Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Tân cử nhân đi tìm việc lương thấp

Tạp Chí Giáo Dục

Thay vì săn những công việc lương cao, nhiều tân cử nhân sẵn sàng từ chối những vị trí công việc với điều kiện đãi ngộ tốt để lựa chọn công việc có mức lương thấp hơn, nhưng khối lượng và áp lực công việc ít hơn để dành thời gian cho những đam mê của bản thân

Đâm đầu vào việc lương thấp
Q.Đạt là một nhiếp ảnh gia tự do khá có tiếng ở Hà Nội. Cách đây vài năm, anh từng phụ trách mỹ thuật cho một công ty Cổ phần Viễn thông lớn với mức lương hơn 1000 đôla/tháng. Thế nhưng, khi công việc đang rất thuận lợi và có cơ hội thăng tiến thì anh đột ngột xin nghỉ việc để… "phượt". Một vài người quen biết anh xầm xì: "Nó hẳn phải để dành được một khoản kha khá thì mới dám "liều" thế".
Thùy Minh mới tốt nghiệp Khoa Kinh tế đối ngoại (Trường ĐH Ngoại thương HN). Tuy nhiên, nhờ thành tích học tập xuất sắc, ngay từ khi còn đang học năm cuối, Minh đã nhận được không ít lời mời về làm việc cho những công ty tiếng tăm như: Unilever, Hòa Phát… với mức lương khởi điểm 400 đôla/tháng, và cứ 3 tháng một lại được xét lên lương.
Thế nhưng, Minh lại rất dửng dưng. Đến khi tốt nghiệp, Minh đầu quân cho Samsung, với mức lương thấp hơn hẳn. Lý do là: " Mình thích đi du lịch, nhưng với lịch làm việc căng như ở mấy công ty kia thì dù có tiền mình cũng chẳng có thời gian mà đi. Làm ở đây tuy lương có thấp hơn, nhưng bù lại mình có thời gian cho sở thích du lịch ấy". Thế là thay vì hằng tuần phải mang thêm việc về nhà làm vào ngày cuối tuần vì deadline sát sao như bạn bè mình, Minh dành thời gian 2 ngày thứ Bảy và Chủ Nhật để "dịch chuyển".
Thùy Hương (khoa tiếng Trung, Trường ĐH Hà Nội) cũng là một người theo quan điểm "sống chậm lại và tận hưởng nhiều hơn". Tuy mới tốt nghiệp, nhưng nhờ những kinh nghiệm part-time và thành tích làm việc từ khi còn là sinh viên, Hương cũng nhận được khá nhiều lời mời làm phiên dịch viên cho các công ty Trung Quốc và Đài Loan. Họ sẵn sàng trả cho Hương lương "cứng" vài trăm đôla/tháng, chưa kể tiền thưởng. Thậm chí, nếu làm tốt còn được thưởng bằng những chuyến du lịch sang những nước có đặt trụ sở của công ty để học hỏi thêm. Nhưng bù lại, công việc rất căng, hầu như không có ngày nghỉ, sẵn sàng làm việc bất cứ khi nào có yêu cầu. Hương từ chối hết.
Hương bảo: "Hồi học đại học, mình rất muốn đi học belly dance, nấu ăn… nhưng vì lịch học và làm thêm kín mít nên chẳng có lúc nào đi được. Bây giờ mình muốn nghỉ ngơi một thời gian, đi học, đi làm những điều mình thích. Kiếm nhiều tiền nhưng lúc nào cũng căng thẳng, mệt mỏi, đến nỗi về đến nhà chẳng còn sức đi chơi thì cũng chán".
Giải mã xu hướng "lạ"
Cách đây vài năm, sinh viên ra trường đa phần quan niệm rằng "kinh nghiệm phải được tích lũy qua quá trình làm việc". Vì thế nhiều người chỉ quan tâm tới các kỹ năng, kinh nghiệm trong môi trường công sở mà bỏ qua việc tích lũy "kinh nghiệm sống". Giờ đây, cách nhìn nhận đã thay đổi.
