Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đời xanh sau những trang sách!

Tạp Chí Giáo Dục

Có những cuốn sách đã tạo được dấu ấn, làm thay đổi cách sống của nhiều bạn trẻ. (Ảnh sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đang lựa chọn sách)

Nhịp sống hiện đại cứ tất bật trôi đi, cho đến một ngày, bỗng những người trẻ biết ngập ngừng, phân vân trước một cuốn sách. Và có khi với nhiều tâm hồn, khung trời mới đã mở ra từ những trang sách, để rồi sau đó, cuộc sống là muôn màu!
Cuộc thi “Bạn trẻ và sách” do Nhà Văn hóa Sinh viên TP.HCM tổ chức mới đây thực chất là nơi để hàng trăm sinh viên đặt bút trải lòng.
Từ trang sách đến giảng đường
Họ không hẳn là những người mê sách và những cuốn sách “để đời” đối với họ cũng không hẳn là kiệt tác nhưng sự thật đã có biết bao thay đổi nhờ những con chữ ấy. “Nếu bạn đọc hết quyển sách và toàn tâm toàn ý làm những bài tập trong đó, cuộc sống của bạn có thể sẽ thay đổi một cách tích cực”- đây là điều tâm đắc mà sinh viên Phan Hoàng Kiều Oanh (Trường ĐH Kinh tế – Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM) muốn nhắc đến khi đọc cuốn Làm chủ tư duy, thay đổi vận mệnh của hai tác giả Adam Khoo và Stuart Tan, bởi với em, sách như kim chỉ nam luôn đồng hành không chỉ trong những lúc em từng thấy “chơi vơi” giữa cuộc sống mà còn với cả chặng đường dài sau này. Còn nhớ, thời điểm cầm cuốn sách trên tay cũng là lúc Oanh gặp phải muôn vàn khó khăn của một tân sinh viên nghèo mới lần đầu xa nhà vào TP.HCM trọ học. Nhiều lo lắng về tiền bạc, chỗ ăn ở và cả áp lực phải học một ngành không yêu thích khiến em cảm thấy mệt mỏi, thậm chí mất phương hướng. Thế rồi, cuốn sách – món quà tặng từ một người bạn mà sau này cũng chính là món quà tặng quý giá của cuộc đời đã như một phép mầu mở những nút thắt quá chặt trong lòng cô trò nhỏ. “Thực sự lúc đó tôi không hoàn toàn tin cuốn sách sẽ như sợi dây giúp tôi từng bước leo khỏi vực thẳm bởi cũng đâu có chắc rằng, mình có thực hiện được những điều “cao siêu” trong đó không? Tuy nhiên cuốn sách đã là kim chỉ nam cho những người đọc nó. Câu mở đầu của tác giả “Không có bất kỳ quyển sách, khóa đào tạo hay diễn giả nào có thể hô biến bạn thành người thành công trừ khi chính bản thân bạn nỗ lực hành động có phương pháp” đã giúp tôi thay đổi suy nghĩ. Tôi không còn ngồi than thở hay đổ lỗi nữa”- Kiều Oanh tâm tình. Và điều quan trọng là cuốn sách đã tạo niềm tin trong Oanh, giúp em định vị lại được những mục tiêu quan trọng của cuộc sống, từ đó quyết tâm “làm lại cuộc đời” bằng việc chọn thi và theo đuổi một ngành học khác mà em thực sự ham thích.
