Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thị trường lao động cần thử sức như… gà chọi

Tạp Chí Giáo Dục

Phát triển quá nhiều trường ĐH đã làm méo mó thị trường lao động vì các trường chỉ tranh nhau hút sinh viên.
Ngày 22-9, tại TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM và Công ty Cổ phần Tri thức Doanh nghiệp Quốc tế và các đơn vị phối hợp đã tổ chức Hội thảo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (CLC) nhu cầu cấp bách. Có 55 tham luận từ các nhà khoa học, cơ quan quản lý lao động, viện nghiên cứu, doanh nghiệp,… về chủ đề phát triển nguồn nhân lực CLC gửi đến hội thảo.
TS Đỗ Thị Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhìn nhận một công nhân, lao động may, thợ hồ, lái xe,… tận tâm với công việc, giỏi chuyên môn, hoàn thành công việc được giao thì đó cũng xem là nhân lực CLC chứ không nhất thiết phải là học ĐH, CĐ… Từ đó, bà Loan nêu một số rào cản khi phát triển nguồn nhân lực này đó là: Con em một số gia đình nghèo, dù đã cố gắng học hành, đào tạo bài bản nhưng khó chen chân vào các ngành tài chính, ngân hàng, dầu khí, hải quan… Bà Loan dẫn chứng như trong ngành dầu khí chỉ tuyển dụng con em trong nội bộ ngành. Tương tự, một số ngành thời thượng như tài chính, hải quan,… cũng cần có tiền “lót” tay mới vào được… “Đó là sự bất bình đẳng trong ngành nghề, vùng miền khi nói đến phát triển nhân lực CLC trong lúc này” – bà Loan nói.

Ứng viên tham gia sàn giao dịch việc làm tại TP.HCM. Ảnh: P.ĐIỀN
PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đặt vấn đề tại sao người Việt Nam cũng tài giỏi, thông minh mà vẫn chậm hơn các nước khác? Trên cơ sở đó ông Thiên lý giải phải vận hành theo nền kinh tế thị trường thì lúc đó thị trường lao động mới thực sự “thử sức như gà chọi”, có sự cạnh tranh rõ ràng. Vì vậy, không có cạnh tranh nhân lực thì khó có nhân lực CLC. Theo ông Thiên, phát triển quá nhiều trường ĐH đã làm méo mó thị trường lao động. Vì thực chất các trường chỉ tranh nhau cạnh tranh để thu hút sinh viên chứ không thấy cung cấp nhân lực CLC cho xã hội.
Cũng giống như cả nước, TP thiếu thông tin về cung-cầu lao động và công tác dự báo nguồn nhân lực cho yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Tỉ lệ lao động đã qua đào tạo là 58% nhưng vẫn thấp so với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.
Một số doanh nghiệp nhà nước trong các ngành chủ chốt của nền kinh tế như điện, nước, xăng dầu,… có xu hướng sử dụng lao động CLC. Tuy nhiên, chính sách giữ chân nhân tài trong doanh nghiệp nhà nước lại chưa được quan tâm đúng mức. Số lao động cử đi đào tạo nước ngoài nhưng không về nước làm vì chính sách đãi ngộ chưa tương xứng với khả năng của họ. Mặt khác, công tác đào tạo hiện chưa gắn với yêu cầu của thị trường lao động.
(Nguồn: Sở LĐ-TB&XH TP.HCM)
Thiếu hàng chục ngàn lao động trình độ cao
TP.HCM ưu tiên phát triển các ngành kinh tế trọng điểm như: cơ khí, hóa chất, điện tử, công nghệ thông tin, chế biến tinh thực phẩm, công nghệ cao trong nông nghiệp… Hiện các ngành này còn thiếu hàng chục ngàn lao động có trình độ cao.
(Nguồn: Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM)
Theo P.ĐIỀN – Q.DŨNG
(PL)

Bình luận (0)