Nhà trường và gia đình cần định hướng việc học tập đúng đắn cho học sinh. Ảnh: A.K
|
Mọi người đi học có nhiều lý do, đó là nhu cầu và quyền lợi. Tuy nhiên, nếu xác định mục tiêu học tập không đúng đắn thì việc học trở nên vất vả mà hiệu quả không cao.
Luyện “gà chọi”
Tôi có cô bạn làm bác sĩ công tác tại một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Con trai cô mới học tiểu học nhưng đã được ba mẹ đầu tư kỹ: Học Anh văn, vi tính, học nâng cao (theo kiểu bồi dưỡng học sinh giỏi) vào ngày cuối tuần và một số buổi tối. Mục tiêu lớn nhất của cô là có thể cho con đi du học khi vào cấp THPT hoặc ĐH ở các nước có nền giáo dục tiên tiến. Tuy chưa đến mức “kín” lịch, nhưng việc đưa đón con cô phải giao hẳn cho một người tin cậy để đảm bảo việc học của thằng bé. Gia đình cô có điều kiện kinh tế khá nên tiền bạc “không thành vấn đề”, chỉ sao con cái học tốt là được. Khi tôi có ý ái ngại về sức khỏe, áp lực cho đứa trẻ thì cô bảo, các bạn hoặc người quen trong giới bác sĩ của cô cũng đầu tư cho con như thế, cô không muốn con mình bị tụt hậu! Cô cho biết, đó là một hình thức luyện “gà chọi”, chứ không thì chỉ là “gà công nghiệp” thôi!
Từ câu chuyện của cô bạn, tôi chợt nghĩ, thế nào là “gà chọi”, thế nào là “gà công nghiệp”? Phải chăng “gà chọi” là “gà” để đi “thi đấu”, tức là học sinh có đủ vốn liếng kiến thức, bản lĩnh, tâm lý để dự thi vào các trường lớn? Nếu đúng thế thì đây là một góc nhìn khá hợp lý, nhất là trong điều kiện học để thi như hiện nay. Nhưng nếu chỉ như thế e rằng chưa đủ. Vì dù nền giáo dục nước ta còn nặng về thi cử nhưng suy cho cùng học là để biết, để áp dụng vào cuộc sống, tức là học có kiến thức để sống. Nếu học chỉ để thi mà không có kiến thức thực tiễn, không có vốn sống thì phải chăng cũng chỉ là một thứ “gà công nghiệp”? Thực tế cho thấy, có không ít học sinh cũng chăm chỉ học dù chưa đến mức thi đâu đậu đó nhưng đã “lơ ngơ” trước cuộc sống, không tự mình và không mạnh dạn làm được điều gì đáng kể, thì rõ ràng đây là một dạng “gà công nghiệp”. Như vậy, nếu cha mẹ không có phương pháp giáo dục hợp lý thì trẻ có thể chuyển từ dạng “gà công nghiệp” này sang dạng “gà công nghiệp” khác, dù thực tế trẻ có thể đã là “gà chọi”.
Mục tiêu rộng lớn của học tập
Tuyên ngôn giáo dục thế kỷ XXI của UNESCO đã xác định: Học để biết (Learning to know), Học để làm (Learning to do), Học để chung sống (Learning to live together) và Học để khẳng định mình (để tồn tại, Learning to be). Đó là một mục tiêu chính đáng và rộng lớn, không chỉ cho người lớn khi đi học mà còn cần phải truyền thụ, thậm chí truyền cảm hứng cho trẻ khi bước chân đến trường.
Tiếc rằng hình như trong xã hội ta hiện nay, ít người học với các mục tiêu đó. Bản thân đi học thường chú trọng bằng cấp, để “hợp chuẩn”, để đề bạt, để lên lương… chứ mấy ai cho rằng học với những mục tiêu “ít thiết thực” như thế.
Vì vậy, chắc cũng chẳng mấy ai định hướng học tập cho con theo lối đó cả. Bản thân tôi, dù nhận thức được vấn đề này nhưng xung quanh mọi người đều nghĩ, đều làm khác mình thì tôi cũng không can đảm làm khác, tức là cũng cố động viên con học để thi tốt, để lấy các danh hiệu, còn vận dụng được điều nào vào thực tế thì vận dụng. Dù rằng tôi cũng cố tránh để con trở thành một thứ “gà công nghiệp” ngơ ngác trước cuộc sống khi không có ba mẹ ở bên cạnh!
Không chỉ vậy, tôi cho rằng luyện “gà chọi” như cách của bạn tôi còn có thêm mục tiêu cho “không thua chị kém em” thì cũng là một động lực để thúc đẩy bản thân và xã hội phát triển. Nhưng nếu quá nặng nề mục tiêu đó thì có thể trẻ sẽ vất vả lắm! Nếu luyện thành “gà chọi” thực sự thì khi không “chọi”, “gà” sẽ có thể làm gì? Và, xã hội có quá nhiều người học vì những mục tiêu kiểu đó và định hướng cho con cái học kiểu đó, không hiểu đất nước sẽ phát triển theo hướng nào?
Học để hạnh phúc
Vừa qua, TP.HCM đã phát động “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” năm 2014 với chủ đề “Học để làm cho mình và cộng đồng hạnh phúc”. Đây là hoạt động nhằm giúp các cấp lãnh đạo, các tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa của nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập. Đồng thời tăng cường cơ hội học tập suốt đời trong các tầng lớp nhân dân, tạo cơ hội cho người dân ở mọi lứa tuổi tham gia học tập; đặc biệt là những chương trình bồi dưỡng ngắn hạn giúp cập nhật kiến thức, kỹ năng, nâng cao trình độ hiểu biết về các lĩnh vực trong đời sống xã hội, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập từ cơ sở, góp phần xây dựng TP.HCM trở thành “thành phố học tập”…
Xét riêng chủ đề “học để hạnh phúc”, thực sự đây là một mục tiêu rất có ý nghĩa, có tính nhân văn sâu sắc. Học để thi cử, để lấy bằng cấp, để cạnh tranh nhau… xét cho cùng sẽ không có ý nghĩa mấy nếu không đem đến hạnh phúc. Vì vậy, học theo kiểu “hành xác”, đầy áp lực, phải “chạy đua” thì việc học trở thành một gánh nặng, một trở lực chứ không phải là động lực tìm kiếm hạnh phúc. Mỗi người – dù là người lớn hay trẻ em – mỗi khi đến lớp không chỉ tiếp thu được những kiến thức bổ ích mà còn gợi mở những cách nghĩ, cách sống, cách làm tích cực, có ích cho bản thân và cho người khác, thì đó thực sự là một hạnh phúc.
Trúc Giang
Mỗi người cần xây dựng mục tiêu cụ thể, trước mắt là thực học để thực hành, sau đó thực nghiệp, nhưng phải gắn với một mục tiêu lâu dài và bền vững là đạt đến hạnh phúc. Học mà không cảm thấy hạnh phúc thì việc học chưa thực sự đạt kết quả! |
Bình luận (0)