Cũng như Oanh, sinh viên Cao Minh Hiệp (Trường ĐH Mở TP.HCM) cũng từng gối đầu mình bằng một cuốn sách của tác giả Adam Khoo Tôi tài giỏi, bạn cũng thế trong suốt những năm tháng em thi… trượt đại học. Theo Hiệp, vào thời điểm “nhạy cảm” đó, cuốn sách thực sự có ý nghĩa đối với em vì đã giúp em nhận ra một sự thật. “Sự thật là tôi có thể đậu đại học và xứng đáng đạt được nhiều thành công hơn nữa. Tôi trượt vì bản thân chưa đủ kiên định, chưa nỗ lực hết sức chứ không phải vì kém thông minh. Chính quyển sách đã dạy tôi thêm một điều đắt giá, nếu dừng lại, tôi sẽ không vượt qua được giới hạn do chính tôi đặt ra. Nhưng nếu tôi mỉm cười đứng dậy nghĩa là tôi đã tiến thêm một bước đến thành công” – Hiệp bày tỏ. Giờ đây, việc trở thành sinh viên có lẽ đã là một minh chứng thiết thực và gần gũi nhất cho quyết tâm của chàng sinh viên trẻ.
Mỗi cuốn sách, một “la bàn sống”
Với không ít bạn trẻ, lối đi đã mở ra dưới chân họ sau khi khép lại những trang sách. Họ ví sách như chính chiếc la bàn định hướng, như viên gạch nền và như cả… thuốc tăng lực tiếp thêm năng lượng. “Tôi thường cảm thấy chán nản khi mọi nỗ lực trở về con số không. Có lúc tôi muốn gục ngã giữa đường đời, muốn quên cả tình yêu thương của mẹ dành cho mình” – Huỳnh Thị Cẩm Giang (sinh viên Trường CĐ Phát thanh truyền hình II) lặng kể. Em càng trở nên khép kín và muộn phiền nhiều hơn vào khoảng thời gian ba mẹ ly hôn. Cho đến một dịp tình cờ, khi bắt gặp Hạt giống tâm hồn, sách đã gieo trong em những mầm suy nghĩ mới. Em chợt nhận ra rằng rất lâu rồi mình chỉ quen hờn trách mẹ đã thiếu quan tâm đến cuộc sống xa nhà của con mà không hề bận tâm đến nỗi nhọc nhằn hằn sâu trong mắt người. Rồi cũng không lâu sau đó, bạn bè đã được nhìn thấy một Cẩm Giang khác, gần gũi, lạc quan và yêu thương nhiều hơn. Giang thú nhận: “Từ sách, tôi hiểu rằng ai cũng có những lúc khó khăn. Khi sống chân thành, tôi sẽ không lẻ loi. Sách dạy tôi biết mở rộng con tim, rộng lượng và tha thứ”.
Sách cũng dạy cho sinh viên Nguyễn Nữ Đô Thành (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) biết quý trọng từng phút giây trôi qua, nhất là khi người ta còn trí nhớ để lưu giữ vẹn nguyên những vui buồn, hạnh phúc, tiếng cười rạng ngời của những người thân hay muôn vạn sắc màu của cuộc sống. “Cuốn sách” mà em vô tình bắt gặp chất chứa hình ảnh chân thực và sống động từ chính cuộc đời của một cụ già gặp phải chứng suy giảm trí nhớ. Lịch sử mà bà nhớ được chỉ kéo dài vỏn vẹn 5 phút và khoảng thời gian ngắn ngủi đó bà dành trọn để nhớ về những đứa con. “Tôi thấy mình vẫn may mắn vì còn trí nhớ – nơi chứa đựng những kỷ niệm, những hình ảnh vô giá về người thân, bè bạn và cả ước mơ, hoài bão bấy lâu ấp ủ” – sinh viên Thành cảm động. Sống lạc quan, tích cực, có ích chính là điều mà Thành lẫn nhiều bạn trẻ tâm niệm và đó cũng là điều lớn lao mà họ thấy mình nhận được từ phía sau những trang sách. Có lẽ, còn rất nhiều cuốn sách nữa cũng đã trở thành điểm tựa vững chắc, là kim chỉ nam cho bao tâm hồn giữa những ngược xuôi, bộn bề của cuộc đời…
Bài, ảnh: Mê Tâm
 
Và giữa những ngược xuôi, bộn bề này, giả dụ trong một tối đi về với cõi lòng mệt nhoài, sao bạn trẻ không thử với tay lật tìm một cuốn sách… Biết đâu sau đó, bầu trời xám xịt dưới đôi mắt họ sẽ trở nên xanh!

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)