Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Yêu con sao cho đủ!

Tạp Chí Giáo Dục

Phụ huynh cùng tham gia với con trong một hoạt động ngoại khóa. Ảnh: N.Trinh
Không ít bậc phụ huynh thắc mắc vì sao mình yêu thương con rất nhiều, làm tất cả vì con…, nhưng con vẫn không thấy được sự gần gũi, quan tâm của ba mẹ? Phải làm thế nào để con cảm nhận được tấm lòng của ba mẹ, biết ơn và hãnh diện về ba mẹ? Hay con cái bây giờ chỉ biết đòi hỏi?…
“Đầy mà vẫn thiếu”
Dù là con một, được ba mẹ cưng chiều thích gì cũng mua cho, nhưng cô bé Vân An (7 tuổi, ngụ ở Q.2, TP.HCM) vẫn thấy thiếu thốn tình cảm. Em luôn cảm nhận sự cô đơn lạnh lẽo vây quanh mình mỗi khi về nhà. Bởi thời gian ba mẹ dành cho Vân An không nhiều. Ba mẹ luôn an ủi cô bé rằng họ rất vất vả với công ăn việc làm để lo cho tương lai con cái sau này, nhưng cô bé thắc mắc: Tại sao ba mẹ bận rộn đến nỗi không có thời gian để chơi với con? (dù chỉ là một ít thôi). Vân An thắc mắc mãi, dù xung quanh lúc nào cũng có người giúp việc thay ba mẹ phục vụ mọi nhu cầu cho em.
Còn Bình Nam (12 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM) thì ba mẹ đều là những người nổi tiếng giỏi giang, thành đạt. Vì vậy, ngay từ nhỏ Bình Nam đã được “định hình” vào khuôn khổ rất sớm, với nhiều kỳ vọng vun đắp, em phải trở thành người thành công trong cuộc sống. Do đó, Bình Nam luôn phải sống theo sự sắp đặt của ba mẹ. Những niềm mơ ước của em rất nhỏ nhoi nhưng vẫn khó thực hiện như: Em chưa bao giờ được tự do nô đùa như bạn bè, càng không được chơi những trò trẻ con như thả diều, chơi bi, đu quay… Thay vào đó là một lịch học kín mít. Gia đình trang bị cho em tất cả mọi thứ đều hàng hiệu, đồ đạc tân tiến. Nhưng em chẳng biết chia sẻ niềm vui, nỗi buồn cùng ai. Ai cũng nói Bình Nam là người sung sướng mà không biết hưởng, chỉ bản thân em luôn thấy cuộc sống của mình sao quá đơn điệu, tẻ nhạt!
Xa về khoảng cách cũng như tâm hồn
Bắt nguồn từ mong ước cho con cái có một tương lai tốt đẹp, và suy nghĩ đơn giản rằng trẻ chẳng có gì phải bận tâm, các bậc phụ huynh thường buộc con làm theo những điều mình thích. Họ đặt kỳ vọng, mong muốn của mình lên cuộc đời trẻ để “biến hóa” chúng theo khuôn mẫu của ba mẹ, tước đi những cơ hội cho con được là chính mình. Có không ít bậc phụ huynh yêu cầu con thế này, thế kia mà chẳng quan tâm đến con suy nghĩ như thế nào, tâm trạng của con ra sao… Có người còn võ đoán quả quyết rằng: “Trẻ con mà được hỏi ý kiến thế nào cũng mè nheo, đòi hỏi thế này thế nọ, người lớn quyết định hết là đỡ phiền phức!”. Vì xa cách con về khoảng cách cũng như tâm hồn nên mối quan hệ giữa ba mẹ và con cái ngày càng “nhạt”, mà chính người lớn cũng khó nhận thấy vì quá bận rộn.
Do yêu con theo cách của mình, quá quan tâm đến những mục tiêu xa xôi, đến tương lai tốt đẹp của con (theo trí tưởng tượng của mình) mà ba mẹ ít chú ý đến nhu cầu tinh thần của con.

Dưới góc độ tâm lý, chỉ khi thật sự gần gũi con, nắm bắt được nhu cầu của con, thấu hiểu con thì đứa trẻ luôn trân trọng, biết ơn và hãnh diện về ba mẹ. Lúc đó, những điều ba mẹ làm cho con cái mới thật sự có ý nghĩa. Do yêu con theo cách của mình, quá quan tâm đến những mục tiêu xa xôi, đến tương lai tốt đẹp của con (theo trí tưởng tượng của mình) mà ba mẹ ít chú ý đến nhu cầu tinh thần của con. Con đường ngắn nhất đến tâm hồn và trái tim của trẻ phải thông qua sự gần gũi và hiểu biết cảm xúc của trẻ.
Sự chia sẻ vui buồn, mong ước và nỗi niềm của trẻ rất có lợi cho mối quan hệ giữa ba mẹ và con cái, khiến trẻ luôn cảm nhận niềm hạnh phúc được ba mẹ yêu thương, quan tâm và tôn trọng; từ đó xác lập được sự tín nhiệm, lòng yêu thương và trách nhiệm đối với ba mẹ. Trong mỗi lứa tuổi của trẻ, nhu cầu tình cảm của các em về ba mẹ cũng khác, vì vậy sự quan tâm thương yêu mà ba mẹ dành cho con cần thay đổi cho phù hợp với tâm sinh lý; ba mẹ yêu con, hiểu con ở mức độ nào để con có thể cảm nhận trọn vẹn tình yêu thương ấy là điều quan trọng và cần thiết. Chỉ khi thật sự tôn trọng và dành thời gian gần gũi con, nắm bắt được nhu cầu và thấu hiểu thì những điều ba mẹ làm cho con mới thật sự có ý nghĩa để đứa trẻ luôn tự hào về đấng sinh thành.
ThS. tâm lý Nguyễn Văn Công
Phụ huynh đừng quá lo lắng về tương lai con cái
Trẻ em chủ yếu nhận thức bằng cảm tính, kể cả cảm nhận tình yêu thương, chỉ khi thật sự gần gũi quan tâm, trực tiếp trao đổi những tâm sự trẻ mới nhận được tình cảm bao la mà ba mẹ dành cho các em. Vì vậy, phụ huynh đừng quá lo lắng về tương lai của con cái mà quên đi khoảng thời gian hiện tại của con, làm sao để con luôn cảm nhận được cuộc sống mỗi ngày trải qua đều có ý nghĩa. Cần “gieo trồng” ở con những tính cách tốt như sự tự lập, tính mục đích, lòng tự tin và sự quyết đoán để khi con đến đúng độ tuổi trưởng thành, gặp môi trường và nhu cầu phù hợp, thì đủ sức tạo nên tương lai bằng mục tiêu của bản thân, bằng quyết tâm và bản lĩnh của mình. Điều đó có nghĩa là ba mẹ đã tạo cơ hội để con được trưởng thành trong cuộc sống.
 
 

Bình luận (0)