1. Không cần vở, thời đại số rồi mà
Nhân nào "gia đình có điều kiện" hay được truyền nghề từ các anh chị sinh viên hay có cái tư tưởng như thế đấy. Tuy nhiên, đại đa số các trường học của chúng mình phương pháp này không được áp dụng rộng rãi, chỉ xuất hiện ở các lớp học thêm thôi.
Bạn H.Anh tâm sự: "Từ hồi có máy tính, tớ gõ máy tính còn nhanh hơn ghi bài. Vậy mà các thầy cô không cho mang laptop đến nhỉ? Không giảng hết thì "bắn" sang cho học sinh. Hay cho hết vào USB đem về nghiên cứu, có phải nhanh không?".
Bạn T. Hiền (10A THPT LS) kể: "Môn văn ghi chép rất nhiều, dù có đổi mới phương pháp đến bao nhiêu thì cuối cùng cũng quay trở về đọc-chép, để có đủ ý viết trong bài thi. Nhưng mình ghi chậm lắm, nên đầu giờ lại mang máy ghi âm để lên bàn cô, cuối giờ lấy về, lúc nào muốn nghe lại cũng được, hihi".
• Ưu:
– Giải phóng sức lao động cho dân tình, tiết kiệm thời gian, lại có vẻ rất chi là "sành điệu".
– Phù hợp với các môn ghi chép nhiều.
• Nhược:
– Chưa được áp dụng trong trường phổ thông, không nhiều thầy cô chấp nhận việc bạn mang laptop đến và đặt chình ình giữa bàn đâu.
– Suốt ngày dán mắt vào màn hình máy tính không có lợi cho sức khỏe của bạn. Nhất là khi bàn học ở trường được thiết kế để bạn ghi chép bài vở chứ không phải để gõ máy tính.
– Sẽ là "thảm họa" nếu thầy cô chấm vở khi kiểm tra bài cũ, hoặc chấm vở thay điểm miệng.
– Khó để áp dụng cho các môn cần công thức toán lý hóa. Vì bạn sẽ phải dùng các ký hiệu ấy một cách thường xuyên và gõ liên tục.
|
Ảnh minh họa: Google. |
2. Mind map – Bản đồ tư duy
Học bằng việc vẽ bản đồ tư duy nổi như cồn, chắc là ai cũng biết nhỉ. Chỉ cần một tờ giấy và những cây bút đầy màu sắc, bạn có thể tóm tắt toàn bộ bài học một cách ngắn gọn-dễ nhớ-tổng quát. Phương pháp này được viết rất rõ trong cuốn "Tôi tài giỏi-Bạn cũng thế" của Adam Khoo, hay Cây ghi nhớ trong bộ phim Lord of Study.
Cách làm thì đơn giản. Từ một khái niệm cần học, bạn viết nó thật to giữa tờ giấy, rồi từ đó vẽ các nhánh nhỏ dần, ví dụ Nước có các nhánh to trạng thái, ứng dụng,… trong trạng thái lại có 3 đường bé hơn, thêm một vài bài tập tiêu biểu, thể hiện bằng các hình vẽ ngộ nghĩnh, màu sắc.
Ưu điểm của phương pháp này là dễ nhớ. Sáng tạo. Logic và tăng khả năng tư duy. Khả năng tóm tắt những thứ rườm rà, phù hợp với mọi môn học. Nhược điểm của nó, như bạn Đàm Linh (T4 THPT QX3) tâm sự: "Ngay từ khi biết về Mind map, mình đã hào hứng áp dụng ngay. Mọi việc rất tuyệt cho đến khi cô giáo thu vở để chấm vở. Tội nghiệp cho mình, một cuốn vở ngoằn nghèo những mũi tên và màu sắc, lạ so với thông thường nên mình không được điểm cao."
Trường học của chúng mình vẫn chưa thả lỏng về việc "sáng tạo" trong cuốn vở. Thế nên các bạn chỉ dùng mind map để khái quát sau mỗi bài học thôi nhé. Tóm gọn làm sao, để sau này không bị các thầy cô tóm là được. Hehe.
3. Hay là trung thành với phương pháp truyền thống nhỉ?
Để tớ kể cho mà nghe, lớp tớ có những bạn sẵn sàng ngồi tỉa tót cho vở của mình luôn đạt 10 điểm. Bọc bìa, thêm một lớp bóng cho cẩn thận, không quăn mép. Chữ trong vở thì đẹp long lanh. Nói chung, nhìn vào câu nét chữ nét nghiêng thì đoán hẳn các nhân này cũng chỉn chu ra phết.
Tuấn Anh (12S THPT LS) chia sẻ: "Mỗi lần mở quyển vở ra nhìn thích lắm, vở sạch chữ đẹp mới có cảm hứng đọc và học bài chứ! Khi về nhà tớ còn tìm kiếm thêm thông tin trên mạng để bổ sung vào vở nữa."
Những nhân vật của hiếm như thế không nhiều đâu, phần đông là các "quái nhân", đi học quên vở, hoặc thường xuyên bùng học, hoặc đi học "trá hình". Có bạn 11 môn viết chung một quyển vở, nhẹ nhàng hơn là mặt trước ghi hóa, lật mặt sau ghi lý (hix), cặp sách đi học nhẹ như đi chơi.
Với các bạn ấy, "vở" là một khái niệm khá xa xỉ. Nhìn như giấy nháp, toàn viết tắt đến mức chủ nhân không đọc nổi. Bạn Nam (12S trường THPT Chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa): "Vở á, hì hì, môn ấy có chấm vở đâu mà lo".
Quái hơn, môn có chấm vở cũng không cần ghi bài. Trang (12A) bật mí: "Rình lúc nào thầy chấm vở tớ mượn vở đứa bạn lớp bên vở sạch chữ đẹp. Nếu mà gấp quá thì xin nợ, hôm sau mượn bạn trong lớp. Có hôm lớp tớ nộp mấy quyển vở bìa trắng…thực ra cũng sợ thầy mắng."
Ưu điểm thấy rõ nếu bạn chăm viết vở theo cách truyền thống là được thầy cô đánh giá cao. Tạo cảm hứng học bài. Nhưng nhược thì cũng vô khối, này nhé: Hay bị bạn mượn vở về nhà, không cho thì bị nó thù. Có nhiều bạn tập trung trang trí vở quá, quên mất nhiệm vụ chính của nó, nên chữ thì đẹp mà nội dung sơ sài, thậm chí là sai lệch.
Đấy, cách gì cũng lợi có hại có, bạn phải cố tìm xem cách nào hợp với mình nhất thôi!
Theo Mỹ Duyên
(ione)
Bình luận (0)