Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Lớp học sau giờ tan ca

Tạp Chí Giáo Dục

Nữ công nhân học bài sau những giờ học ở trường
Quệt giọt mồ hôi sau giờ tan ca cho kịp giờ vào lớp; lùa vội bát cơm nguội ban chiều để có chút ấm lòng cho giờ kiểm tra; vội vàng đến nỗi không kịp thay cái áo thợ nhòe nhoẹt mồ hôi để đi tới trường… Họ, những công nhân đêm đêm cắp sách tới trường với hi vọng vào ngày mai tươi sáng hơn…
Theo chân công nhân đến các lớp học ban đêm, chúng tôi mới thấu hiểu những vất vả khi vừa học vừa làm. Khó khăn là thế, nhưng những công nhân không có ý định từ bỏ con đường mình đã chọn.
Viết tiếp những bài học dang dở
Chị Nguyễn Thị Huệ, quê Hà Tĩnh, làm công nhân ở Công ty Bánh kẹo Perfect – Ivan Mell đang là sinh viên Trường CĐ Nghề Đường sắt (phân hiệu phía Nam tại Dĩ An, Bình Dương). Mỗi ngày của chị Huệ được bắt đầu từ 5 giờ sáng và kết thúc lúc vào 11 giờ đêm. Nhiều lúc ngủ không đủ giấc, áp lực công việc, bài vở khiến chị mệt mỏi kiệt sức. Chị tâm sự: “Khi học xong lớp 12, không bao giờ mình nghĩ sẽ vừa học vừa làm. Mình cũng đăng kí thi đại học. Nhưng sau đó thì mình suy nghĩ lại. Cha mẹ nhiều tuổi rồi. Gia đình làm ruộng không đủ sống. Anh chị thì đã lập gia đình hết. Mình không muốn làm khổ cha mẹ nữa nên quyết định vừa học vừa làm để có tiền gửi về cho cha mẹ và trang trải cho việc học tập tiếp theo”.
Mỗi người một điều kiện, một hoàn cảnh, họ từ bỏ ước mơ đang viết dở của mình khi mới học xong cấp 3. Họ xuôi Nam tìm kế mưu sinh. Phận đời công nhân nổi trôi từ công ty này dạt sang công ty khác nhưng vẫn không làm nguội lạnh ước mơ về việc học chữ, học nghề. Họ đã quyết tâm theo đuổi khát vọng này để thắp lên tia sáng cho ngày mai. Đó là tình cảnh của hai chị em Dương Thị Ngân và Dương Minh Ngọc, quê ở Quảng Bình (Công nhân Công ty Freetrend – Khu chế xuất Linh Trung 1, Thủ Đức) đang là sinh viên Trường TC Kinh tế công nghệ Đại Việt. Chị Ngân nói: Mẹ mất sớm vì bệnh tai biến mạch máu não khi hai chị em đang học cấp 3. Từ đó, gánh nặng đặt lên vai của ba khi nuôi ba chị em ăn học. Hai chị em không dám thi đại học mà tìm đường vào Sài Gòn đi làm để giúp ba và âm thầm đi học theo ước mơ của mình. “Học một cái nghề sau này đỡ cực. Làm công nhân mãi ở xứ người không biết trôi dạt về đâu. Đợt này, tôi đang đi thực tập ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức. Bao nhiêu thứ tiền điện nước, nhà trọ, học phí đều dồn lên đứa em trai nên vất vả lắm. Nhưng hai năm qua mình đã cố gắng được, còn một chút thời gian nữa thì có đáng là bao”, chị Ngân lạc quan nói.
Không cho phép mình từ bỏ con đường đi còn dang dở. Hành trình tìm đến một cái cái nghề qua đào tạo chuyên nghiệp, bài bản của những công nhân cũng thấm đẫm mồ hôi và đôi khi còn có những giọt nước mắt. Chị Trần Thị Thúy (công nhân Công ty Freetrend, quê Quảng Ngãi), đang là sinh viên Khoa Sư phạm tiểu học Trường TC Đại Việt, kể lại: Nhiều lúc trời mưa to cũng không dám cho phép mình nghỉ học. Đường tới trường qua đoạn Kha Vạn Cân, chỉ cần một cơn mưa nhỏ là ngập nước, mình đi học bằng xe đạp, xe lớn đi qua nước bắn tung tóe, ướt hết quần áo, mặt mũi lấm lem, nhiều khi thấy tủi thân rồi bỗng dưng nước mắt lại chực trào. “Nhưng mệt nhất là những ngày kiểm tra, đi học về đã khuya, không có thời gian nghỉ ngơi. Khi ngủ cứ chập chờn chiêm bao thấy một bên là giày công ty, một bên là bài thi. Biết là đoạn đường phía trước còn rất vất vả, khó khăn, nhưng chưa bao giờ mình có ý định bỏ cuộc”, chị Thúy lạc quan tâm sự.  
Tia sáng cho ngày mai

