Ngôi nhà cổ ở Tiên Phước hiếm hoi còn sót lại
|
Nhiều người dân đã đổi đời, xây nhà mái bằng, lát gạch men nhờ “sang tay” những ngôi nhà cổ trên 100 tuổi cho các trùm nhà cổ. Nhưng nỗi lo còn dai dẳng khi mai này Hội An có còn là phố cổ khi lần lượt những ngôi nhà cổ bị xẻ thịt đi bán…
Đòn độc của con buôn
Khi cơn sốt nhà cổ ở Quảng Nam còn nóng hổi thì P.T ở Hội An đã được giới trong nghề biết đến. Trước, P.T vốn là nghệ nhân có tiếng khéo tay của làng Kim Bồng. Nhờ bản tính lanh lợi, lại có chút vốn liếng ngoại ngữ nên khi có doanh nhân về Hội An đầu tư xây dựng khu du lịch làng quê, P.T lọt vào mắt xanh của doanh nhân này. Nhiệm vụ mà P.T được giao phải lùng mua cho được các căn nhà gỗ trên 100 tuổi làm nhà nghỉ cho khách du lịch. Biết nhau từ lâu, nhưng khi đặt vấn đề tìm hiểu nhà cổ, P.T lơ ngay. Sau này, bỏ nghề, hắn mới rỉ tai tiết lộ những độc chiêu mua nhà. Khi đã có địa chỉ nhà cần tìm, việc trước tiên của người mua phải nắm kỹ hiện nhà do ai quản lý. Nếu người chủ là thanh niên hay trung niên thì việc ngả giá mua nhà dễ dàng. Bởi những người này cần sự thay đổi, hơn là ở trong những căn nhà gỗ ẩm thấp, có khả năng đổ sập bất cứ lúc nào nếu túi tiền không đủ để sửa chữa. Nếu gặp gia đình có cả người già lẫn người trẻ cùng cư trú trong nhà thì phải biết cách “điệu hổ ly sơn”. Làm quen, mời ra quán cà phê hay vào quán nhậu tỉ tê những lời đường mật để người này về làm công tác tư tưởng trước với bậc cao niên. Việc này kéo dài cả tháng. Vì những người già bao giờ cũng sợ bán nhà rồi “tổ tiên ở đâu”. Khi có tín hiệu “xanh” của nội ứng, lúc này mới vào nhà đặt vấn đề mua bán. Nếu không học thuộc bài này, P.T cười cười: “Có nhiều tiền cũng thua là cái chắc”. Hỏi sao lại dùng thủ đoạn bẩn như vậy, P.T dịu giọng: “Cha mẹ nào mà không thương con. Nhìn sang láng giềng thấy họ xây nhà mới, lót gạch men sáng trưng. Còn nhà mình cứ thấp thấp, tôi tối, coi sao được”. Vậy là quyết định bán!
Đối với những ngôi nhà thờ tự ông bà nhiều đời, trong nhà chỉ có người già trông coi, P.T nói lấp lửng “xin đừng có… đụng vô”. Kinh nghiệm này, P.T có được khi bước vào một ngôi nhà “đẹp mắt” tại một xã gần thị trấn Tiên Phước. Thấy cụ ông chừng 80 chống gậy mở cửa, P.T chắc mẩm phen này sẽ “lột” được vài chục triệu. Nhưng không ngờ, vừa mới mở miệng hỏi mua, đã bị cụ ông cầm gậy phang thẳng vào người. May mà vừa đỡ vừa chạy, nếu không…
Lần khác, ở Đại Lộc, P.T xăng xái đẩy cánh cửa gỗ mít chạm khắc khá tinh vi, đặt cọc tiền bự chảng lên tấm phản đen bóng nơi cụ ông râu tóc bạc trắng bắt chân chữ ngũ. Chưa “ca” xong bản ruột về nỗi buồn ở nhà gỗ, P.T đã nghe cụ cắt lời bằng câu hỏi: “Rứa chú có biết tui cắt rốn chôn ở đâu không?”. Biết ý, P.T nhanh nhảu đứng dậy tháo lui, mặt xanh như tàu lá!
Nghệ thuật mông má
Nhà cổ ở Quảng Nam đã được tháo dỡ xuống “độ lại” để bán |
“Bây giờ mấy tay trùm đã mua nhà thì dọn sạch. Nào là thu gom khung sườn gỗ, lấy gạch, chở đi bằng hết những con đội bằng đá ở chân cột và cả những viên ngói âm dương phủ kín rong rêu” – P.T lái câu chuyện sang hướng khác. Ngày trước chúng tôi tự lặn lội tìm nhà, chứ bây giờ đội quân cò mồi, môi giới hoạt động rầm rộ lắm. Số này kiếm cơm cũng khá bằng cách chặn cổ chủ nhà và ngửa tay xin đểu các trùm đầu nậu – P.T lắc đầu. Trong số những ông trùm nhà gỗ, nhà cổ ở Quảng Nam, không ai không biết đến ông Q. ở Điện Bàn. Anh này nổi tiếng vì đã mua và bán hàng trăm nhà giả cổ với giá trên trời. Nhiều người cho rằng, ông này nhờ giao du với lão làng Th. trong nghề môi giới. Ông Th. này rất rành rẽ chuyện nhà cũ, nhà cổ, niên hạn, thợ làng nào thi công, lẫn… địa phương nào có nhiều nhà cổ. Nhiều người kháo nhau rằng, địa bàn hoạt động của Th. không giới hạn trong vùng Quảng Nam mà vươn ra cả Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… Nói chung, chỗ nào có nhà cổ là nơi đó có mặt lão làng Th. Thế nhưng, đây chỉ là đầu vào. Còn đầu ra thì phụ thuộc hoàn toàn vào tài nghệ mông má của những người thợ bậc cao dưới trướng trùm Q. Những ngôi nhà cũ qua tay Q. sẽ trở thành những ngôi nhà cổ có niên hạn trên 100 năm với đủ loại, đủ giá, đầy hoa văn, họa tiết trang trí bắt mắt, được người mua khắp trong Nam ngoài Bắc tìm đến đặt hàng. Thậm chí, khi cần một số vật dụng trang trí trong nhà đi kèm như bộ phản, thùng chứa đồ, chén bát… người mua sẽ được đáp ứng ngay. “Thật ra, chuyện mua được một ngôi nhà mà sườn gỗ còn mới nguyên rất hiếm. Nên khi thu dọn về “hậu cứ”, phần lớn những món này sẽ được “tút” lại để hớp hồn người chơi” – P.T khẳng định. Những người thợ làm trong hậu cứ này tay nghề cao, lương bổng cũng cao nhưng được cái… kín miệng. Đây là hợp đồng bắt buộc phải ký nếu muốn vào làm công ăn lương cho trùm Q.
