Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Tác giả ý tưởng Con đường Gốm sứ: Tôi tự tin về chất lượng

Tạp Chí Giáo Dục

Không giấu cảm giác sốc trước những lời chỉ trích gần đây, nhưng tác giả ý tưởng – nhà báo Nguyễn Thu Thủy – cho biết, chị tin vào chất lượng nghệ thuật của công trình và cảm thấy yên tâm nhờ sự khích lệ của đông đảo người dân.

– Sau khi thực hiện được gần 30% khối lượng công trình, chị nghĩ sao trước những ý kiến lo ngại, Con đường Gốm sứ có nguy cơ thành "rác văn hóa" vì tính thương mại lấn át giá trị nghệ thuật?

– Thực ra những chỉ trích tập trung nhiều vào chuyện logo. Chúng tôi tiếp thu những góp ý đó và đang chỉnh sửa lại logo cho phù hợp với tổng thể, không phá vỡ bố cục bức tranh… Còn về chất lượng nghệ thuật của con đường, chúng tôi hoàn toàn cảm thấy yên tâm và tự tin.

Theo tôi, trong nghệ thuật khen chê là chuyện bình thường. Nhất là với một bức tranh dài như vậy, có người thích chỗ này, không thích chỗ kia. Bản thân chúng tôi cũng cảm thấy hài lòng với đoạn này, chưa hài lòng với đoạn kia. Nhưng nếu 10 người dân khen đẹp, có 2 nghệ sĩ chê xấu thì không có nghĩa là bức tranh đó phải xấu. Chúng tôi rất tự hào khi dự án thu hút được sự ủng hộ của các quỹ văn hóa nghệ thuật nước ngoài có uy tín và các đại sứ quán tại Hà Nội. Rồi các nghệ sĩ nước ngoài đến từ Đan Mạch, Mỹ, Italy, Anh, Pháp, Tây Ban Nha tham gia dự án đều là các nghệ sĩ có uy tín và tên tuổi ở nước họ.

Thiết nghĩ, sự tham gia tích cực của các nghệ sĩ quốc tế trong Con đường Gốm sứ đủ để chứng tỏ sức hấp dẫn và ý nghĩa của dự án. Chúng tôi cũng tự hào tiết lộ rằng Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội cũng nhận lời mời sang hợp tác làm tranh ghép gốm ở Chicago (Mỹ) và Rawson (Argentina). Nếu công việc của chúng tôi làm là thiếu tính nghệ thuật thì làm sao có thể thu hút nhiều nhà tài trợ và các nghệ sĩ VN, quốc tế tham gia đến như vậy?

Một đoạn đường gốm sứ đã hoàn thành.

– Việc gắn logo tài trợ đã khiến cho người dân quen với cách gọi các đoạn tranh theo tên doanh nghiệp như: đoạn Hanel, đoạn Sunco… Chị nghĩ sao với tư cách là tác giả ý tưởng?

– Theo tôi, các bạn nên có một cái nhìn cởi mở và rộng lượng hơn. Các doanh nghiệp VN tài trợ cho Con đường Gốm sứ là việc làm đáng được trân trọng và tôn vinh chứ. Vì ngoài việc tạo nên dấu ấn văn hóa nghệ thuật vào thời điểm Hà Nội tròn nghìn năm tuổi, cũng rất cần có một dấu ấn về đời sống kinh tế xã hội của thủ đô vào thời điểm đó.

Không nên quá khắt khe với cách đặt tên của dân gian khi thay vì gọi tên tranh là Mùa xuân phố cổ, họ lại gọi là đoạn Thạch Bàn. Vì đây là một tác phẩm nghệ thuật thị giác, tên gọi chỉ là mã hóa cho dễ nhớ những hình ảnh thị giác. Họ gọi tên như vậy, nhưng trong tâm trí hiện ra những mái ngói phố cổ với những cành đào mùa xuân hồng thắm. Như vậy, không thể đánh đồng với việc gọi tên và nhận thức, ghi nhớ là một. Bản thân mỗi logo cũng là sản phẩm của nghệ thuật đồ họa.

