Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Con chữ trên nóc Ka Oóc

Tạp Chí Giáo Dục

Một góc bản Ka Oóc

Bản Ka Oóc thuộc xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) nằm cheo leo trên đỉnh Trường Sơn hùng vĩ, bốn mùa sương giăng mây phủ. Cũng như cuộc chiến với cái ăn cái mặc thường ngày, để học được con chữ mong tìm cho mình một tương lai sáng sủa hơn lớp cha ông đi trước, cả thầy cô và lũ trẻ nơi đây phải vật lộn với cuộc chiến ngồn ngộn khó khăn, gian khổ.
Bản Ka Oóc có 37 hộ dân với 194 nhân khẩu, tất cả đều thuộc diện hộ nghèo. Bây giờ, cuộc sống của người dân nơi đây vẫn trong cảnh “3 không”: không đường, không điện, không trạm y tế!
“Không chi cực bằng không biết chữ”
Đường lên Ka Oóc những ngày đông, đã 7 giờ sáng nhưng đất trời vẫn chìm trong màn sương bạc giăng phủ khắp mặt đất. Tiếng trống báo hiệu giờ vào lớp vang lên trên đỉnh Ka Oóc, từng tốp học sinh dắt nhau chạy ùa vào lớp cùng tiếng cười giòn tan, trong vắt xua đi cái lạnh giá của mùa đông miền sơn cước.
Ra đón chúng tôi tận trước con đường làng hun hút dẫn vào sân trường, thầy giáo Đinh Hữu Tuyến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ra Mai hồ hởi: “Các bạn đến đây là chúng tôi vui lắm rồi. Ở cái xó núi hẻo lánh này, mỗi năm học được khách khứa ghé thăm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đã lên đến đây nhất định phải ở lại với thầy trò, bà con dân bản mới hiểu được nỗi cực nhọc cũng như khát vọng con chữ ở đất ni”. Nghe giọng thầy Tuyến vang vang, bà con đang cặm cụi làm việc nhà cũng lần lượt kéo nhau đến trường. Già Hồ Ca, Trưởng bản Ka Oóc nói: “Mấy khi có cán bộ nhà báo ghé thăm, bà con đến chia sẻ niềm vui của mình. Đời tụi tui không được học chữ nên cứ nghèo mãi, nhiều lúc một chữ tên mình cũng không biết viết răng. Còn nhớ năm kia, bà con mình được nhận hỗ trợ Tết mà cả bản chỉ đôi ba người biết cầm cái bút còn lại phải lăn tay bằng mực. Nỏ có chi cực bằng việc không biết chữ cán bộ ạ. Bây chừ, có các thầy cô đến dạy chữ rồi, có cực chi cũng phải động viên con cái theo học cái chữ thôi”.

