Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

“Choáng” với học phí

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên nhiều trường ĐH ngoài công lập đang bối rối trước mức thu học phí tăng vọt so với những gì các trường công bố trước kỳ tuyển sinh

Sinh viên T. cho biết một trong những lý do em chọn thi vào Trường ĐH Văn Hiến là theo  thông tin trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011, mức học phí hệ ĐH của trường này công bố là 3,3 triệu – 3,7 triệu đồng/học kỳ tùy theo ngành học, tương đối phù hợp với gia đình em.
Tăng 10%-30%?
Thế nhưng, T. cho biết khi nhập học, Trường ĐH Văn Hiến thông báo học phí các ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật điện tử, truyền thông là 5 triệu đồng/học kỳ, các ngành còn lại là 4,5 triệu đồng/học kỳ; ở hệ CĐ, theo mức học phí trường công bố trước kỳ tuyển sinh là 3,2 triệu – 3,4 triệu đồng/học kỳ nhưng khi thí sinh nhập học các ngành tin học ứng dụng, công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông thì phải đóng 4,8 triệu đồng/học kỳ; các ngành còn lại là 4,4 triệu đồng/học kỳ. Như vậy, học phí của cả 2 hệ đều tăng 30%-40% so với thông báo trước kỳ tuyển sinh.
Sinh viên làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Tại Trường ĐH Hùng Vương, nếu năm 2010 học phí chỉ 9.000 đồng/tiết áp dụng cho sinh viên học tại cơ sở chính và 8.500 đồng/tiết cho sinh viên học ở các cơ sở khác thì năm 2011, học phí được thu theo các mức áp dụng cho lớp học ban ngày (không có máy lạnh): 10.000 đồng/tiết; các lớp ban đêm và chủ nhật (không máy lạnh): 11.000 đồng/tiết; đối với các lớp có máy lạnh thì sinh viên phải đóng thêm 1.000 đồng/tiết. Như vậy, so với năm trước, năm học này,  sinh viên phải đóng thêm từ 1.000 đồng – 2.000 đồng/tiết.
Trường ĐH Lạc Hồng cũng thông báo tăng học phí 10% so với năm học trước. Cụ thể, năm học 2011-2012, học phí là 7,7 triệu đồng/năm và dự kiến năm học 2012-2013 là 8,5 triệu đồng/năm. Đại diện nhà trường cho biết việc điều chỉnh mức học phí là căn cứ vào tình hình thực tế tỉ lệ trượt giá, mức tăng tiền lương đối với giảng viên và phục vụ kế hoạch xây dựng thêm giảng đường…
Đủ khoản phí
Nhiều trường dù công bố học phí trọn gói nhưng thực tế lại thu theo tín chỉ. Tại Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM, học phí  bậc ĐH: 385.000 đồng/tín chỉ; bậc CĐ: 365.000 đồng/tín chỉ; Trường ĐH Hoa Sen công bố mức học phí khoảng 3 triệu đồng/tháng nhưng thực tế lại thu học phí dựa vào mỗi tín chỉ là 300.000 đồng. Do vậy, có ngành học phí vượt lên trên 18 triệu đồng/học kỳ.
Sinh viên nhập học không chỉ phải đóng học phí mà còn phải đóng nhiều khoản tiền khác. Tại Trường ĐH Hùng Vương, ngoài số tiền phải đóng trước cho học kỳ I là 5 triệu đồng, sinh viên còn phải đóng phí kiểm tra trình độ ngoại ngữ đầu vào: 20.000 đồng, đồng phục thể thao: 90.000 đồng, áo sơ mi: 125.000 đồng… Sinh viên nhập học Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TPHCM, ngoài khoản học phí khoảng 6,9 triệu đồng/tháng còn phải đóng thêm học phí tiếng Anh khoảng 40-65 triệu đồng/năm, phí bảo hiểm y tế, phí nhập học,  phí đồng phục thể dục, máy tính xách tay. Sinh viên Trường ĐH Văn Lang cũng phải đóng 150.000 đồng khi đến làm thủ tục nhập học…
Một chuyên gia giáo dục ĐH cho rằng việc các trường ngoài công lập tăng học phí và các khoản thu là xu hướng tất yếu nhưng cần công khai trước kỳ tuyển sinh để thí sinh lựa chọn, bởi học phí là một trong các tiêu chí để thí sinh cân nhắc khi đăng ký dự thi hoặc xét tuyển. Việc mập mờ hoặc tuyển rồi mới công bố tăng học phí là gây thiệt thòi cho sinh viên cũng như giảm niềm tin của xã hội đối với các trường ĐH ngoài công lập.
Nhiều gánh nặng ngoài học phí
Trường ĐH Văn Lang vừa thực hiện khảo sát sinh hoạt phí của 78% sinh viên đến từ các tỉnh, thành trong cả nước, cho thấy một sinh viên trọ học tại TPHCM hằng tháng phải chi các khoản: tiền ăn (mức chi thấp nhất 500.000 đồng; mức trung bình: 919.000 đồng; mức cao nhất: 2,5 triệu đồng), tiền thuê nhà (mức chi thấp nhất: 300.000 đồng; mức trung bình: 702.000 đồng; mức cao nhất: 1,25 triệu đồng); chi phí đi lại (mức chi thấp nhất: 30.000 đồng; mức chi trung bình: 275.000 đồng; mức chi cao nhất: 1 triệu đồng); chi phí cá nhân (mức chi thấp nhất 140.000 đồng; mức chi trung bình: 402.250 đồng; mức chi cao nhất 1,15 triệu đồng). Như vậy, mức sinh hoạt phí trung bình của một sinh viên ở trọ là 2,4 triệu đồng/tháng. Đối với sinh viên ở ký túc xá, mức chi trung bình là 1,7 triệu đồng/tháng.
Theo THÙY VINH
(NLD)

Bình luận (0)