Lơ ngơ như… tân sinh viên là dễ bị sập bẫy bọn lừa đảo lắm đấy!
Làm từ thiện vỉa hè
Bạn đang ngơ ngác ngoài cổng trường, hãy cảnh giác với những kẻ lăm lăm giấy, bút, không ngần ngại dúi vào tay bạn những gói tăm tre, kêu ký tên làm từ thiện.
Gặp trường hợp này, hầu hết tân sinh viên nhà mình đều ngỡ ngàng, chưa kịp hiểu gì, thấy bảo ghi tên cũng ngoan ngoãn ghi, khi bị đòi tiền mới… ngã ngửa. Thông thường những gói tăm nhỏ chỉ trị giá từ 2000 đến 3000đ, tuy nhiên gắn mác “từ thiện” vào sẽ được hét giá 20.000 đến 50.000đ.
|
Hãy cẩn trọng với những kẻ tay giấy, bút, tăm đứng chờ ở cổng trường. |
Đặc điểm nhận dạng đối tượng: tụ tập từ 3 đến 4 người để dễ chèo kéo, trên tay lúc nào cũng có quyển sổ và bó tăm. Khi nói chuyện sẽ nhận là người của hội người mù, khuyết tật và đều có sẵn giấy giới thiệu của một tổ chức có đóng dấu để tăng thêm độ tin cậy. Những giấy giới thiệu đó đều cũ nát, con dấu thì nhòe nhoẹt đến mức không thể đọc nổi.
Tân sinh viên hãy nhớ, chúng mình chỉ làm từ thiện khi có sự phát động của Đoàn trường và hội Sinh viên trong trường tổ chức thôi. Mọi hình thức mua bán từ thiện bên ngoài chỉ để làm giàu cho một số cá nhân, kẻ xấu.
Tiếp thị tại gia
Những khu nhà trọ cho đông sinh viên thuê thường là mục tiêu của những kẻ tiếp thị “đểu” này. Mặt hàng tiếp thị cũng khá phong phú, tùy vào từng thời điểm khác nhau.
Teen còn nhớ một dạo, chúng mình sốt xình xịch vì dịch sốt xuất huyết, bọ xít hút máu người ở xóm trọ sinh viên không? Nghe mấy nhân viên tiếp thị ngon ngọt, nhiều cô nàng nhẹ dạ sốt sắng bỏ hơn 50000đ mua thuốc diệt côn trùng. Xịt thử trong phòng kín xong, có bạn suýt té xỉu vì ngạt thở, người nổi mẩn ngứa. Đau lòng hơn, search giá của sản phẩm thuốc này trên mạng chỉ vẻn vẹn 10.000đ/gói.
|
Cảnh giác với người lạ, teen nhé! |
Không chỉ tiếp thị bán sản phẩm, nhiều kẻ lừa đảo còn giả danh là nhân viên của các siêu thị lớn như Pico, Vincom, Big C, Metro đến mồi chài tân sinh viên làm thẻ khách hàng Vip, lấy thông tin khách hàng, ảnh thẻ…
Sau đó chúng tung chiêu bốc thăm trúng thưởng. Bạn rất dễ dàng trúng một chiếc tivi màn hình siêu phẳng, tủ lạnh hay bàn là. Khi sinh viên đang sung sướng vì bất ngờ được quà tặng lớn, chúng sẽ dỗ ngon ngọt bạn thế chấp tài sản hoặc đóng tiền để “chia sẻ may mắn” cho người thân. Hãy cẩn thận vì… bạn đang bị lừa đấy!
Mồi chài hàng dỏm
Thời điểm này, quanh khu vực các trường ĐH, nhiều đối tượng chuyên lừa bán máy ảnh, điện thoại, đồng hồ giả xuất hiện nhiều hơn.
Chúng thường chọn những chú “gà” mới vào trường, chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa biết cách phòng né. Chúng ra giá khoảng 500 ngàn cho một chiếc máy ảnh, khi bạn kêu đắt, chỉ với 150 ngàn chúng cũng bán.
Đừng vội mừng vì mua được máy ảnh rẻ, bạn hãy kêu đưa máy đến cửa hàng gần nhất để kiểm tra, chắc chắn chúng sẽ thoái thác kiếm cớ chuồn ngay. Thực chất, đó là những chiếc máy ảnh, điện thoại giả, không thể sử dụng được (những kẻ lừa đảo này thường chôm được đồ của cửa hàng, đang cần tiền gấp nên bán tháo).
Lần đầu xa nhà, nhiều bỡ ngỡ, nhớ thận trọng và không nên dễ dàng tin tưởng vào người lạ, kẻo trở thành "gà" của bọn lừa đảo lúc nào không hay, bạn nhé!
Theo Dân tin
Bình luận (0)