Thầy cô giáo đến với trẻ Ka Oóc

Hiểu được nỗi lòng người lớn, dẫu còn lắm khó khăn nhưng trẻ em ở Ka Oóc hiếu học và tích cực tới trường. Mặc trên mình bộ quần áo cũ mèm chưa kịp khô sau hai tiết học do sương sớm cộng với việc lội băng qua suối, em Hồ Kai, học sinh lớp 5 cho biết: “Nhà của em cách trường khoảng 3 cây số đường rừng, sáng nào cũng phải dậy thật sớm để đến lớp. Mùa nắng đường còn dễ đi chớ mùa mưa lạnh thế này đi vất vả lắm. Ba mẹ em luôn động viên em đi học. Thương ba mẹ nên em quyết tâm học cho thật giỏi để sau này trở thành người tốt. Cả học kì này em chưa nghỉ học buổi nào cô ạ”. Nghe bạn nói, em Hồ Lĩnh đang đứng bên cạnh cũng trải lòng: “Hôm nào trời mưa tụi cháu đến trường cũng bị ướt phải mặc cả quần áo ướt vào lớp học luôn”.
Thầy Đinh Hữu Tuyến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ra Mai phấn khởi cho biết: “Điểm trường Ka Oóc có 53 học sinh. Nhưng chỉ có khoảng 12 học sinh có nhà ở gần trường. Còn phần lớn đều sống cùng gia đình trên đỉnh núi Ka Oóc. Muốn đến lớp học, các em phải băng rừng, lội suối đi bộ khoảng hơn 1 giờ đồng hồ mới đến nơi. Nhọc nhằn thế, nhưng đổi lại các em rất tích cực. Toàn trường có tổng số 54 học sinh thì có đến 29 em đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi (xét về điểm hai môn học chính là toán và tiếng Việt)”.
“Ngọn đèn cù” trên đỉnh núi
Để mang con chữ Bác Hồ lên đến đỉnh trời này, phải kể đến tấm lòng nhiệt tình của những người giáo viên đến với Ka Oóc. Chấp nhận thiệt thòi trăm lẽ, bất chấp những trận sốt rét rừng với những cơn run cầm cập sẵn sàng quật ngã bất cứ lúc nào, họ vẫn miệt mài gieo hạt gửi lại cho mùa sau mà không tính đến điều kiện hiện tại cho riêng bản thân mình. Điểm trường Ka Oóc được đầu tư xây dựng khá khang trang, nhưng nhà công vụ cho giáo viên còn tạm bợ hết sức. Ba thầy giáo phải ở trong một ngôi nhà lá tự dựng lên bằng cây rừng và tranh nứa thấp lè tè, chật chội, trông như một chiếc chòi canh cà phê. “Vì điều kiện khó khăn nên nhà công vụ chưa được quan tâm đầu tư xây dựng, nằm trong căn chòi này nhiều đêm còn đếm được cả sao trời; hôm mưa thì giáo án còn ướt nhẹp nhưng vì thương các em, phần khác là vì yêu nghề nên anh em đều tự nguyện bám trụ lại với nơi này”, thầy Đinh Dương Vương bộc bạch.

Các em học sinh Ka Oóc đến trường

Ở trường còn có nhiều thầy cô giáo vì đã có gia đình nên mỗi ngày cũng phải băng rừng lội suối rất vất vả. Cô giáo Đinh Thị Hòa cho biết, trường còn có hai cô giáo trẻ đang mang thai vẫn nhiệt tình đến trường mỗi ngày. Gian khổ là thế nhưng chúng tôi luôn động viên nhau vì thương các em. Niềm vui cũng như động lực giúp thầy cô bám trụ lại với học trò là tình cảm của bà con dân bản. Trong kí ức của những người thầy cô giáo ở đây, hẳn vẫn còn nhớ như in trận lũ đầu tháng 10 vừa qua, con nước dâng ngập tràn khe suối, không một phương tiện cứu trợ nào tiếp cận được chốn thâm sơn cùng cốc này. Vì qua nhiều ngày bị cô lập nên lương thực của thầy cô cạn sạch, bà con dân bản thay phiên nhau san sẻ chút ngô khoai của gia đình đến ứng cứu. Nghĩa tình ấy như sợi dây níu chân thầy cô ở lại. Họ không chỉ làm công tác truyền con chữ mà còn tình nguyện “bốn cùng” với dân bản và học sinh: cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng học nói tiếng dân tộc.
Rời Ka Oóc, vượt qua chặng đường gian khổ với hun hút rừng già và dốc cao, suối sâu, chúng tôi nhớ mãi lời Trưởng bản Hồ Ca: “Nếu không có những thầy cô giáo tình nguyện đến với bà con có lẽ trẻ em ở bản miềng chẳng bao giờ thoát ra khỏi cảnh dốt nát, đói nghèo. Các thầy cô không chỉ là người truyền chữ mà công việc của họ như những người y tá, họ lặng thầm khâu vá những khiếm khuyết ở chốn đỉnh trời này. Nhờ rứa, dân bản miềng mới ký được cái tên tròn trịa, biết cách nuôi con, biết cả việc áp dụng kỹ thuật hiện đại vào việc trồng cây lúa như đồng bào miền xuôi. Bà con biết ơn các thầy cô giáo lắm!”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Bình luận (0)