Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Vụ bài thơ ở sách tiếng Việt lớp 3: Tác giả lên tiếng

Tạp Chí Giáo Dục

Vừa qua, một phụ huynh có con đang học lớp 3 phát hiện trong cuốn vở bài tập tiếng Việt nâng cao lớp 3, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam in và nộp lưu chiểu năm 2012 có viết: Trăng tròn như quả bóng/ Đứa nào đá lên trời (trích bài thơ Trăng ơi từ đâu đến của nhà thơ Trần Đăng Khoa). Trong khi trước đó, cũng bài thơ này, họ lại được học: Trăng tròn như quả bóng/ Bạn nào đá lên trời. Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với nhà thơ Trần Đăng Khoa về vấn đề này.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết: NXB Giáo dục cứ vài năm họ lại cải tiến cho phù hợp, tôi cho rằng điều này là cần thiết. Bởi vì hiện nay chúng ta đang sống trong những năm tháng mà thời gian đi rất nhanh, nhiều thứ thay đổi liên tục. Cuộc sống vận động mà chúng ta lại đứng lại, như thế không ổn, phải luôn luôn cập nhật. Nhưng vấn đề là phải làm sao chọn được cái hay để đưa đến cho các em. Riêng về bài thơ của tôi trong cuốn tài liệu tham khảo của NXB Giáo dục có đoạn:
Trăng ơi từ đâu đến/ Hay từ một sân chơi/ Trăng tròn như quả bóng/ Đứa nào đá lên trời…
Ở câu thơ cuối, từ “đứa” đã khôi phục nội dung nguyên bản nguyên gốc câu thơ. Tôi cho rằng từ này hay hơn. Trước đây, nguyên bản đầu tiên tôi viết là:
Trăng ơi từ đâu đến/ Hay từ một sân chơi/ Trăng bay như quả bóng/ Đứa nào đá lên trời. Sau đó, khi in trên báo, có bác biên tập đã chữa từ “đứa” thành chữ “bạn” và câu thơ trở thành “Bạn nào đá lên trời”. Sau đó, nhiều bản in lại cũng như thế. Theo tôi, chữ đứa hay hơn chữ bạn, chuẩn hơn và cũng đúng không khí của nó. Bạn, là ngôn ngữ trong sinh hoạt Đội, còn ở không khí của sân chơi, mà đây là sân chơi bóng thì  dùng từ “đứa” chuẩn hơn. Và thường thân nhau, người ta hay gọi tao, mày, đứa này, đứa kia. Nhưng ghét nhau cũng dùng từ đó. Tiếng Việt rất linh động như thế. Tất nhiên phải đặt trong môi trường, hoàn cảnh thì mới hiểu đúng thần thái, hồn vía của nó. Đây là sân chơi, hình ảnh sinh động của trăng được nhìn ở nhiều góc độ, có khi trăng là hạt cau phơi trên lưng trời, có khi trăng là lưỡi liềm ai quên bỏ lại. Có thể nói là rất nhiều. Trong hoàn cảnh cụ thể của đoạn thơ này thì đây là đoạn mà trăng được nhìn qua sân chơi cho trẻ con, sân chơi của bạn bè nên dùng từ “đứa” là chuẩn nhất. Từ “đứa” nó yêu lắm, chứ không phải bạn, bạn rất nghiêm túc và có phần hơi khô cứng. Đặt ở đây không hợp. “Đứa” ở đây không có gì xấu. Đây là hai văn bản khác nhau, nên các phụ huynh thấy khác bản cũ, người ta thắc mắc cũng là đúng. Cũng là điều cảm thông được. Vì phụ huynh thường muốn văn bản chuẩn.
Tại sao từ “đứa” rất hay như ông nói nhưng cho đến thời gian gần đây mới được khôi phục như nguyên bản? Phải chăng ông không nêu lên ý kiến của mình?
Tôi có ý kiến đấy chứ. Trong văn bản lâu rồi, tôi cũng đã khôi phục lại thành “Đứa nào đá lên trời”. Không chỉ riêng bài này, mà nhiều bài thơ của tôi trước kia được biên tập họ chữa đi mà phần lớn là chữa dở đi. Ví dụ như bài Thôn xóm vào mùa, tôi viết là: Sân kho máy tuốt lúa/ Mở miệng cười ầm ầm/ Thóc mặc áo vàng óng/ Thở hí hóp trên sân.
“Thóc thở hí hóp trên sân” mới hay, nhưng lại được sửa thành: Thóc mặc áo vàng óng/Nhảy nhót mãi trên sân.
Mùa chỉ có một thời gian nhất định làm sao mà nhảy nhót mãi trên sân được.
Ngay bài Hạt gạo làng ta của tôi cũng bị sửa. Lúc đầu tôi viết là: Có lời mẹ hát/ Ngọt bùi đắng cay.
Nhưng bác biên tập hồi đó lại sửa thành: Ngọt bùi hôm nay.
Trong bài thơ Khi mẹ vắng nhà, bản gốc tôi viết:
Mẹ ngày đêm khó nhọc/ Con chưa ngoan, chưa ngoan.
Nhưng cũng lại được bác biên tập sửa thành:
Vì giặc Mỹ mẹ còn khó nhọc/ Con chưa ngoan, chưa ngoan.
Bây giờ nghe lại bài hát của nhạc sĩ Hoàng Vân vẫn thấy câu bị sửa này.
Khi bị sửa lại, ông phản ứng thế nào?
Tôi có nói với NXB, nhưng cũng phải nói mãi họ mới chỉnh cho. Họ cẩn trọng lắm. Vấn đề là đôi khi tác giả buộc phải chấp nhận.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê (thực hiện)
Rất nhiều tác giả, nhất là các nhà thơ, khi gửi tác phẩm của mình lên các NXB thường bị sửa một vài từ. Tuy nhiên, có những từ được sửa sẽ làm bài thơ trở nên hay hơn, nhưng có những bài thơ, sau khi bị sửa, tác giả của nó lại không khỏi buồn phiền, băn khoăn. Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng là “nạn nhân” của vấn đề này và cuối cùng, ông cũng đã được trả lại “chữ” cho thơ của mình. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)