Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sau một mùa thi

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Mùa thi 2010 đã đi qua, với một thực tế khiến những ai nặng lòng với giáo dục sẽ khó lòng thanh thản. Bắt đầu cho những việc đau lòng này là em L.H.P. ở Đồng Nai tự tử vì rớt tốt nghiệp THPT. Và sau đợt 2 kỳ thi đại học là sự ra đi đột ngột của em Trịnh Công Sỹ – học sinh Trường chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi).
Các em chọn cách chạy trốn cuộc sống vì những nguyên nhân cụ thể khác nhau, nhưng đều giống nhau là do áp lực học tập và thi cử.
Nhìn từ góc độ gia đình, giáo dục hiện đang bị điều khiển bởi ước muốn của các bậc cha mẹ. Họ đặt vào con sự kỳ vọng bằng chính nỗ lực mà họ đã dành cho con. Đây chính là áp lực rất nặng mà mỗi học sinh luôn phải gánh theo đến lớp…
Biết ứng phó tích cực với cuộc sống
Khi đến trường, các em phải đón nhận những sản phẩm giáo dục hàn lâm, với số lượng bài tập và bài học đủ lớn để lấy đi niềm vui học tập của các em. Và đỉnh điểm căng thẳng của việc học là thi cử. Kết quả thi là năng lực, là nỗ lực của bản thân. Là trách nhiệm với cơm áo gạo tiền của cha mẹ. Là công lao dạy dỗ của thầy cô. Là lòng tự trọng của người học…
Vậy làm thế nào để giúp các em đối diện và giải quyết những khó khăn đó? Ở Mỹ có một quyển sách của nhiều tác giả mang tên Hệ thống cải thiện các kỹ năng xã hội – chương trình can thiệp vào các lớp học nhận định: học sinh cần phải học các kỹ năng xã hội bên cạnh những môn học hàn lâm. Theo đó, 10 kỹ năng hàng đầu mà học sinh cần phải nắm vững để ứng phó với cuộc sống một cách tích cực là:
1. Biết lắng nghe
2. Làm theo các bước
3. Tuân theo quy tắc
4. Vượt qua sự sao nhãng
5. Biết yêu cầu giúp đỡ
6. Chờ đợi đến lượt mình
7. Hòa đồng với mọi người
8. Bình tĩnh trước mọi việc
9. Chịu trách nhiệm về hành vi của mình
10. Làm việc tốt cho người khác.
Giáo dục là để giới trẻ có bản lĩnh đối đầu
Một quan điểm giáo dục thực tế khác mà chúng ta cần tham khảo là “thực hành một hệ thống giáo dục chuẩn bị cho giới trẻ có bản lĩnh đối đầu với những thử thách của cuộc sống, chứ không chỉ giúp trẻ có được việc làm hoặc thực hiện những đeo đuổi về mặt trí tuệ” từ quyển sách Giáo dục vì cuộc sống của tác giả J. Donald Walters.
Theo ông, “toàn bộ cuộc sống là giáo dục, một nền giáo dục không chỉ giới hạn trong những năm tháng đến trường”. Nhờ đó người học có “khả năng liên hệ một cách phù hợp với những thực tiễn khác ngoài thực tiễn của cá nhân mình”. Như thế, bạn trẻ có thể nhận ra sự trưởng thành của một con người không nằm đâu khác ngoài chính bản thân mình.
Tôi còn nhớ năm học 2008-2009, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi đoạt giải nhất môn bóng đá nữ khối THPT cấp thành phố. Và em C.T. lớp 12A10 nhận giải nữ cầu thủ xuất sắc nhất. Sau khi được ban lãnh đạo trường vinh danh dưới sân cờ, vào tiết văn tôi cũng không quên khen ngợi em một lần nữa.
Qua đó tôi tranh thủ làm “công tác tư tưởng” cho lớp rằng trong cuộc sống mỗi người có một điểm mạnh khác nhau, nếu bạn A học giỏi thì bạn B chơi thể thao tốt, còn bạn C lại nấu ăn ngon, bạn D hát hay… Và ai cũng có thể phát huy điểm mạnh của mình thành nghề nghiệp. Điều đó giúp chúng ta tự tin để tìm kiếm thành công, nhất định không chạy theo đám đông, phải trưởng thành từ chính bản thân mình.
Để làm tốt điều đó, theo J. Donald Walters, giới trẻ phải thể hiện qua bốn công cụ:
1. Năng lượng thể chất và sự tự kiềm chế bản thân
2. Sự bình ổn cảm xúc và tình cảm mở rộng
3. Sức mạnh năng động và sự kiên trì của ý chí
4. Trí tuệ sáng suốt và thực tế.
Và người giúp các em thực thi công cụ này một cách hiệu quả nhất là các bậc cha mẹ và những người làm giáo dục. Người lớn hãy giúp giới trẻ tạo dựng tâm hồn thay vì mang các em vào cuộc chạy đua thành tích.
Từ đó, các em sẽ hiểu rằng không có một cuộc sống bằng phẳng nhưng sẽ có cách làm cho cuộc sống thăng bằng. Rằng không phải tất cả những ai thành công trong xã hội đều học giỏi và đỗ đạt. Họ có thể là “những người làm thuê số 1” theo cách họ lựa chọn và khẳng định. Đó mới chính là chân giá trị mà người lớn cần định hướng và giới trẻ cần tìm kiếm.
Nếu được trang bị kỹ năng đầy đủ và thiết thực, các em sẽ biết bình tĩnh và yêu cầu được giúp đỡ khi gặp khó khăn. Tôi còn nhớ mùa tuyển sinh 2007, N.M.T. – học sinh lớp 12C1 do tôi chủ nhiệm – hoàn tất đợt thi khối C không như mong đợi. Em là học sinh giỏi môn địa lý cấp quốc gia năm học 2006-2007, thế nhưng bài thi của em so với đáp án chỉ khoảng 15 điểm. Qua điện thoại em khóc nức nở vì sợ rớt.
Tôi lắng nghe và an ủi, cũng không quên giúp em nuôi hi vọng rằng đề khó thì điểm sàn và điểm chuẩn sẽ thấp hơn so với năm trước… Sau đó, cũng qua điện thoại, em cười cho biết: ”Em dư 1 điểm vào ĐH KHXH&NV”.
DƯƠNG THU TRANG
(giáo viên Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, TP.HCM)
Tuoi Tre

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)