Các cô giáo Trường mầm non Họa Mi 3, Q.5, TP.HCM đã sử dụng vật liệu tái chế làm vật dụng dạy học, quà tặng sinh nhật cho các bé.
Cô giáo Ngô Thị Ngọc Hạnh, lớp lá E, hướng dẫn các bé làm đồ chơi từ vật tái chế – Ảnh: K.Anh
Cô giáo còn hướng dẫn các bé làm đồ chơi từ vật tái chế, tặng những bạn nhỏ kém may mắn để các cháu có thêm bài học sẻ chia.
Món quà từ vật bỏ đi
Nắp hộp sữa, miếng xốp nhỏ, vỏ hộp thuốc tây, chiếc nút áo, chai nhựa… đều trở thành vật liệu được cô và trò các lớp đưa vào giờ học và chơi. Ở lớp lá E, cô giáo Ngô Thị Ngọc Hạnh – bí thư chi đoàn Trường mầm non Họa Mi 3 – đứng lớp, các bé đang học chủ đề về giao thông. Cô hướng dẫn các bé cắt dán lên những vỏ hộp thuốc tây, gắn thêm bốn chiếc nắp hộp sữa chua thành chiếc ôtô trông ngộ nghĩnh. Từ chiếc ôtô và mô hình giao thông, cô hướng dẫn các bé biết cách hiểu tín hiệu đèn giao thông…
“Dùng vật liệu tái chế làm đồ chơi và học cụ dạy học, các cô giáo đã tiết kiệm kinh phí cho trường. Không phải mua đồ chơi nhỏ, chúng tôi đầu tư cho những đồ chơi lớn hơn đặt dưới sân” – cô Lê Thị Lệ Vân, hiệu trưởng nhà trường, cho biết. Năm học này là năm đầu tiên chi đoàn của trường thực hiện công trình làm quà tặng sinh nhật các cháu từ vật liệu tái chế. Hơn 800 phần đồ chơi là búp bê, con thú, đồ cài tóc… đã được các cô gói thành từng món quà đầy ý nghĩa.
Sử dụng vật liệu tái chế còn mang về cho cô Hạnh giải nhất hội thi sử dụng vật liệu tái chế trong ngày hội tái chế cấp thành năm 2011. Từ những tấm phim chụp X-quang, đĩa CD, những mảnh vải từ quần, áo jean cũ… đã trở thành những chiếc túi xinh xắn.
Gieo mầm yêu thương
Những món đồ chơi từ vật tái chế được các cô dùng ngày nghỉ để làm đã trở thành những món hàng được bán trong lễ hội Xuân nhân ái, gây quỹ tặng quà xuân cho bệnh nhi ung thư. Nhà trường đã tổ chức cho các cháu đến chơi và tặng quà các bạn nhỏ đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu. Cô Vân cho biết: “Chúng tôi muốn dạy cho các bé bài học về lòng nhân ái, biết san sẻ với những bạn kém may mắn”.
Bài học yêu thiên nhiên cũng được các cô chuyển tải đến các bé thật cụ thể. Tại sân trường thiết kế thêm khu vườn cây của bé để các bé gieo trồng, chăm sóc. Những hạt mầm được các bé gieo vào các chai nhựa, hộp sữa đựng sẵn đất. Khi những hạt mầm cứng cáp được các bé đem trồng vào khu vườn. Những chai nhựa được đục nắp dùng làm bình tưới nước cho cây. Đến kỳ thu hoạch rau, cô giáo hướng dẫn bé hái rau đem đến khu nhà bếp để chế biến món ăn.
Những việc làm của các cô giáo nơi đây xuất phát từ tấm lòng yêu trẻ, cũng là những việc cụ thể mà các cô đăng ký thực hiện cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”. Cô Hạnh bộc bạch: “Tôi hiểu Bác đã dạy sự nghiệp trồng người là cao quý và rất quan trọng. Do vậy mình cũng phải dành trọn tình yêu thương để dạy dỗ các cháu nên người”.
KIM ANH (TTO)
Bình luận (0)