Những tấm biển “Cổng trường em sạch đẹp, an toàn” luôn được treo trang trọng trước các cổng trường. Tuy nhiên, một số cổng trường tại TPHCM vẫn bát nháo, lộn xộn cảnh bán buôn.
Trường THCS Lê Anh Xuân số 383/192 Minh Phụng, quận 11 là một trong số trường nằm sâu trong hẻm, lọt thỏm trong chợ Bình Thới. Trường chỉ có một cổng, có 3 con hẻm dẫn tới trường nhưng cả 3 đều là hẻm chợ. Trước cổng trường, tiểu thương bày bán đủ thứ từ hàng tạp hóa đến rau củ, thịt, cá, tôm… Rác, nước thải tích tụ bốc mùi khiến cổng trường là nơi ô nhiễm, nhếch nhác nhất chợ Bình Thới (ảnh).
Hẻm thì nhỏ, bị lấn chiếm bán buôn nên xe máy không thể vào được, phụ huynh đưa rước con chỉ đứng ngoài đường còn học sinh phải len lỏi qua các hàng quán để ra vào trường. Ngôi trường có hơn 30 năm tuổi, cũng là ngần ấy thời gian các thế hệ học sinh phải “vượt chợ” tới trường.
Hẻm thì nhỏ, bị lấn chiếm bán buôn nên xe máy không thể vào được, phụ huynh đưa rước con chỉ đứng ngoài đường còn học sinh phải len lỏi qua các hàng quán để ra vào trường. Ngôi trường có hơn 30 năm tuổi, cũng là ngần ấy thời gian các thế hệ học sinh phải “vượt chợ” tới trường.
Cách đó không xa là Trường Tiểu học Trương Bá Ngọc, cũng nằm sâu trong chợ. Đường tới trường là con hẻm ngoằn ngoèo, rộng chỉ chừng 2m lại được tận dụng để mở quán ăn sáng, chỗ giữ xe đi chợ nên việc đi lại của học sinh và phụ huynh cũng gặp khó khăn.
Tương tự, Trường Tiểu học Hòa Bình (cơ sở 2) trên đường Tôn Thất Đạm, quận 1 cũng chỉ có một cổng nằm ở nơi họp chợ đông đúc. Hay Trường THCS Cửu Long, 102 Ngô Tất Tố (Võ Duy Ninh), phường 22, quận Bình Thạnh cũng không kém phần bi kịch. Bị chợ chiều bưng bít cả đường vào, sát bờ bao trường học là hàng cá nên nước thải đọng thành vũng, tạo cơ hội cho ruồi muỗi sinh sôi…
Trường hợp của Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện cũng rất bát nháo. Nằm kề bên chợ Bà Chiểu, cơ sở 1 của trường là số 26 Vũ Tùng, gần đó là cơ sở 2 trên đường Trịnh Hoài Đức, phường 1, quận Bình Thạnh đều lọt vào con đường “ăn theo” của chợ. Cũng là chợ thực phẩm nên mùi cá thịt cũng theo em “đi học”. Mỗi sáng, bảo vệ phải ra dẹp đường để học sinh vào trường sau đó tiểu thương lại ào ra dọn hàng buôn bán. Cách cổng cơ sở 2 chừng 5m – bên hông lăng Lê Văn Duyệt là nơi tập kết rác thải của cả chợ.
Sự ồn ào, mùi thịt cá, rác thải, ngôn ngữ chợ búa… không phải là môi trường thích hợp cho việc dạy và học. Đáng lo hơn, lối thoát nào cho các em trong trường hợp hỏa hoạn hay cấp cứu với con đường dẫn vào trường hẹp, lộn xộn như thế này?
Theo Thu Thu Hường – Thanh Hải
(sggp)
Bình luận (0)