Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tự sửa lại mình

Tạp Chí Giáo Dục

Sau bước đầu thành công của cuộc vận động hai không với bốn nội dung mà ngành GD-ĐT phát động trong năm học vừa qua, Báo Giáo Dục TP.HCM cũng góp phần không nhỏ trong cuộc vận động này, đó là tổ chức cuộc thi Giải quyết tình huống giáo dục thu hút đông đảo mọi người, nhất là cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên tham gia. Ở cuộc thi lần này, nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký đã đưa ra đề tài hết sức thời sự, rất thực tế vì gắn liền với cuộc vận động của ngành GD-ĐT trong giai đoạn hiện nay là xây dựng trường học thân thiện, học sinh học tập tích cực.
Đề thi đưa ra 5 đáp án cho bạn đọc chọn trả lời, và tôi chọn đáp án:
– Một chút buồn thoáng qua. Giữ lại bức thư xem như là kỷ niệm khó quên. Coi như một lời nhắc nhở khéo léo để sửa mình.
 Bản thân tôi giữ cương vị hiệu trưởng trên 10 năm nên thỉnh thoảng nhận được thông tin phản ánh từ cán bộ, giáo viên trong trường. Đó là những thông tin phản hồi phàn nàn của đồng nghiệp khi tôi quá nghiêm khắc; hay phân công nhân sự chưa hợp lý; trong công tác thi đua không khách quan, công bằng. Mặc dù chỉ là những thông tin miệng không có văn bản chính thức nhưng mỗi khi nghe được bao giờ tôi cũng bình tĩnh kiểm nghiệm lại xem thông tin đó có đúng hay không. Nếu thông tin sai nhằm mục đích bôi nhọ hay làm mất uy tín của tôi, tôi bình thản bỏ qua xem như bình thường chẳng có gì nhưng nó cũng làm tôi suy nghĩ và tự nhủ không được sai phạm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nghề nghiệp; còn nếu thông tin đúng thì tôi hoàn toàn nhận khuyết điểm, ghi nhận và hứa tự sửa chữa, điều chỉnh cho mình được hoàn thiện, phẩm chất đạo đức mình ngày một tốt hơn.
Liên hệ đến đề thi giải quyết tình huống giáo dục lần này, nếu tôi là cô Bích Ngọc chắc hẳn tôi cũng chỉ thoáng buồn và tự nghiệm lại rõ ràng không phải chỉ mình tôi mà còn nhiều giáo viên khác thường không hát quốc ca ở giờ chào cờ. Thường thì nhà trường, Đoàn – Đội giao cho lớp trực hát quốc ca. Tôi sửa sai bằng cách nhắc nhở đội ngũ giáo viên và tất cả học sinh trường phải thuộc lời quốc ca và đồng thanh hát ở giờ sinh hoạt dưới cờ, ở các đại hội nhà trường tổ chức. Còn việc chồng tôi chở tôi bằng hon-đa vượt đèn đỏ mà học sinh chụp hình được, đó là chuyện hiếm nhưng không phải là không xảy ra. Tôi nhớ có lần hai vợ chồng tôi bận đưa con đi học nên đi làm trễ giờ, chồng tôi có chạy xe nhanh, tôi không chú ý nên đến khi qua ngã tư mới phát hiện chồng mình vừa vượt đèn đỏ. Thấy mọi người nhìn mình với vẻ mặt khó chịu, tôi nói với chồng từ nay không được vi phạm luật giao thông nữa, dù với bất cứ lý do gì, và anh ấy đã vui vẻ nhận khuyết điểm. Không ngờ trong khoảnh khắc đó, có em học sinh đã chụp được bức ảnh vợ chồng tôi vượt đèn đỏ, giờ hiện ra trước mặt, tôi không xé mà cất giữ làm kỷ niệm.
Bình tâm kiểm điểm lại hai sự việc trên tôi cảm thấy mình có lỗi vì hơn ai hết mình là giáo viên, nhất là hiệu trưởng nhưng đã có những lời nói và việc làm chưa đi đôi với nhau, dù đó là lỗi vô tình xảy ra không có trong dự kiến và không lường trước được. Chính bức thư gửi cho cô hiệu trưởng không ghi tên tác giả này tôi xem như “tai nạn nghề nghiệp” và đó là lời nhắc khéo để tôi sửa chữa lại chính mình.
Tình huống giáo dục lần này đã gợi cho tôi nhiều suy nghĩ. Trong cuộc vận động xây dựng môi trường thân thiện học sinh tích cực của năm học 2008-2009, nhất là ở giai đoạn hiện nay mọi người ra sức làm theo tư tưởng và gương đạo đức Hồ Chí Minh, bản thân tôi sẽ phải cố gắng nhiều hơn nữa. Cần phải ra sức tu dưỡng đạo đức cách mạng, đạo đức nhà giáo, luôn cố gắng tạo cho đội ngũ sư phạm và học sinh bầu không khí vui tươi, học sinh được học tập tích cực để phát triển một cách toàn diện về trí và đức dưới sự giúp đỡ, thương yêu tận tình chỉ dẫn của thầy cô. Phải làm sao để học sinh trong trường biết đoàn kết thương yêu, san sẻ với nhau trong học tập và trong cuộc sống; làm sao để với các em bao giờ người thầy cũng được coi trọng, là người có tác phong mẫu mực, đạo đức tốt để noi theo. Lời nói và việc làm của người thầy bao giờ cũng nhất quán, không giáo dục học sinh bằng lý thuyết suông mà bằng việc làm thực tế từ cuộc sống.
Là hiệu trưởng trường tiểu học, tôi thường xuyên nhắc nhở giáo viên thực hiện thật tốt chủ đề tư tưởng năm học, hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy, luôn giáo dục học sinh thực hiện đúng 5 điều Bác Hồ dạy, bồi dưỡng và giáo dục các em cả tài lẫn đức để sau này trở thành người công dân có ích phục vụ cho đất nước. Làm được những điều đó, chính tôi sẽ góp phần nhỏ thực hiện chủ đề năm học 2008 – 2009: “Trường học thân thiện học sinh tích cực” một cách thiết thực và thành công.
Ngô Mai Thi
(Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lập Hạ – Củ Chi – TP.HCM)

Bình luận (0)