Không dành quỹ đất xây sân tập thể dục, cắt xén giờ học, môn học nặng về lý thuyết,… nhiều cơ sở giáo dục đang coi nhẹ môn học giáo dục thể chất. Hệ lụy của tình trạng này là một lớp trẻ với vóc dáng… còi cọc.
Kỳ 1: Khi trường học thiếu sân chơi
Nhiều trường học thiếu sân tập thể dục nên thay vì được chạy, nhảy, vận động vào giờ ra chơi, các em học sinh ngồi lặng lẻ trò chuyện tại hành lang rồi lặng lẽ… vào lớp.
Nằm ngay mặt tiền đường Huỳnh Mẫn Đạt, Trường Tiểu học (TH) Huỳnh Mẫn Đạt (quận 5, TP HCM) là một trong những ngôi trường như vậy. Giờ ra chơi, học sinh tụm năm, tụm ba ở hành lang hay ngồi ở bậc cầu thang nói chuyện. Những trò chơi như đá cầu, nhảy dây… là quá “xa xỉ”.
Giải lao thì ra cầu thang tâm sự
Trường TH Huỳnh Mẫn Đạt vốn là hai ngôi nhà liền kề nhau, một bên là được sử dụng làm phòng ăn và phòng ngủ cho học sinh bán trú; một bên gồm 1 trệt là cầu thang và nơi để xe của giáo viên, công nhân viên nhà trường và 5 lầu phía trên với khoảng 20 phòng học, phòng nhỏ nhất là 20 m2, phòng lớn nhất gần 40 m2 là nơi học tập và sinh hoạt của học sinh. “Giờ ra chơi, nhìn các em đứng ở hành lang hoặc ngồi bệt xuống cầu thang nói chuyện, thấy tội nghiệp lắm nhưng thiếu quỹ đất nên chẳng biết làm sao”, ông Nguyễn Trung Hải, Hiệu trưởng Trường TH Huỳnh Mẫn Đạt, nói.
Tương tự, Trường TH Lý Thái Tổ (quận 8) cũng chật chội không kém. Ngôi trường này nằm ngay dưới chân cầu Chà Và, bị bao bọc kín mít bốn phía, tầng trệt không được sử dụng vì đây là chi nhánh của nhà Sách FAHASA. Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Ngọc Giàu, bộc bạch: “Trường vốn là rạp hát Phi Long từ những năm 60, qua mấy chục năm hoạt động, cơ sở vật chất xuống cấp. Để có chỗ cho học sinh vui chơi, nhà trường đã cải tạo sân thượng nhưng có lần gió tốc mái nên dễ gây nguy hiểm”.
Thiếu sân chơi, học sinh trường Tiểu học Bà Triệu (Hà Nội) sinh hoạt trên vỉa hè trước cổng trường. Ảnh: Kim Anh
|
Tập thể dục trong… hẻm
Tại Hà Nội, nhiều trường học cũng lâm vào tình trạng thiếu sân tập thể dục trầm trọng. Nhiều trường TH vẫn phải đi học nhờ, học thuê và không đảm bảo được tiêu chí học hai buổi một ngày. Đơn cử như Trường TH Nguyễn Bá Ngọc (Ba Đình) phải học nhờ trong đình làng Kim Mã Thượng có tổng diện tích gần 1000 m2. Trường chỉ có 10 phòng học cấp bốn, muốn sửa chữa cũng không được xây cao hơn mái đình. Do là nơi thờ cúng nên học sinh không được đi lại tự do chứ huống gì đến chuyện có được một sân chơi để vận động, tập thể dục, chơi thể thao.
Còn Trường TH Bà Triệu (Hai Bà Trưng) nằm trên phố Bùi Thị Xuân nhỏ đến mức học sinh tập trung khai giảng, chào cờ… đều diễn ra dưới lòng đường. Cùng chung “cảnh ngộ” là Trường THPT Lê Thánh Tông (Cổ Nhuế) khi xung quanh trường là cửa hàng dịch vụ, chợ…. Thiếu sân bãi nên cứ đến giờ thể dục, thầy trò lại dắt nhau vào con ngõ gần trường để học. Nói là học chứ người ra, người vào nhiều nên thường giáo viên cho học sinh chơi, đến kỳ thi chỉ việc chạy một quãng và cho điểm.
Thiếu sân chơi, nhiều trường chọn giải pháp liên kết với các Trung tâm TDTT trong địa bàn. Em Trần Minh Quang, học sinh trường THCS Quang Trung (quận Tân Bình, TP HCM), cho biết: “Sân trường quá nhỏ nên giờ học thể dục, tụi em phải di chuyển lên Trung tâm TDTT quận cách đó hơn 1 km để học, xe đạp phải gửi ở nhà dân xung quanh trung tâm”.
Bộ GD-ĐT vừa tiến hành khảo sát các trường đại học công lập trên cả nước. Kết quả hầu hết các trường không lập và thực hiện quy hoạch xây dựng theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị. Bình quân diện tích đất cho một sinh viên (SV) quá thấp, khoảng 35,7 m2, trong khi tiêu chuẩn là 55 – 85 m2 một SV; 40% trường có quỹ đất dành cho SV dưới 5 m2. Do thiếu quỹ đất nên hầu hết diện tích trường chỉ dành để xây phòng học, diện tích dành để tập thể dục thể thao hầu như không có.
|
Hướng dẫn chuẩn phát triển cho trẻ 5 tuổi
Từ 8/11-10/11, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội thảo tập huấn hướng dẫn sử dụng Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi cho GV mầm non các tỉnh phía Bắc. Bộ chuẩn gồm 28 chuẩn, 120 chỉ số trong bốn lĩnh vực phát triển nhận thức, ngôn ngữ và giao tiếp, tình cảm và quan hệ xã hội, phát triển thể chất. Một số điểm nhấn trong phát triển thể chất cho trẻ gồm: trẻ có thể bật xa tối thiểu 50 cm; nhảy xuống từ độ cao 40 cm; ném và bắt bóng bằng hai tay từ khoảng cách 4 m; trẻ có thể phối hợp các giác quan và giữ thăng bằng trên ghế thể dục. Ngoài ra, trẻ phải hiểu chữ viết có thể đọc và thay cho lời nói; biết dùng các ký hiệu hoặc hình vẽ để thể hiện cảm xúc, nhu cầu, ý nghĩ; nhận dạng được chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt. Dự kiến, Bộ chuẩn sẽ được tập huấn tại 15 tỉnh, thành phố trong cả nước và được áp dụng thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố ngay trong năm học này. Tuyết Nga
|
Kỳ 2: Nâng cao trí lực, bỏ quên thể lực
Bình luận (0)