Sau khi kết thúc kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông, sĩ tử khắp các nơi lại tấp nập “lều chõng” ùn ùn đổ về thành phố, chuẩn bị cho kì thi cao đẳng, đại học sắp tới. Các lớp luyện thi đại học cấp tốc lại vào mùa “ăn nên làm ra”. Tuy nhiên, chất lượng của các lớp học cấp tốc này vẫn còn nhiều vấn đề bất cập.
Học phí "trên trời"
Con đường dẫn dắt phụ huynh, học sinh ở các tỉnh xa tìm đến các địa điểm ôn luyện ở thủ đô thường qua các website, tờ rơi, lời giới thiệu của những người thân quen, các “cò mồi”… Ngay cả những người xe ôm quanh các tụ điểm lò luyện thi cũng được thuê làm người chỉ điểm, dẫn dắt học viên đến các trung tâm. Các lớp học được tổ chức đa dạng, nhiều chủng loại như lớp ôn thi cấp tốc theo các khối (A, B, C, D), lớp tổng ôn, lớp luyện đề, lớp sinh cấp tốc… Bên cạnh những lớp học ôn thi cấp tốc, còn có những lớp dạy kĩ năng làm bài với mức giá trung bình 120 nghìn đồng/ca/2 giờ. Lớp học này được quảng cáo trên các tờ rơi với các bài giảng hấp dẫn như mẹo hay xử lý bài toán trong 60 giây, xác định chìa khóa giải bài, luyện tâm lý và phán đoán đề thi… Theo lời của một nhân viên ghi danh tại trung tâm luyện thi đại học (ngõ 30/18 Tạ Quang Bửu, Hà Nội) do một người tên Xuyên đứng ra tổ chức thì khóa học này gồm 8 buổi, do các giảng viên chuyên chấm và ra đề thi tại các trường đại học giảng dạy, học xong chắc chắn sẽ đỗ đại học (?!).
Cô Hà đang mời chào phụ huynh đến Trung tâm luyện thi Trí Tuệ của mình
Các phương thức chiêu sinh chủ yếu của các trung tâm luyện thi đại học là quảng cáo tràn lan, cam kết đội ngũ giảng viên đại học sư phạm dày dặn kinh nghiệm, lớp chất lượng cao chỉ với 20 học sinh/lớp… Nhưng khi tìm hiểu sâu về các lớp học này thì hầu hết số lượng học viên mỗi lớp lên tới hàng trăm. Phòng học chật hẹp. Nhiều em phải ngồi ở ngoài hành lang nhìn vào, tai nghe bập bõm, câu được câu chăng.
Mức học phí năm nay dao động từ 1.800.000 – 5.000.000 đồng/khóa/45 ca. Các môn học khối C và D (trung bình khoảng 40 nghìn/ca/2 giờ) có mức giá nhỉnh hơn so với hai khối còn lại (35 nghìn đồng/ca/2 giờ). Cô Hà, chủ Trung tâm luyện thi Trí Tuệ (ngõ 30/16 Tạ Quang Bửu, Hà Nội), cho hay: “Năm nay số lượng học viên ít, các thầy đòi giá cao nên mức học phí phải tăng. Hơn nữa, địa điểm thuê học năm nay cũng đắt hơn. Năm ngoái, trung tâm thuê được lớp ở khu kí túc xá B10 của trường Đại học Bách khoa, nhưng do kết thúc khóa học số tiền hoa hồng không thỏa thuận được nên đành phải chuyển địa điểm”.
Thực hư chất lượng lớp cấp tốc
Do là lớp ôn luyện nhanh trong thời gian ngắn nên chất lượng giảng dạy tại nhiều trung tâm cũng mang tính chụp giật theo kiểu “cấp tốc”. Nhiều học sinh phản ánh, có những lớp học giáo viên còn chưa nắm vững được các kiến thức cơ bản, dẫn đến dạy sai. Em Dương Thị Thiệp (19 tuổi, Lạng Sơn) đăng ký luyện thi tại một lò luyện tư nhân (ở ngách 322/2 Nhân Mỹ, Mỹ Đình, Hà Nội) do một người thầy tên Thủy, chừng 30 tuổi, đang giảng dạy tại trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội đứng ra mở lớp, cho biết mức giá học phí cả 3 môn học khối B/45 ca là 5 triệu đồng. Với những em ở xa sẽ được sắp xếp nhà trọ cho ở luôn. Phòng rộng chừng 14m2. Mỗi phòng có 5 học sinh được ghép ở chung (tính ra thì căn phòng nhỏ hẹp ấy được thuê với mức giá 5 triệu đồng, chênh lệch với mức giá ngoài thị trường gấp 5 lần).
Nhiều phụ huynh sau khi nghe lời tư vấn “ngọt như mía lùi” của các “nhân viên chăm sóc khách hàng” tại các trung tâm đã vội vàng nộp tiền học phí mua thẻ cả khóa học. Sau khi phát hiện chất lượng giảng dạy không tốt, nhiều người đã phải ngậm ngùi chấp nhận mất trắng số tiền học phí để tìm một địa chỉ tin cậy khác. Một phụ huynh chia sẻ: “Tôi nộp 12 triệu đồng tiền học phí cho hai đứa con gái ôn thi tại một trung tâm ở Mỹ Đình. Sau khi học được 2 buổi, các cháu thấy chán và muốn bỏ. Tôi tìm gặp chủ của trung tâm xin thôi học và đòi lại số tiền học phí, thì anh ta trả lời thẳng thừng, sẽ không hoàn lại số tiền học phí vì đã chi trả hết vào các khoản rồi”.
Đa phần các trung tâm luyện thi đại học cấp tốc này hoạt động tự phát, không có giấy phép hoạt động, do các cá nhân tự đứng ra tổ chức, thuê địa điểm và giáo viên về dạy. Để tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng, các trung tâm này chuyển sang hình thức tổ chức lớp học tại nhà riêng của dân. Các phụ huynh khi tìm lớp ôn thi cho con nếu không tinh ý sẽ khó có thể tìm ra được một địa chỉ tin cậy để các em ôn thi đạt hiệu quả.
Bác Lân, nguyên giảng viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội, người đứng tên thành lập Trung tâm luyện thi đại học Bách Khoa, một trong số ít các trung tâm có giấy phép hoạt động được thành lập từ năm 1998 đến nay, khuyên rằng: “Để chọn được một trung tâm luyện thi tốt, các em nên đóng tiền học thử một buổi cho cả 3 môn, chứ không nên mua thẻ học hết cả khóa ngay. Các em cũng có thể học chọn lọc thầy dạy giỏi như mỗi môn học một thầy ở một trung tâm chẳng hạn. Tuy nhiên, các lớp học đó phải gần nhau để tiện cho việc đi lại”.
Cô Nguyễn Thị Xiêm (giáo viên môn Toán, Trường THPT Đồng Quan, Hà Nội) cho rằng: “Ôn thi đại học là một quá trình học tập lâu dài, sự tích hợp kiến thức trong ba năm trung học phổ thông. Vì thế, một tháng ôn thi không thể đủ để bù đắp lỗ hổng kiến thức cho các em. Thay vì gò lưng trong các “lò” luyện, các em nên dành thời gian để tự ôn luyện, hệ thống lại các kiến thức đã học với tư duy logic, khoa học kết hợp với việc nghỉ ngơi, đảm bảo sức khỏe để bước vào kì thi một cách tự tin và thoải mái nhất”.
HƯỚNG DƯƠNG (CATP)
Bình luận (0)