Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Ra khỏi cổng trường, học sinh đi đâu?

Tạp Chí Giáo Dục

Bài 2: Thế giới của teen “quý tộc”

Cuối tuần dân teen lui tới tòa nhà “Đi-a” để thể hiện mình

Chiếc taxi đỗ xịch lại trước tòa nhà Diamond Plaza (Q.1), một nhóm trai gái tuổi teen ăn mặc như những nhân vật trong phim của Nhật, như những ngôi sao giải trí xứ Hàn lần lượt xuống xe rồi “tút” lại dung nhan trước khi bước vào “thế giới Pro”.
Đến “Đi-a” mới là… đẳng cấp
Một chiều cuối tuần, tầng 4 tòa nhà Diamond Plaza rộn ràng hẳn lên bởi đây là nơi hội tụ của một số học sinh tuổi teen. Đối với một bộ phận teen Sài Gòn, chưa đi “Đi-a” (dân teen gọi tắt từ Diamond Plaza) chưa phải là sành điệu. Với khẩu hiệu “không thử sao biết”, những teen chưa một lần để lại dấu ấn của mình ở “Đi-a” sang trọng thì chỉ là “dân lúa”. Sau bữa sinh nhật hoành tráng “6 sao” (đơn vị chỉ tiền triệu) bằng việc “bao lô” nhóm bạn đến “Đi-a” chơi, Thanh Yên – học sinh một trường quốc tế ở TP.HCM lên mặt hãnh diện nói: “Cho mấy đứa bạn lé mắt chơi”. Bữa tiệc đã ngốn của ba mẹ Yên không dưới 5 triệu đồng. Ba làm giám đốc công ty nuôi trồng, xuất khẩu thủy sản, mẹ làm ở sân bay nên “lắm tiền nhiều của” nhưng thiếu thời gian quan tâm chăm sóc con. Mỗi lần Yên “nũng nịu”, ba liền đáp ứng, phần vì chiều con và muốn cho con gái phải “bằng bạn, bằng bè” nên lúc nào trong túi bạn cũng rủng rỉnh… tiền. Một nữ sinh khác, tên Nga, học sinh một trung tâm GDTX đã hơn một lần bỏ học vì gia đình không cho đi chơi với bạn trong nhóm. Ba mẹ dỗ dành, năn nỉ mãi Nga mới chịu trở lại trường học. Nhưng trước khi đi học lại, Nga bắt ba mẹ phải “cam kết” với nhiều điều khoản do bạn đặt ra. Ba mẹ vì không muốn con gái lêu lổng phải xuống nước… ký cam kết. Thế là, hằng tuần Nga cùng “bạn gái” của mình sánh vai “tay trong tay” đến “Đi-a” để được gọi là sành điệu.
Với những “tay chơi” phóng túng, “Đi-a” là thế giới riêng của họ. Nga không ngần ngại cho biết, trong nhóm của mình có một gay (đồng tính nam) và một less (đồng tính nữ). Bạn gái của Nga cũng là dân less. Theo Nga, đến “Đi-a” để được sống thật, sống hết mình. Bởi, đã vào “Đi-a” rồi thì ai cũng như ai, không phân biệt và không ai biết ai, đặc biệt là không sợ ba mẹ bắt gặp. Vì vậy, có không ít phụ huynh khi “đi lạc” vào “Đi-a” đã phát hoảng vì đập vào mắt họ là những hình ảnh gái chẳng ra gái, trai không ra trai, mô phỏng các ngôi sao giải trí Hàn Quốc: con trai thì rất… nữ tính, áo quần chải chuốt màu mè, đeo khuyên tai, trên cổ mang dây chuyền như dây xích nên mỗi bước đi như… rung chuông vàng. Con gái đầu như tổ chim: tóc rễ mây rễ tre nhuộm xanh nhuộm đỏ, có teen tóc nhuộm đủ màu như bảy sắc cầu vồng. Không ít teen nữ không ngại ngần khoe con bướm (hình xăm) vắt vẻo trên bờ vai thon thả hay có những nữ cơ thủ biểu diễn những thế đánh nghệ thuật khoe “khoảng trống mênh mông” giữa chiếc áo thun quá ngắn và cái quần jean cạp trễ xuống cho thiên hạ ngắm nhìn.
Từ “Đi-a” đến… đi luôn!
Theo Nga, đến “Đi-a” để được sống thật, sống hết mình. Bởi, đã vào bên trong rồi thì ai cũng như mình, không phân biệt, không ai biết ai, đặc biệt là không sợ ba mẹ bắt gặp.
Các cô chiêu cậu ấm càng chứng tỏ mình là dân sành điệu thì kết quả học tập luôn tỷ lệ nghịch với những cuộc ăn chơi, đàn đúm. Với những teen có ba mẹ là dân lao động nhưng đua đòi theo bạn bè, ra sức vòi tiền gia đình. Khi ba mẹ không cho tiền, nhiều teen không ngần ngại “chuyển mục đích” số tiền học phí học thêm hay tiền mua sách mua vở để đi “Đi-a”. Anh Hoàng nhà ở Tân Bình, phụ huynh của một học sinh là dân chơi “Đi-a” kêu trời: “Không sao quản được, tụi nó chát bằng ngôn ngữ 9X rồi hẹn hò nhau đi chơi. Không “bắt tận tay day tận trán” nên đành chào… thua. Học sinh bây giờ rất “quỷ”, có nhiều cách để qua mắt người lớn như chơi”. Trường hợp của Nga cũng vậy, học ít chơi nhiều và đến trường chỉ là cái cớ để Nga vòi tiền ba mẹ. Nga tự hào về chiến tích của mình: “Hôm rồi đi sinh nhật nhỏ bạn, sau khi đi “Đi-a” về tụi em kéo đi chơi tiếp, tăng hai ở một quán karaoke trên đường Lê Văn Sỹ, vì mệt quá nên em bỏ về sớm. Hôm đó, tụi bạn em chơi đến 4 giờ sáng mới về. Tuần nào cũng vậy, em đứng ra tổ chức “show” cho nhóm bạn, thường là đến “Đi-a” trước rồi sau đó mới đi tiếp… tăng 2, 3”.
Nguyễn Công
Bài 3: Đừng để… “mất bò mới lo làm chuồng”!

Bình luận (0)