Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nỗi khổ bị quấy rối của cảnh sát 113

Tạp Chí Giáo Dục

“Các chú đến cứu cháu với. Mấy thanh niên mà phát hiện sẽ chém cháu chết mất. Cháu đang ngồi nấp dưới một gốc cây to bên vệ đường, tối lắm, chẳng có ai qua lại…”, vào nửa đêm, một thanh niên giọng hốt hoảng gọi đến cảnh sát 113 Hà Nội.
Từ số máy 097698…, nam thanh niên này cho biết, sau khi tông xe vào một nạn nhân, anh đã phải bỏ trốn vì người này điện cho bạn bè đến "xử lý".
Thượng sỹ Nguyễn Văn Châu (Trung tâm giám sát tiếp nhận cuộc gọi cảnh sát 113 Hà Nội) hỏi địa chỉ để cử cảnh sát đến giải quyết, chủ số điện thoại trên chưa hết hoảng sợ trả lời: "Cháu chẳng biết đây thuộc địa phận nào đâu vì chỗ này tối lắm., chẳng thấy ai qua lại. Cháu đang nấp dưới một gốc cây to ven đường…".
Dù đã giải thích cặn kẽ và phải dập máy nhiều lần, nam thanh niên vẫn không ngừng bấm điện thoại gọi đến cánh sát 113 nhờ giúp đỡ.
Anh Châu cho biết, hàng ngày, trung tâm 113 nhận được khá nhiều cú điện thoại kiểu như vậy, người gọi không biết mình đang ở đâu. Các anh phải mất nhiều công để xác minh, nhưng cuối cùng lại phát hiện đây chỉ là tin "hoang báo" của một ai đó giàu trí tưởng tượng "dựng" lên để lừa cảnh sát.
Nửa đêm, dòng người trên phố Hàng Bài, Hà Nội vẫn qua lại tấp nập, trong căn phòng nhỏ chưa đầy 30 m2 ở sát đường của Trung tâm, tiếng điện thoại réo ầm ĩ liên hồi. Hai cảnh sát 113 luôn tay nhấc ống nghe trả lời. Các cuộc gọi có khi là báo vừa xảy ra vụ tai nạn, phát hiện đánh bạc, hay có khi là phàn nàn hàng xóm gây ồn ảnh hưởng đến giấc ngủ xung quanh…
"Ngày cuối tuần là bận nhất, đặc biệt lúc 20-24h. Nhiều hôm, hai cán bộ trực không có đủ thời gian để ghi các tin báo, vì vừa phải phân chia vừa phải xác tín xem có chính xác từ phía người cung cấp hay không", thượng sỹ Châu chia sẻ.
Thiếu úy Trương Tuấn Anh cùng các đồng nghiệp trong một ca trực đêm trung tuần tháng 10. Ảnh: Hoàng Anh.
Vừa thay bộ sắc phục để nhận ca xong, nhìn màn hình thiếu úy Trương Tuấn Anh (người từng bị tài xế taxi hất lên nóc capô suốt 5km ) thấy tín hiệu gọi đến từ số điện thoại ở quận Đống Đa. Đọc thấy quen, anh lắc đầu: "Người này mắc bệnh hoang tưởng".
Để chứng minh, nhân viên trực điện bật máy phát cho cho phóng viên nghe. Từ đầu dây bên kia, người phụ nữ khẩn khoản: “Cảnh sát 113 đến cứu con gái tôi với. Cháu nó đang bị địch gí súng vào cổ và chuẩn bị lôi ra khỏi nhà rồi. Nhớ đến ngay nhé, cháu nó nguy cấp lắm rồi”.
Tuấn Anh cho biết, những ngày đầu nhận được cuộc điện thoại như thế này, cảnh sát cũng giật mình. Tưởng người gọi có ý trêu chọc cảnh sát 113, các anh xác minh, đến địa phương để nhắc nhở. Nhưng về sau, mọi người mới vỡ lẽ, người phụ nữ gọi điện thoại bị mắc bệnh hoang tưởng. Cứ hễ các thành viên trong nhà đi vắng, bà ta lại "quấy" cảnh sát 113.
Về đêm, tần suất nhận các cuộc điện thoại giảm dần. Thi thoảng có những cuộc điện thoại gọi đến để thử máy, chửi bới hay gạ gẫm của gái "bán hoa" đang ế khách lại vang lên.
Trung tá Trần Ngọc Quyết với mái tóc điểm hoa dâu vui vẻ kể, có hôm trời mưa như trút nước, ở đầu dây bên kia một giọng nữ thẽ thọt vang lên. Cô ta rủ cảnh sát vào nhà nghỉ "vui vẻ miễn phí" vì đang "ế khách". Để thêm tin tưởng, cô còn tả hình dáng, mặc trang phục gì và đang đứng ở đâu đó… để dễ nhận biết.
Trung tá Quyết bảo, trực thông tin chục năm nay, các anh không chỉ tiếp nhận, giải quyết các cuộc điện thoại liên quan đến an ninh trật tự, mà có khi còn phải vào vai của chuyên gia tâm lý.
"Có cô gái sau khi tâm sự chuyện tình cảm với cảnh sát 113, nói muốn nhảy cầu tự tử vì bạn trai đi cặp bồ với người khác. Chúng tôi phải khéo léo khuyên giải, kéo dài thời gian để xác minh thông tin và cuối cùng đã báo được cho người nhà của cô này đến giải cứu", viên cảnh sát 51 tuổi nhớ lại.
Kể từ khi Hà Nội mở rộng, trung bình mỗi ngày có khoảng 2.000 cuộc gọi đến cảnh sát 113. Trong số này chỉ có 8% cuộc gọi là có thông tin vụ việc, còn lại là trêu đùa, hoang báo, chửi bới cũng như thử máy. Trung tá Nguyễn Nam Bang (đội trưởng) cho biết, có ngày, một số máy gọi đến 50-60 lần để "quấy rối".
10 năm qua, hàng trăm số điện thoại đã bị Trung tâm cho vào danh sách "đen", gửi thanh tra Bộ Thông tin và truyền thông. Tuy nhiên, đến nay số lượng người quấy rối cảnh sát 113 bị xử lý lại không nhiều. Theo ông Bang, nguyên nhân do cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý chưa được…"thoáng".
"Vài năm trước đó chỉ có số điện thoại bàn, điện thoại công cộng họ gọi đến quấy nhiễu còn dễ dàng quản lý thì nay lượng sim rác tăng đột biến cũng khiến… cảnh sát vất vả và chịu nhiều áp lực hơn", một cảnh sát 113 chia sẻ khi chuẩn bị rời khỏi phòng trực.
Các cuộc chửi bới, lăng mạ và quấy rối như "cơm bữa" với cảnh sát 113. Tuy nhiên mức xử phạt theo với mức như hiện nay chưa đủ răn đe (phạt 200.000 -500.000 đồng với các hành vi báo thông tin giả đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; gọi điện thoại đến các số máy khẩn cấp để trêu đùa, chửi bới, đe dọa, quấy nhiễu, thử máy điện thoại nhằm các mục đích khác).
Hà Anh (VnExpress)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)