Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cây đại thụ của làng văn học Nam bộ đã ra đi……

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà văn Anh Đức (trái) và nhà thơ Lê Anh Xuân thời còn hoạt động chung trong kháng chiến chống Mỹ (ảnh tư liệu)
Nhà văn Anh Đức, cây đại thụ của làng văn học Nam bộ, “cha đẻ” của những tác phẩm Một chuyện chép ở bệnh viện (1958), Bức thư Cà Mau (1965), Hòn Đất (1966)… đã ra đi ở tuổi 79 để lại nhiều nỗi tiếc thương cho đồng nghiệp và bạn đọc yêu văn chương.
Một nhà văn dễ gần
Qua nhà thơ Phan Hoàng, tôi được gặp và trò chuyện với nhà văn Anh Đức, khi ấy ông đang là Tổng biên tập Tạp chí Kiến thức ngày nay. Là con của người dân miền Tây (tên thật là Bùi Đức Ái, sinh năm 1935 tại An Giang) nên ông rất gần gũi, vui vẻ và cực kỳ dễ chịu. Ông thuộc lớp nhà văn trưởng thành và trải qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc, đã đóng góp cho nền văn học nước nhà nhiều tác phẩm có giá trị. Vào năm 1957, khi Hội Nhà văn Việt Nam thành lập, ông là đại biểu trẻ nhất tham dự và được kết nạp vào hội đợt đầu tiên (năm 22 tuổi). Ông cũng là người nhận nhiều giải thưởng như giải Văn nghệ Cửu Long Nam bộ (1952), giải nhất truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ (1958), giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu (1965), giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học (2000)…
Lúc sinh thời, ông có lý giải cho tôi biết vì sao hồi ấy ông chọn văn chương chứ không phải một công việc nào khác: “Lúc còn nhỏ, tôi không nghĩ mình sinh ra làm nhà văn, thế nhưng lớn lên tôi lại gắn bó với văn chương. Những năm học ở Cần Thơ, nhờ đọc nhiều sách nên tôi học môn văn thuộc loại giỏi, bài nào điểm cũng đứng đầu lớp cả. Nhân nhắc lại chuyện này, tôi xin kể cho cậu nghe một kỷ niệm mà tôi không thể nào quên. Một lần nọ, ông thầy dạy môn văn cho đề văn về nhà làm, tôi được điểm 7, điểm cao nhất trong số 50 bạn. Tuy nhiên, thầy chất vấn tôi rất kỹ, có vẻ nghi là có người “làm giùm” nhưng rồi thầy cũng vẫn để nguyên đó. Lần sau, thầy cho đề: “Mô tả buổi lao động của ba mẹ em” làm trong 2 tiếng. Tôi còn nhớ đã mô tả buổi sáng sớm tôi cùng cha đi chài cá, tôi là người bơi xuồng cho cha chài… Tôi đã tả cảnh rất sinh động. Khi đó thầy mới tin rằng tôi có năng khiếu về môn văn và cho điểm tôi rất cao, 8/10 điểm. Nhưng học đến năm 14 tuổi thì tôi rời ghế nhà trường tham gia kháng chiến…”.
Nhà văn Đoàn Thạch Biền nhận định: “Có thể xem Anh Đức như là một nhà văn của đất và con người phương Nam, đặc biệt là những tác phẩm khắc họa hình tượng của người phụ nữ Nam bộ chân chất, kiên cường”.
Có thể minh chứng điều này bằng tiểu thuyết Một chuyện chép ở bệnh viện, kể lại cuộc hội ngộ với người phụ nữ trẻ, giàu nghị lực tên Tư Hậu. Sau đó, nhân vật này đã trở nên quen thuộc với rất nhiều thế hệ khán giả Việt Nam khi tiểu thuyết được chuyển thể thành kịch bản bộ phim Chị Tư Hậu, đoạt rất nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, cũng như làm nên tên tuổi lẫy lừng cho NSND Trà Giang. Hay tiểu thuyết Hòn Đất cũng đã được chuyển thể thành bộ phim cùng tên vào năm 1983 với nhân vật chính là chị Sứ, được lấy hình tượng từ một nữ anh hùng trong cuộc chiến đấu và chiến thắng của quân dân vùng Hòn Đất cũng in đậm trong lòng khán giả yêu điện ảnh.
“Nghề văn tựa như bơi giữa biển lớn…”
Mặc dù rất dễ chịu trong giao tiếp, nhưng trong công việc nhà văn Anh Đức rất khó tính. Tôi nhớ khi phỏng vấn ông cho chuyên mục Thời đi học của người nổi tiếng đăng trên Tạp chí Giáo dục và Sáng tạo (nay là Báo Giáo dục TP.HCM), ông đưa ra một đề nghị, trước khi bài đi in, phải cho ông đọc lại. Và tôi nhớ rất kỹ bản thảo viết tay của mình, ông đã sửa đúng 4 chỗ bằng mực đỏ, đó đều là những chi tiết rất “đắt” của một nhà văn có thâm niên trong nghề. Tôi luôn biết ơn ông về điều ấy…
Trong bài viết Thời đi học của người nổi tiếng, tôi đã nhấn mạnh câu nói của nhà văn Anh Đức. “Tôi đã có hơn 50 năm cầm bút. Tuy nhiên, lúc nào tôi cũng thấy nghề văn tựa như mình bơi giữa biển lớn. Cứ bơi hoài, nhưng chưa ghé được bến bờ. Nó mênh mông, bao la, không khác gì ngàn trùng ngọn sóng, nhảy nhót, biến động, biến hình khiến cho tôi chưa bao giờ cảm thấy hài lòng với sự thể hiện của mình. Theo tôi, muốn viết văn hay thì phải đọc nhiều sách, học hỏi xem người ta viết như thế nào, rồi rút ra những ý tưởng hay để có thể vận dụng vào trong tác phẩm của mình…”.
Nhà văn Anh Đức đã ra đi nhưng tôi tin rằng nhân cách của ông, những tác phẩm của ông sẽ mãi mãi in sâu trong lòng độc giả. Bạn bè, đồng nghiệp sẽ luôn nhắc về ông với sự trân trọng và khâm phục nhất!
Vĩnh biệt ông, cây đại thụ của làng văn học Nam bộ đáng kính!
SONG MINH
Cố nhà văn Đoàn Giỏi từng nhận xét: “Truyện ngắn của Anh Đức không có những cốt truyện gay cấn, đặc sắc, nhưng nhờ “cao tay” trong cách sử dụng chữ, chi tiết đắt, tình huống hấp dẫn… Chính những yếu tố đó làm nên thành công cho ngòi bút của Anh Đức”.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)