinh sống. Việc học của con em họ vì vậy cũng trở nên khó khăn rất nhiều. Thầy La Văn Bé, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hầu như năm nào cũng vậy, năm học đã bắt đầu nhưng rất nhiều em nhập học trễ do thiếu thủ tục để nhập học, nhiều em còn không thể đóng học phí vì hoàn cảnh quá khó khăn.
Để không ảnh hưởng đến việc học tập của các em, trước mắt nhà trường vẫn nhận vào học và tìm các biện pháp tháo gỡ, giúp đỡ dần. Các em đến trường, ngoài kiến thức truyền đạt từ thầy cô, bộ sách giáo khoa là nguồn tham khảo duy nhất. Không có nhà sách, không có sách đọc thêm nhưng các em vẫn ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập và đạt nhiều thành tích đáng khen.
“Học sinh ở đây, phần lớn rất ngoan, chịu khó đi học và tiếp thu bài tốt. Thương nhất là mỗi ngày đến trường, từ 3 giờ sáng các em này phải vượt đường xa mười mấy cây số để đạp xe sang đây học. Mùa khô đã vậy, 3 tháng ròng rã nước lên, muốn đến trường, mỗi ngày các em phải lụy 2 chuyến đò hoặc nhờ cha mẹ theo đưa rước vượt qua dòng sông mênh mông nước”, thầy Bé chia sẻ.
Cực nhọc, nguy hiểm, đó là chưa kể ảnh hưởng bởi kinh tế gia đình, nhiều em suýt nữa phải nghỉ học hẳn nếu không được động viên, giúp đỡ kịp thời.
Xây dựng nhiều sân chơi góp phần giáo dục cho các em.
Để đảm bảo sách học cho tất cả học sinh, với những trường hợp quá khó khăn, nhà trường sẵn sàng cho mượn trọn bộ sách giáo khoa để các em sử dụng trong năm học. Bên cạnh đó, bằng những nỗ lực làm được, trường cũng ra sức vận động các Mạnh Thường Quân, địa phương cùng chung tay lo cho công tác giáo dục và góp sức hỗ trợ để các em có điều kiện đến trường. Từ đó, công tác xã hội hóa học tập đã đóng góp một phần rất lớn trong việc cải tạo cơ sở vật chất, cảnh quan, tiếp sức cho nhiều học sinh nghèo vượt khó học giỏi.
Đội ngũ giáo viên với lòng yêu nghề, yêu trẻ cũng gắn bó và nỗ lực nâng cao tay nghề để ngày càng làm tốt công tác dạy học. Sống tại vùng biên giới nhưng giáo viên nơi đây không được hưởng thêm phần phụ cấp, điều kiện sinh hoạt cũng khó khăn rất nhiều. Vậy mà không ít người chẳng những gắn bó mật thiết với ngôi trường mà còn chọn nơi đây là quê hương thứ 2 của mình.
Động lực đó đã thúc đẩy tập thể gặt hái nhiều thành tích phấn khởi trong những năm học gần đây như: Tỷ lệ học sinh khối 9 thi đậu vào lớp 10 đạt trên 91%, học sinh giỏi cấp huyện đạt 3 giải về văn hóa, 2 giải về thực hành thí nghiệm, đặc biệt có nhiều gương học sinh vượt khó học giỏi nhiều năm liền…
Ngoài tập trung nâng cao chất lượng học lực, Trường THCS Khánh An còn tập trung quan tâm công tác giáo dục về đạo đức, ý thức thông qua các giờ học, tiếp xúc thân thiện giữa thầy và trò, tạo nhiều sân chơi tích cực, bổ ích cho các em tham gia như Hội khỏe Phù Đổng, Ngày hội vệ sinh trường học, Ngày hội dân gian… Công tác này đã được ghi nhận bằng kết quả xếp loại hạnh kiểm của năm học 2010-1011 với trên 83% loại tốt và gần 16% loại khá.
Theo MỸ HẠNH
(An Giang Online)
Bình luận (0)