– Ngoài những chỉ trích về tính thương mại, nhiều người còn cho rằng, chủ đề các bức tranh thiếu đồng bộ, nội dung bị xé lẻ thành từng đoạn nhỏ, phụ thuộc vào lượng tiền của từng nhà tài trợ. Chị giải thích sao về điều này?

– Hoàn toàn không có chuyện xé lẻ. Tiêu chí hàng đầu của chúng tôi đặt ra là tuân theo vẻ đẹp chung của tổng thể. Chúng tôi đã có quy hoạch tổng thể cho suốt chiều dài con đường. Hơn nữa, trên Con đường Gốm sứ có hơn 1.000 m hoa văn lịch sử và hoa văn trên thổ cẩm và trang trí kiến trúc của 54 dân tộc VN sẽ hoàn toàn không có logo nhà tài trợ, chỉ có phần tranh đương đại sẽ gắn logo với kích thước nhỏ. Tỷ lệ của logo chỉ chiếm 0,0025% của toàn thể bức tranh và đứng ngoài mép tranh.

Nếu các bạn đến thăm các công trình nghệ thuật công cộng trên thế giới, bạn sẽ thấy chuyện đó là hết sức bình thường. Đó là xu thế chung của thế giới để phát triển nghệ thuật công cộng, nhằm phá bỏ vẻ khô cứng và tối tăm của những khối bê tông trong thành phố.

Nhà báo Nguyễn Thu Thủy tham gia vào công việc ghép gốm.

– Nhà sử học Lê Văn Lan – người từng rất ủng hộ ý tưởng của chị – lại cho rằng, hiện trạng bây giờ của Con đường Gốm sứ thực ra đã khác xa so với ý định ban đầu và khả năng kiểm soát của chị. Chị nghĩ sao?

– Chuyện nhà sử học Lê Văn Lan yêu cầu thể hiện các sự kiện lịch sử trên Con đường Gốm sứ tôi xin khẳng định là không thể thực hiện được. Hạn chế của bức tường trên đường đê này là không cao và chia thành 2 bậc nên rất khó thể hiện được tranh lịch sử có nhân vật. Hơn nữa, khi họp Hội đồng nghệ thuật để bắt đầu triển khai dự án, tất cả thành viên trong hội đồng đều nhất trí không nên tái hiện các trận đánh lịch sử với các nhân vật phức tạp vì nghệ thuật công cộng không phải là bức tranh ở trong bảo tàng để mọi người có thể đứng lâu, ngắm kỹ. Ở không gian công cộng như thế này không nên gây mất tập trung giao thông bằng những bức tranh quá phức tạp, quá cầu kỳ mà chỉ nên làm tranh trang trí nhẹ nhàng.

Cho đến nay, dự án vẫn đi đúng định hướng đã vạch ra từ đầu và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cách đây hơn 2 năm, đi trên con đê này là một dải xi măng màu đen, nhiều chỗ bị bôi bẩn, vẽ bậy trông rất mất mỹ quan… Khi đoạn tranh gốm đầu tiên được thực hiện trên đường Yên Phụ, tôi nhận thấy ý thức giữ gìn vệ sinh của người dân tốt lên nhiều. Họ thấy vui và tự hào vì có bức tranh ở gần nhà. Có nhiều đôi uyên ương đã ra đây chụp ảnh cưới.

Các nghệ sĩ chỉnh sửa lại các mảng gốm trước khi đưa ra ghép lên đê.

– Ban điều hành có tính đến việc bỏ ra một khoản kinh phí cho việc bảo dưỡng, sửa chữa con đường sau khi đưa vào sử dụng?