Tiến Thành, tân cử nhân trường ĐH Thương mại cho rằng: "Khi mới đi làm, chấp nhận lương thấp một tí nhưng bù lại có nhiều thời gian để trải nghiệm, đi nhiều nơi và nhìn cuộc sống thật gần chứ không phải chỉ là qua sách vở, thì sau này sẽ hỗ trợ cho công việc rất nhiều và đương nhiên, cơ hội thăng tiến cũng sẽ cao hơn". Thành bảo đó là "chấp nhận lùi một bước để tiến vài ba bước".
Vậy nên công việc của Thành hiện nay là "làm kế toán cho một công ty Nhà nước, lương không quá cao nhưng bù lại khoảng thời gian cuối tuần được "free" hoàn toàn". Thời gian rỗi rãi, Thành tranh thủ đi hết các địa danh trong nước và dành thời gian ôn thi kiếm học bổng thạc sĩ ở nước ngoài để lại tiếp tục được đi và khám phá.
Nhiều bạn đang làm những công việc có khối lượng công việc và áp lực cao như kế toán, kiểm toán… cũng từ chối nhận thêm việc về nhà làm hay làm vào ngày nghỉ dù mức lương được trả sẽ cao hơn hẳn bình thường.
Louis, một anh bạn người Anh của tôi chia sẻ: "Ở phương Tây, quan niệm thời gian là đường thẳng, đã qua thì không bao giờ có thể lấy lại nên chúng tôi luôn cố gắng sống trọn vẹn với những gì mình muốn, mình thích. Còn người phương Đông, quan niệm thời gian là đường tròn, nên không thực hiện những việc mình muốn, mình thích lúc này thì có thể "để dành" vào thời điểm khác. Có thể, các bạn trẻ ở Việt Nam bây giờ cũng bắt đầu quan niệm về thời gian theo cách của chúng tôi, nên họ cố gắng để tận hưởng cuộc sống của họ nhiều hơn".
Louis cũng cho biết, vài người bạn Việt Nam của cậu ở trường Quốc tế cũng theo quan điểm này. "Họ từ chối làm thêm việc cuối tuần với mức lương cao gấp đôi để dành thời gian ấy cho những sở thích cá nhân".
Ở Mỹ có hẳn "văn hóa gap-year". Tức là sau khi học hết phổ thông, thay vì học đại học luôn thì những bạn này lại đi làm, tham gia các hoạt động ngoại khóa, du lịch… từ 1 – 2 năm rồi sau đó mới trở về học đại học. Đây là khoảng thời gian để họ "khám phá bản thân" – tìm hiểu xem thế mạnh của mình là gì, nếu học tiếp thì sẽ hợp với ngành gì… Còn ở Việt Nam, cứ tốt nghiệp PTTH là sẽ thi luôn vào đại học, và tiếp tục học cho đến khi ra trường, đi làm.
Còn có một điều thú vị là dường như số lượng các bạn nữ ủng hộ xu hướng này nhiều hơn các bạn nam. Thu Quỳnh đã tốt nghiệp Học viện Ngoại giao giải thích: "Phụ nữ dù năng động đến mấy thì khi đã kết hôn cũng phải dành thời gian cho việc nội trợ và chăm sóc gia đình. Khi đó, chắc chắn sẽ không còn nhiều thời gian dành cho bản thân như khi còn trẻ. Do đó, có thể các bạn nữ có tâm lý tranh thủ khi còn tự do và rảnh rang thì dành nhiều thời gian cho những đam mê của bản thân".
Theo điều tra của phóng viên, thì những bạn trẻ theo xu hướng này có một đặc điểm chung là "rất năng động, có nhiều kinh nghiệm part-time từ khi còn là sinh viên". Do vậy, việc đi làm để tích lũy kinh nghiệm không phải là vấn đề quan tâm hàng đầu của họ. Họ đi làm một phần là để có chi phí trang trải cuộc sống, làm quen với môi trường làm việc "chuyên nghiệp" hoặc đối mặt với những thử thách mới, nhưng chủ yếu vẫn là để thiết lập, mở rộng quan hệ, tạo tiền đề cho công việc của họ sau này.
Dù bạn lựa chọn thế nào, thì quan trọng nhất vẫn là bạn phải biết mình thực sự muốn gì và cần gì. Khi đó, bạn sẽ chủ động và có những bước đi vững vàng, chắc chắn cho tương lai của mình. 
 Theo Nguyễn Trang
Sinh Viên Việt Nam

Bình luận (0)