Những công nhân là sinh viên trong lớp học ban đêm ở Trường TC Đại Việt TP.HC

Nhìn về tương lai, chị Huệ tin tưởng: “Mình sẽ tiếp tục học liên thông lên một trường đại học nào đó. Còn trẻ mà. Mình không đặt nặng vấn đề có tìm được việc làm sau khi học xong hay không. Sinh viên chính quy kiếm được việc làm đã khó. Công nhân vừa học vừa làm lại càng khó hơn. Nhưng mình sẽ tiếp tục học, phải “chiến đấu” đến hơi thở cuối cùng. Biết đâu vận may sẽ đến với mình. Mọi nỗ lực đều được đền đáp, mình tin vậy”.
Từ những lớp học ban đêm, nhiều công nhân đã đạt được những thành tích đáng kể. Họ được nâng cao tay nghề, trình độ kiến thức, có một cuộc sống ổn định hơn. Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Hồng Liên (quê Ninh Thuận, làm việc ở Công ty TNHH Nissei Electronic Việt Nam) là một điển hình. Trong thời gian đi làm, chị đi học ngành kế toán tin học vào ban đêm ở Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức. Chị học thêm tiếng Nhật, tiếng Anh và các môn văn hóa như toán, lý, hóa do công ty giảng dạy. Sau một thời gian học tập, chị Liên đã có bằng tiếng Nhật, bằng kế toán. Chị được chuyển lên làm văn phòng nhân sự của công ty.
Anh Nguyễn Long An (quê Nghệ An), tốt nghiệp ngành cơ khí – chế tạo máy, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng cho biết: “Lúc đầu học trung cấp ngành cơ khí, tôi đang làm công nhân tại Công ty Anh Linh ở Thủ Đức. Sau đó học liên thông ở Trường ĐH Công nghiệp. Ngành cơ khí hiện nay cơ hội việc làm nhiều nên tôi may mắn tìm được một công việc tốt ở Vũng Tàu. Lương căn bản cũng cao hơn. Nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền của thời kỳ vừa học vừa làm không còn nữa rồi”.
Ngoài những khó khăn, công nhân đến trường còn nhận được sự tiếp sức của gia đình, bạn bè, người thân và công đoàn của công ty. Những lời động viên, chia sẻ của gia đình, công đoàn công ty cũng tạo mọi điều kiện để giúp đỡ công nhân đến trường. Chị Hồng Liên bộc bạch: “Ban chấp hành Công ty Nissei có những chính sách hỗ trợ đặc biệt cho công nhân đi học. Cụ thể dù công ty mình làm theo ca nhưng luôn sắp xếp cho công nhân đi học thêm vào giờ hành chính. Theo đó, công nhân được làm một ca ổn định. Ngoài ra, công ty còn dạy thêm tiếng Nhật, tiếng Anh, bổ túc văn hóa cho những công nhân có nhu cầu. Công nhân có thành tích học tập tốt được hỗ trợ sách, vở, những dụng cụ học tập cần thiết khác”.
Vượt qua bao bộn bề của cuộc sống, công nhân đến trường để viết tiếp những ước mơ cao đẹp bằng khát vọng lớn lao. Họ tràn đầy niềm tin khi nhìn về phía trước: “Hiện nay, bữa cơm ở phòng trọ đơn sơ với dưa cà để thay thế bữa cơm với thịt thà cá mắm. Thực hiện điều này để đổi lấy một ngày nào đó, mình sẽ trở thành một cô giáo tiểu học. Mình sẽ mơ và dám thực hiện ước mơ của mình”, Thúy lạc quan bảo vậy.
Bài, ảnh: Dương Thùy

Bình luận (0)