– Có chứ. Chúng tôi phải dự trù một khoản kinh phí để duy tu, bảo dưỡng bức tranh trong vòng 5 năm sau khi hoàn thành. Với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm và không gian giao thông tấp nập trên cung đường Yên Phụ, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, chúng tôi có tính đến việc phải duy tu, bảo dưỡng và làm vệ sinh thường xuyên. Chất liệu gốm có một ưu điểm tuyệt vời là sau mỗi trận mưa lại sạch bóng như mới. Gốm dùng để làm con đường này được nung ở nhiệt độ trên 1.200 độ C sẽ bền vững với thời gian, màu men không bị phai mờ, không bị rêu mốc và đặc biệt màu sắc luôn tươi tắn. Keo gắn kết ở đây được sản xuất theo công nghệ hiện đại của Đức, thường được dùng gắn những tấm đá lớn tại những công trình 20-30 tầng…

Ý kiến của một số nhà chuyên môn:

* Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc – thành viên Hội đồng Nghệ thuật dự án Con đường Gốm sứ:

– Con đường Gốm sứ là một công trình nghệ thuật. Nhưng do phải kêu gọi nguồn đầu tư xã hội hóa nên việc gắn logo cho các nhà tài trợ cũng là điều hợp lý thôi. Tuy nhiên, có một số logo to quá, nên thu nhỏ lại. Con đường Gốm sứ bị chỉ trích vì phần nào đó, sự quảng cáo hơi lộ liễu.

Còn về chủ đề, nội dung, thực ra, Con đường Gốm sứ không phải là một thứ biên niên sử, nên nó không nhất thiết và cũng không thể giới thiệu hết về lịch sử Hà Nội. Hơn nữa, một bức tranh dài chỉ giới thiệu về lịch sử cũng sẽ gây nhàm chán. Dự án giới thiệu các bức tranh với nhiều hình ảnh khác nhau, của người lớn, của trẻ em, của truyền thống, của hiện đại… cũng tạo sự đa dạng cho người xem chứ.

* Họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam:

Theo tôi, dự án này có những mặt được như sau:

– Thứ nhất, nó tôn thêm vẻ đẹp của Hà Nội, thu hút được sự quan tâm của các nghệ sĩ quốc tế.

– Đây là công trình hướng thiện, giáo dục cho người dân ý thức bảo vệ môi trường sống xanh – sạch – đẹp.

– Công trình này thể hiện sự cố gắng rất lớn của tác giả ý tưởng và các cá nhân đã bỏ kinh phí tài trợ.

Tuy nhiên, nội dung, chủ đề các bức tranh trên Con đường Gốm sứ chưa rõ ràng. Cần có sự thuyết minh rõ hơn. Việc đặt các logo cũng lộn xộn. Nhưng chúng ta nên thông cảm, vì đây là công trình chưa có tiền lệ, nên Nhà nước chưa có quy định cụ thể về hình thức quảng cáo, kich cỡ dành cho quảng cáo. Vậy thì bây giờ, các tổ chức và Nhà nước phải vừa làm, vừa đặt ra các quy định chế tài thôi.

* Một thành viên Hội đồng Nghệ thuật – đại diện Hội Mỹ thuật Việt Nam (giấu tên):

– Tôi thấy, báo chí đã nêu ra một số hạn chế có thật của Con đường Gốm sứ. Thứ nhất là các logo doanh nghiệp được gắn quá to. Cần phải có quy định lại về kích cỡ, chiều dài, chiều rộng của logo để vừa tạo sự thống nhất, vừa không ảnh hưởng đến tổng thể các bức tranh.

Thứ hai, Con đường Gốm sứ có nhiều đoạn đẹp nhưng cũng có những đoạn lộn xộn, nên sửa lại. Là thành viên Hội đồng Nghệ thuật, tôi đã góp ý cho chị Nguyễn Thu Thủy rằng, cái gì báo chí góp ý đúng thì nên sửa chữa. Còn về nghệ thuật, tôi không bàn đến, vì nghệ thuật là vô cùng.

Theo VNE

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)