P.T nhớ lại, trước đây nhà cổ rất nhiều, giá rẻ, ít người cạnh tranh nên việc mua bán diễn ra thuận lợi. Trúng độ thì một căn nhà mua xong về xưởng chỉ cần sửa chữa một ít là đủ. Sau này, người mua nhiều, trong khi nhà cổ xuống cấp, hư hỏng nên phải mua 2, 3 cái mới “độ” được một cái hoàn chỉnh. Theo P.T người mua chỉ chú trọng đến cột, đầu đà trang trí con gì, rồng hay dơi mà ít khi quan tâm đến những thứ khác… Cho nên, các trùm cũng tận dụng sơ hở này mà thêm các loại gỗ tạp, gỗ kém chất lượng vào nối ghép, rồi trét bột, sơn phết giả cổ để móc bằng hết túi tiền người mua. Như để minh chứng điều này, P.T kết luận: “Hiện nhà 5 gian 2 chái chỉ còn trên đầu ngón tay. Nếu giữ được đến nay thì gia chủ không bao giờ bán. Thế mà, trên thương trường người ta rao bán tràn lan”.
Về đâu nhà cổ?
Trong năm 2002, Viện Nghiên cứu kiến trúc Việt Nam phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích Quảng Nam khảo sát sơ bộ tại các huyện, thị xã và có đánh giá bước đầu cho thấy ở Quảng Nam có gần 500 ngôi nhà gỗ từ 100-160 năm tuổi. Trong số này có 5 ngôi nhà được chọn lựa để làm hồ sơ đề nghị công nhận di tích cấp tỉnh. Thế nhưng, do một gia chủ túng tiền cần bán, nên kiên quyết không muốn lọt vào top 5 này. Chỉ ít lâu sau, ngôi nhà đã được sang bán cho một trùm buôn! Trung tâm Bảo tồn di tích Quảng Nam cũng đưa ra một con số buồn. Trong gần 500 ngôi nhà gỗ ở Quảng Nam tồn tại trước 2002 thì đến nay chỉ còn… vài chục. Sự biến mất này có nhiều nguyên nhân. Một phần do nhà quá cũ kỹ, không được sửa chữa cẩn thận nên bị hư hỏng, sập đổ trước những cơn bão lớn. Còn lại đa phần lọt vào tay các trùm buôn. Theo ông Nguyễn Thượng Hỷ – chuyên viên của Trung tâm Bảo tồn di sản di tích Quảng Nam, những ngôi nhà gỗ ở Quảng Nam do hai nhóm thợ mộc chuyên nghiệp là Kim Bồng và Văn Hà thi công. Chủ yếu dùng gỗ mít, có nhà giàu dùng gỗ lim để làm cột. Những ngôi nhà dạng này thường để thờ tự là chính, hạn chế dùng để ở. Còn nay thì ông Hỷ khoát tay: “Bây giờ họ thay đổi công năng tất. Cái dùng để bán cà phê, cái dùng để kinh doanh nhà ở…”.
Trước đây, để báo động tình trạng xuống cấp, mai một, mất dần nhà gỗ, nhà cổ, đồng thời kêu gọi sự quan tâm của cả cộng đồng trong việc bảo vệ, bảo tồn nhà cổ, trung tâm đã mạnh dạn tổ chức triển lãm về nhà gỗ, nhà cổ đặc trưng của Quảng Nam. Nhưng, rất tiếc ước vọng lớn như vậy đã không tìm được sự đồng cảm nhất định. Mọi việc chìm vào lãng quên. Ngay cả đề nghị của trung tâm xin một nguồn kinh phí nhỏ để giúp một số gia đình sửa chữa tạm thời, chống dột cho những ngôi nhà cổ cũng bất thành. Một lãnh đạo ở Trung tâm Bảo tồn di sản di tích Quảng Nam khi tiễn chúng tôi đã tâm sự: “Đây cũng là một trong những di sản văn hóa của Quảng Nam. Nếu không được quan tâm, giữ gìn thì sẽ mất vĩnh viễn. Tiếc lắm!”.
Bài, ảnh: Gia Thạnh
Bình luận (0)