Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Một lần đến với bản người A Rem

Tạp Chí Giáo Dục

Bản làng của người A Rem hôm nay

Bản người A Rem sinh sống ở xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình). Sau 55 năm được phát hiện với tổng số người chỉ trên dưới 100 nhân khẩu, đến nay, cuộc sống của người dân A Rem hầu như vẫn còn nguyên thủy, tiềm ẩn nhiều nét văn hóa lạ lẫm trong các hang đá hoặc tiến bộ hơn là những mái nhà sàn cheo leo vách núi ở rừng già Phong Nha – Kẻ Bàng.
Những tục lệ độc đáo
Từ cổ chí kim hiếm dân tộc nào, đặc biệt là người Á Đông thích sinh con gái, dẫu vẫn có thời điểm, những người nông dân “một nắng hai sương” ví von “ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”. Thế nhưng cái tục lệ thích sinh con gái lại được lưu truyền trong tộc người A Rem.
“Người A Rem bao đời nay hễ nhà nào sinh con gái thì liền làm gà, mua rượu mở tiệc ăn mừng. Con gái được xem là tài sản quý của dòng họ. Muốn lấy vợ, chú rể phải tuân theo lễ bỏ của mà nhà gái yêu cầu. Lễ bỏ của không thể thiếu năm hũ rượu, mười nén bạc, hai con gà trống và tiền mặt”, già Đinh Dăc (81 tuổi) nói tiếng Kinh chậm rãi cho biết.
Cũng theo già Đinh Dăc, dù là luật bất thành văn nhưng đối với người A Rem từ thế hệ này qua thế hệ khác, lễ bỏ của bên nhà gái do cậu ruột (em hoặc anh trai của mẹ cô dâu) quyết định và hưởng trọn vẹn, bố mẹ của cô gái không được gì. Sau ngày cưới, nếu gia đình chồng làm việc gì để nàng dâu phật ý bỏ về thì chàng rể phải chuẩn bị ba hũ rượu, ba con gà trống và cả tiền mặt mang qua nhà gái gặp ông cậu làm lễ xin lại vợ. Cậu đồng ý mới được mang vợ về. Nếu đàng trai khiến nàng dâu bỏ về lần nữa, lễ xin vợ sẽ tăng lên gấp đôi. Nhà trai không đủ tiền thì khất nợ, và sau đó, chú rể phải đến làm việc cho nhà cậu cô dâu trả nợ.
Như người Việt, trong cuộc sống hàng ngày, người A Rem cũng có nhiều lễ cúng bái. Họ chẳng những cúng tổ tiên (ma nhà) mà còn cúng cả ma rừng. Việc cúng tổ tiên – ma nhà của tộc người này khá đơn giản cả về lý do, lễ cúng và lời cúng. Ví dụ khi khách đến thăm, trong nhà có sẵn gạo và rượu ngon, người A Rem sẽ dùng ngay những thứ đó để cúng tổ tiên. Họ khấn vái mời tổ tiên cùng về ăn uống cho vui và mong ma nhà phù hộ cho mọi người khỏe mạnh. Ngay cả khi bắt được con nai, con hoẵng, họ cũng làm lễ cúng cám ơn sự phù hộ và mời ma rừng cùng hưởng để lần sau tiếp tục giúp đỡ.
Xa lắm A Rem!

Trẻ em A Rem chỉ thích làm việc gia đình chứ không quan tâm đến học chữ

Tiềm ẩn nhiều nét văn hóa lạ lẫm nhưng ít tiếp cận với đời sống văn minh nên người A Rem còn khá nhiều quan niệm lạc hậu khiến đời sống kinh tế gặp không ít khó khăn. Trong tộc người này, gánh nặng gia đình hầu như dồn lên đôi vai người phụ nữ, cánh đàn ông đa phần là nghiện rượu. Cái đói cái nghèo và sự túng thiếu như sợi dây vô hình ghì chặt những mảnh đời nơi đây. Đồng hành cùng đói nghèo chính là sự dốt nát. Ở A Rem, phụ huynh không bao giờ quan tâm đến chuyện học hành của con cái. Việc giúp trẻ em A Rem học được con chữ thay đổi số phận, hoặc chí ít cũng thoát khỏi vòng luẩn quẩn sinh ra, lớn lên lấy vợ, gả chồng rồi lăn lộn một đời với nương rẫy, đến con chữ cắn đôi cũng không biết, đối với những người tình nguyện cắm bản quả là hành trình đầy ắp gian nan. Sau mỗi dịp nghỉ hè, lễ tết, ban lãnh đạo nhà trường liền tổ chức họp khẩn để phân chia công việc cho từng cán bộ, giáo viên. Theo đó, các thầy cô chia nhau lội bộ đến tận từng nhà dân, thậm chí tìm đến cả nương rẫy trên rừng để vận động học sinh trở lại trường học.
Từng đó thôi chưa đủ. “Muốn học trò lên lớp đầy đủ, thầy cô phải lên tận nương rẫy gọi các em!” – câu nói của thầy giáo Hoàng Sáu – người có thâm niên hơn 10 năm dạy học ở đây pha chút xót xa. Hơn 10 năm dạy học cho con em dân bản A Rem là từng ấy thời gian thầy Sáu cùng đồng nghiệp đóng vai trò người “bảo mẫu” chu đáo. “Mỗi sáng, chúng tôi xuống tận nhà gọi các em. Đến lớp rồi chưa ổn đâu bởi giờ ra chơi các em lại chạy mất hút vào rừng tìm cái ăn. Muốn có học sinh trở lại lớp, thêm lần nữa thầy cô phải lên rẫy tìm từng em một. Mùa nắng còn đỡ, mùa mưa rừng núi lầy lội, trơn trượt thì quả là không có chi cực bằng. Dạy học ở đây, mong sao các em biết được mặt chữ đã là một kỳ tích rồi”.
Trường Tiểu học và THCS xã Tân Trạch có tất thảy hơn 80 em học sinh. Điểm trường xa nhất thuộc về bản Đoòng (cách trường trung tâm 20km) chỉ vỏn vẹn 5 trò. Điều kiện trường lớp tuy được quan tâm nhưng vẫn còn rất thiếu thốn cộng với trình độ dân trí của người dân quá thấp nên đa phần trẻ con người A Rem chỉ học để biết mặt chữ. Chuyện học sinh giỏi ra thi thố với trường bạn được coi là điều xa xỉ.
Trong thăm thẳm mênh mông núi rừng đã hiện lên bao nếp nhà mái tôn đỏ tươi của những tấm lòng hảo tâm trên khắp mọi miền đất nước hỗ trợ xây dựng, người A Rem hôm nay không còn sống cuộc sống “ăn lông ở lỗ” như mấy mươi năm về trước, nhưng cuộc chiến chống đói nghèo, chống mù chữ vẫn còn xa lắm…
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Bình luận (0)