Giờ học tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM). Ảnh: N.A
|
Bộ GD-ĐT vừa tổ chức Hội thảo hẹp thảo luận về việc dạy các môn khoa học tự nhiên (KHTN) bằng tiếng Anh ở trường THPT chuyên. Đây là cuộc khởi động cho quá trình triển khai quyết định thực hiện thí điểm nội dung này trong năm học 2011-2012 tới. Tuy nhiên, điều khiến lãnh đạo, giáo viên các trường lo lắng nhất hiện nay chính là vấn đề tiếng Anh cho cả học sinh và giáo viên khi tham gia chương trình này.
Thầy, trò đều khó
Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 của Chính phủ đã bắt đầu triển khai trong đó có nội dung “Nghiên cứu, thí điểm áp dụng một số chương trình dạy học tiên tiến của thế giới tại một số trường THPT chuyên trọng điểm; thí điểm áp dụng việc giảng dạy môn toán, vật lý, hóa học, sinh học, tin học bằng tiếng Anh tại một số trường THPT chuyên”. Đề án này cùng với đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” là “đòn bẩy kép” trong việc thực hiện nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cả giáo viên và học sinh Việt Nam.
Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT cho biết, việc triển khai dạy một số môn KHTN bằng tiếng Anh đã được thực hiện tại các trường: THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội, THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM)… Kết quả thí điểm cho thấy bước đầu đã có một số thành công. Nhưng cũng còn nhiều rào cản như: trình độ tiếng Anh của giáo viên và học sinh, chương trình, tài liệu dạy học. “Đây là một thách thức lớn đòi hỏi cần phải bàn bạc, xây dựng lộ trình phù hợp”, ông Chuẩn khẳng định.
Khó khăn đầu tiên với các trường thí điểm là sự chênh lệch khá lớn của trình độ học sinh. PGS.TS Nguyễn Vũ Lương, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Học sinh trường tôi đến từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và có trình độ tiếng Anh chênh lệch rất nhiều. Vì vậy trước khi triển khai chúng tôi đã có thời gian kiểm tra trình độ tiếng Anh nhằm phân loại trình độ học sinh và có phương án kịp thời để bồi dưỡng”. Đồng tình với quan điểm này, cô Quách Phạm Thùy Trang, giáo viên môn hóa học, Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm (ĐH Sư phạm Hà Nội) bày tỏ: “Trình độ không đồng đều giữa các học sinh khiến giáo viên rất vất vả trong quá trình dạy. Như việc vừa dạy môn của mình đồng thời dạy luôn cả tiếng Anh. Trong khi giáo viên hiện nay chưa có một chương trình cụ thể hay chính thức nào về việc dạy học các môn KHTN bằng tiếng Anh, vì thế việc giảng dạy hiện nay còn ngổn ngang khó khăn. Tôi cũng như nhiều giáo viên đảm nhận trách nhiệm thí điểm dạy ngoài việc thường xuyên trau dồi kiến thức chuyên môn, học tập nâng cao trình độ tiếng Anh, mà còn phải tự “mò mẫm” xây dựng các bài giảng bằng tiếng Anh cho mình”. Một băn khoăn nữa mà cô giáo Quỳnh Trang đề cập đến là hệ thống các kỳ thi như học sinh giỏi các cấp, thi tốt nghiệp THPT, thi ĐH, CĐ… đều bằng tiếng Việt. Nên nếu học sinh chỉ học các kiến thức bằng tiếng Anh nhưng lại phải thi bằng tiếng Việt liệu có thiệt thòi cho những em học sinh này không?!
Điều tiên quyết là đào tạo giáo viên
Theo GS.TS Nguyễn Vũ Lương, tiếng Anh là con đường ngắn nhất đến tri thức nhân loại. Không những thế, theo thầy Lương, dạy các môn KHTN bằng tiếng Anh chắc hẳn làm mê đắm lòng người không chỉ bởi kiến thức mà còn bởi những khó khăn thách thức chồng chất ở phía trước. Đến từ Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), Phó hiệu trưởng Trần Đức Huyên chia sẻ: “Trong trường có 10 giáo viên đã được bồi dưỡng để dạy các môn toán, lý, hóa, sinh bằng tiếng Anh. Có sáu lớp (180 học sinh) được dạy tăng cường tiếng Anh, số tiết học mỗi môn (toán, lý, hóa) là hai tiết/tuần. Các thầy cô Trường Lê Hồng Phong tự xây dựng chương trình nhưng việc kiểm định chất lượng dạy và học lại do chương trình ICAS (một chương trình kiểm định mang tính quốc tế của ĐH New South Wales, Úc) tiến hành”. Để thực hiện được thành công đề án này, theo cô Quỳnh Trang, bộ nên cho đội ngũ giáo viên đi tham quan học hỏi kinh nghiệm tại các nước có nền giáo dục tiên tiến có giảng dạy các môn KHTN bằng tiếng Anh. Thầy Trần Đức Huyên cũng kiến nghị khâu then chốt quyết định sự thành công trong việc dạy các môn KHTN bằng tiếng Anh là việc đào tạo và bồi dưỡng kĩ năng ngoại ngữ thực hành cho các giáo viên. Đồng thời, cũng cần có một cơ quan độc lập và khách quan nhằm đánh giá chất lượng việc giảng dạy các môn học này tại các trường THPT chuyên.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng: “Dạy các môn KHTN bằng tiếng Anh sẽ thực hiện được một mục tiêu kép, đó là tăng cường năng lực sử dụng tiếng Anh của giáo viên và học sinh, đồng thời phục vụ cho việc tiếp cận với chương trình và cách học tiên tiến, làm tiền đề để phát triển tiềm lực khoa học sau này của học sinh. Đặc biệt với học sinh chuyên thì đây là những mục tiêu rất quan trọng và là nhu cầu của phụ huynh cũng như chính bản thân các em…”.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)